| Hotline: 0983.970.780

Ba mươi năm giữ núi rừng, danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam

Thứ Bảy 16/03/2024 , 15:50 (GMT+7)

Sáng 16/3, tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội, thu hút hàng nghìn người dân.

Màn biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế. 

Màn biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế. 

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng; ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng đông đảo lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược trước khi có Đảng, Khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân với quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất, kéo dài nhất và oanh liệt nhất.

Với chiến thuật tài tình, nhiều trận đánh do Hoàng Hoa Thám chỉ huy khiến giặc Pháp kinh hồn, đến nay vẫn in đậm trong tâm trí người dân như các trận Hố Chuối, Đồn Hom (Yên Thế), Cao Thượng (Tân Yên)…. Không những vậy, ông đã buộc thực dân Pháp phải 2 lần ký hòa hoãn vào các năm 1894, 1901.

Cuộc khởi nghĩa dù bị dập tắt, nhưng để lại một trang sử hào hùng về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, theo Phó Thủ tướng.

"Lịch sử và nhân dân mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của tướng lĩnh, nghĩa quân Yên Thế, đặc biệt là người Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. "Ba mươi năm giữ núi rừng, danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam", lãnh đạo Chính phủ cho biết.

Phó Thủ tướng: 'Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam'.

Phó Thủ tướng: 'Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam'.

Phát biểu khai hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho rằng, do đặc điểm ở vị trí chiến lược, Bắc Giang từ xưa được coi là "phên dậu", một trong "tứ trấn" trọng yếu của đất nước. Nơi đây đã sớm hun đúc truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất. 

Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám bắt nguồn từ cuộc dấy binh trước đó của Lương Văn Nắm. Ngày 16/3/1884, ông Nắm đã cùng các nghĩa sĩ trở về đình Thế Lộc (nay là đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên) tổ chức lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong 8 năm lãnh đạo khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 1892), Đề Nắm đã lập nên một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự trong rừng núi dọc bờ sông Sỏi, tổ chức lối đánh du kích, mưu trí, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của thực dân Pháp. Tháng 3/1892, thủ lĩnh Lương Văn Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa.

Khởi nghĩa Yên Thế, cùng với chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, trận chiến trên phòng tuyến sông Như Nguyệt… đã viết nên những trang sử vàng chói lọi của vùng đất Bắc Giang.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Khởi nghĩa Yên Thế (1984), Lễ hội Yên Thế lần đầu tiên được tổ chức và duy trì đến ngày nay, với nội dung phong phú, đậm bản sắc văn hoá. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đánh trống khai hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đánh trống khai hội.

Từ năm 2012, Di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế (gồm 23 điểm) đã được Thủ tướng phê duyệt xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Yên Thế vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với kinh phí đầu tư, tôn tạo gần 500 tỷ đồng, những điểm di tích tiêu biểu của Khởi nghĩa yên Thế như: Đình ba tầng mái, đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, đồn Phồn Xương (huyện Yên Thế); chùa Vồng, đình Hả, đền thờ Lương Văn Nắm (huyện Tân Yên); đình Đông (thị xã Việt Yên), chùa Kem (huyện Yên Dũng).

Lễ hội năm nay kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế được UBND tỉnh chủ trì tổ chức trong 3 ngày, từ 15 đến 17/3. Trong buổi sáng 16/3, buổi lễ chính, hàng nghìn du khách thập phương và người dân Bắc Giang đã đổ về khu vực lễ hội.

Ngoài chương trình khai mạc ở sân khấu chính, lễ hội còn các hoạt động như: Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia, Khai mạc trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế, Hội chợ thương mại du lịch...

Đại biểu Trung ương, địa phương dâng hương tại đền thờ Hoàng Hoa Thám.

Đại biểu Trung ương, địa phương dâng hương tại đền thờ Hoàng Hoa Thám.

Cũng trong sáng 16/3, đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế được khánh thành. Công trình được khởi công từ ngày 19/5, trên diện tích khoảng 1,5 ha thuộc diện tích mở rộng của Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám.

Đền thờ được xây dựng với kiến trúc mặt bằng chữ Công (H) gồm tòa tiền bái, trung cung và hậu cung. Công trình sau khi hoàn thành bảo đảm kết nối hài hòa với hệ thống các di tích, cảnh quan đã có.

Trước đó, vào ngày 15/3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang cùng UBND huyện Yên Thế đã khánh thành đình ba tầng mái, trên rổng diện tích khoảng 600m2. 

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.