Sau hơn một tuần xét xử, ngày 29/11, TAND TP.HCM sẽ tuyên án vụ án Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Hầu hết quan điểm bào chữa của luật sư bị bác bỏ
Tại phần tranh luận, hầu hết các quan điểm bào chữa của luật sư đối với các bị cáo Thọ, Thắng, Hạnh, đều bị Viện Kiểm sát bác bỏ.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo về tội “Đưa hối lộ”. Luật sư cho rằng sau khi Hạnh bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, chưa bị khởi tố tội “Đưa hối lộ”, Hạnh đã chủ động khai báo về hành vi “Nhận hối lộ” của các bị cáo khác, góp phần có hiệu quả để cơ quan điều tra phát hiện và điều tra tội nhận hối lộ của các bị cáo khác trong vụ án nên thuộc trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư bào chữa cho ông Đỗ Thắng Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, đề nghị HĐXX tuyên miễn hình phạt cho thân chủ của mình, bởi luật sự cho rằng, mức án Viện kiểm sát đề nghị là nghiêm khắc, bị cáo Hải phạm tội không vì mục đích vụ lợi, không ép buộc, không đề nghị bị cáo Hạnh đưa hối lộ để cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Luật sư cho rằng bị cáo Hải không có tình tiết tăng nặng và trình bày một số tình tiết giảm nhẹ như nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi, có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, có nhiều đóng góp cho xã hội…
Từ những phân tích, luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Hải được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt, tuyên miễn hình phạt. Trong trường hợp không được miễn hình phạt, luật sư xin tòa cho thân chủ của mình được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về.
Tuy nhiên, các quan điểm trên của luật sư, bị cáo đều bị đại diện Viện kiểm sát bác bỏ và cho rằng cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Đồng thời, cơ quan này khẳng định bản luận tội đã xem xét, cân nhắc, đánh giá, phân hóa vai trò của từng bị cáo.
Tại tòa, các bị cáo bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" cho rằng, chỉ nhận quà cảm ơn dịp lễ, Tết chứ không đòi hỏi, vụ lợi, gợi ý bà Hạnh tặng tiền, quà. Đồng thời, bà chủ Xuyên Việt Oil khai mình chủ động tìm các cán bộ, công chức đưa hối lộ nhằm giúp doanh nghiệp của mình có cơ hội trong kinh doanh. Quan điểm này đã bị đại diện Viện kiểm sát cho rằng các bị cáo ngụy biện, vì việc đưa tiền, tài sản của bà Hạnh đều gắn với các việc làm cụ thể, giúp cho Xuyên Việt Oil đạt được các mục đích khác nhau.
Bà chủ Xuyên Việt Oil xin gánh tội thay em, có được không?
Tại tòa, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Xuyên Việt Oil) thừa nhận có nhiều sai phạm, gây thất thoát tài sản Nhà nước 1.244 tỷ đồng và đưa hối lộ 22 lần cho nhiều cán bộ, công chức với tổng số tiền 31,6 tỷ đồng.
Trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Bà Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, bày tỏ sự hối hận, cam kết dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả. Đồng thời, bà Hạnh xin nhận tội thay bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (em họ bà Hạnh).
“Ngoài mức án 30 năm tù, bị cáo xin nhận thêm tội, bị cáo xin nhận thêm hình phạt 7 năm tù cho bị cáo Nguyễn Thị Như Phương. Bị cáo ân hận về hành vi sai phạm của mình đã khiến em gái vào vòng lao lý”, bị cáo Hạnh nói.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Hạnh cũng xin nhận tất cả trách nhiệm, các nhân viên của Công ty Xuyên Việt Oil chỉ làm công ăn lương, thực hiện theo chỉ đạo của bà chủ Xuyên Việt Oil, nên bà Hạnh xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho người làm thuê.
Tiếp đến, bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Bến Tre, nói rất hối hận về những gì xảy ra, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, ông đã thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra, nộp lại toàn bộ tiền, quà thu lợi bất chính.
“Bị cáo xin gửi lời xin lỗi tới Đảng bộ, toàn thể nhân dân tỉnh Bến Tre. Bị cáo xin lỗi gia đình nội ngoại 2 bên, xin lỗi người thân, những người đã tin tưởng, luôn bên cạnh. Trong suốt quá trình công tác, bị cáo luôn mong muốn cống hiến vì sự phát triển chung, nhưng vi phạm pháp luật, bị cáo vô cùng ân hận”, ông Thọ nói lời sau cùng.
Bên cạnh đó, ông Thọ kiến nghị HĐXX cân nhắc, xem xét ghi nhận cho bị cáo một số tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, có nhiều đóng góp cho xã hội. Từ đó, cựu Bí thư tỉnh Bến Tre xin tòa xem xét cho ông được hưởng khoan hồng, sớm trở về làm lại cuộc đời.
Những bị cáo còn lại trình bày các tình tiết giảm và mong HĐXX xem xét, cân nhắc trong quá trình lượng hình.
Trước đó, sau khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 10-12 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hợp hình phạt, bị cáo Hạnh bị đề nghị mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn là 30 năm. Đồng thời, bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại của vụ án là hơn 1.400 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư tỉnh Bến Tre, bị đề nghị mức án 28-29 năm tù về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Những bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 18 tháng tù treo đến 8 năm tù.
Về đề nghị “nhận tội thay em” của bị cáo Hạnh tại toà, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, pháp luật hình sự quy định rõ về nguyên tắc xử phạt nghiêm minh, đúng người, đúng tội, tùy theo hành vi thực hiện, mức độ nghiêm trọng và tình tiết thực tế để ấn định mức án cho tội danh mà người phạm tội gây ra.
Vì thế, trường hợp của bị cáo Phương dù cho đã được bị cáo Hạnh xin nhận tội thay thì cũng sẽ không được xem xét, bởi pháp luật không có quy định về việc nhận tội thay cho hành vi mà người khác gây ra.
Tòa án sẽ căn cứ đúng các tình tiết thực tế quyết định hình phạt đối với trường hợp của bị cáo Phương và bị cáo Hạnh chứ không chấp nhận để cho bị cáo Hạnh chịu tội thay cho bị cáo Phương được.