Bác Hồ với trí thức Nam bộ thể hiện ngay sau Cách mạng tháng Tám. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi và được sự hưởng ứng của những nhân vật nổi tiếng ở phương Nam tham gia xây dựng chính quyền mới, như Trần Văn Giàu, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng, Ngô Tấn Nhơn, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Phú Sổ, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung...
Đồng thời, Người cũng dùng chân tình để thuyết phục một số trí thức Nam bộ đang ở nước ngoài cùng hồi hương phụng sự dân tộc, như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Ngọc Nhựt, Lương Định Của...
Bác Hồ với trí thức Nam bộ được đánh dấu bằng “Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 25/5/1947: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc... Anh em văn hóa với trí thức là lớp tiên tri tiên giác, càng phải quyết tâm không chịu làm nô lệ”.
Tại hội thảo khoa học “Bác Hồ với trí thức Nam bộ”, nhiều nhà nghiên cứu cũng khẳng định một tấm lòng thiết tha với đội ngũ trí thức Nam bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự ưu ái xây dựng Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc.
Cuối năm 1954, khi con em của cán bộ miền Nam đã tập kết an toàn ở Cửa Hội, Nghệ An và Sầm Sơn, Thanh Hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý mô hình trường nội trú dành riêng cho đối tượng này. Và lần lượt 28 Trường Học sinh miền Nam đã được thành lập ở Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội... để góp phần đào tạo những đứa con ưu tú Nam bộ nối bước bảo vệ và kiến thiết đất nước.
Vai trò của Trường Học sinh miền Nam từng được đồng chí Phạm Văn Đồng đánh giá “là một vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó ấy”.
Trí thức Nam bộ nói riêng và trí thức Việt Nam nói chung, luôn được Bác Hồ quan tâm chăm sóc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng, thì họ không làm tròn được nhiệm vụ”. Bởi ưu tư ấy, Bác Hồ luôn lo lắng trí thức không được trọng dụng: “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến những những bậc tài đức không thể xuất thân”.
Trân trọng tình cảm của Bác Hồ, nhiều trí thức Nam bộ đã dấn thân cho sự nghiệp cách mạng không hề ngại gian khó hy sinh. Đồng thời, hình tượng Bác Hồ được phản ánh một cách gần gũi và sâu sắc trong thơ của các tác giả phương Nam như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Thu Bồn, Viễn Phương...
Hai câu thơ quen thuộc “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ” được nhà thơ Bảo Định Giang viết vào mùa hè năm 1946, khi ông đang là cán bộ ban Tuyên truyền lưu động Chiến khu 8 thuộc Ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Nam bộ.
Nguyên tác bài thơ của Bảo Định Giang có bốn câu: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ/ Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm”. Bài thơ nhanh chóng được truyền tụng và được in trên các sách báo vùng Đồng Tháp Mười. Năm 1948, nhà thơ Bảo Định Giang gửi bài thơ cho phái đoàn của tướng Trần Văn Trà, nhờ đem ra chiến khu Việt Bắc để tặng Trung ương Đảng. Từ đó, bài thơ được lan tỏa cả nước. Thế nhưng, phần lớn các văn bản đều chỉ sử dụng hai câu đầu, và bỏ đi hai câu cuối. Thiết nghĩ, đó cũng là một chỉnh thể gọn gàng và đầy đủ. Đến nay, hai câu thơ viết về Bác Hồ của nhà thơ Bảo Định Giang đã tồn tại bền vững trong đời sống cộng đồng như một bài ca dao.
Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” được nhà thơ Chế Lan Viên sáng tác năm 1960, là một trong những bài thơ gây ấn tượng mạnh mẽ nhất về hành trình Nguyễn Ái Quốc bôn ba bốn biển năm châu. Bài thơ dài 20 khổ, có những câu ám ảnh người đọc nhiều thế hệ: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre/ Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”.
Sau ngày non sông thống nhất, nhà thơ Viễn Phương tạo được rung động cho đồng bào Nam bộ với bài thơ “Viếng lăng Bác” được viết tháng 4/1976: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/ Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng/ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”.