| Hotline: 0983.970.780

Hình tượng Bác Hồ hiện hữu giữa đời thường rất thật

Thứ Sáu 19/05/2023 , 06:07 (GMT+7)

Hình tượng Bác Hồ xuất hiện trong tác phẩm của nhà thơ Hải Như với những vẻ đẹp đời thường, khiến công chúng ngoài sự ngưỡng mộ còn phải suy tư đúng mực.

Tác phẩm 'Thơ viết về Người' của Hải Như.

Tác phẩm "Thơ viết về Người" của Hải Như.

Hình tượng Bác Hồ được phản ánh qua nhiều loại hình nghệ thuật, từ âm nhạc, hội họa đến sân khấu, điện ảnh. Riêng ở lĩnh vực thi ca, hình tượng Bác Hồ được phổ biến rộng rãi trong đời sống với những tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu (1920-2002). Tuy nhiên, có một điều khá thú vị là hình tượng Bác Hồ lại có vẻ đẹp khác biệt trong thơ Hải Như.

Nhà thơ Hải Như (1923-2017) có họ tên đầy đủ Vũ Như Hải, quê gốc ở làng Bái Dương thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Trước năm 1945, nhà thơ Hải Như hoạt động truyền bá quốc ngữ tại Hà Nội. Tháng 12/1946, ông gia nhập quân đội. Sau khi theo học lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng, ông làm Báo Vệ quốc quân và Báo Cứu quốc. Đất nước thống nhất, ông cùng gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống và có thời gian dài làm Báo Giác ngộ.

Nhà thơ Hải Như được nhiều người biết đến với tư cách tác giả phần lời của hai ca khúc nổi tiếng là “Như hoa hướng dương” (nhạc Tô Vũ) và “Thành phố hoa phượng đỏ” (nhạc Lương Vĩnh”. Nhà thơ Hải Như cả đời gắn bó thi ca và rất tự hào về sứ mệnh thi ca: “Đi trên đất nước hôm nay tôi không mang theo giấy thông hành/ Tôi chỉ với những bài thơ/ Giấy thông hành nhà thơ phải do chính nhà thơ tự cấp/ Vượt mọi thử thách thời gian/ Đi vào vĩnh viễn trái tim người”.

Nếu nhà thơ Tố Hữu khai thác hình tượng Bác Hồ khi Người còn tại thế, thì nhà thơ Hải Như tập trung viết về Bác Hồ sau khi Người đã qua đời. Ngày 8/9/1969, hình tượng Bác Hồ lần đầu tiên xuất hiện trong thơ Hải Như qua bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” với nhiều câu xúc động: “Hỏi có ai giàu hơn Bác Hồ ta/ Người chợp mắt, cả năm châu cùng đến/ Trên giường Bác, chúng tôi không thắp nến/ Đã có trăng sao ôm ấp quanh Người”. Đồng chí Trường Chinh khi đọc được bài thơ này trên Báo Nhân Dân số ra ngày 20/9/1969, đã nhận xét: “Bài thơ “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu sáng tác cùng thời điểm là bài thơ con khóc cha, còn bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” của Hải Như là bài thơ quần chúng khóc lãnh tụ”.

Như khơi được mạch nguồn cảm hứng bất tận, nhà thơ Hải Như chọn đề tài Bác Hồ để miệt mài sáng tác. Những tập thơ quan trọng nhất của ông, như “Trái đất mai này còn lại tình yêu” (1985) “Bài thơ trên bến Nhà Rồng” (1990) “Thơ viết về Người” (2004) đều có những trang lấp lánh hình tượng Bác Hồ. Nhà thơ Hải Như quan niệm: “Tôi viết về con người Hồ Chí Minh. Tôi viết về những bài học làm người mà tôi học được ở Bác Hồ”.

Thực sự, nhà thơ Hải Như đã có nhiều trăn trở, để tìm ra con đường thi ca tiếp cận hình tượng Bác Hồ. Bởi lẽ, nếu dùng những khái niệm trữ tình kiểu “Hai tiếng Bác Hồ đồng nghĩa với đấu tranh/ Cho nhân phẩm mọi kiếp người cùng khổ” thì hơi giống Tố Hữu, mà dùng những luận đề diễn giải kiểu “Nước bị mất trước sau giành lại được/ Nhưng triệu triệu trang đời có lập lại kiếp sau không/ Sao cho mọi cuộc đời đều nhận ra chân hạnh phúc/ Áo cơm cần, nhưng mỗi con người đòi một mối cảm thông” thì lại na ná Chế Lan Viên. Thơ Hải Như chỉ đúng phong cách Hải Như, khi dùng những câu ngắn để nói trực tiếp, không cần ngoa ngôn, không cần bóng bẩy: “Đứng trước khó khăn/ Bác Hồ dặn ta cười/ Và do đó mà ta biết khóc/ Khi nghĩ xấu/ Ta không còn đỏ mặt/ Ấy là khi ta bỏ mất ta rồi”.

Từ bài thơ “Pác Bó” viết tháng 5/1970: “Xin phép Bác, cháu ngồi lên phiến đá/ Phiến đá năm xưa lạnh buốt Bác ngồi/ Mùa đông ấy còn đêm, ôi rét cóng/ Bàn viết lạ chưa? Như vẫn ấm tay Người” đến khi qua đời ở tuổi 94, nhà thơ Hải Như có hơn 100 bài thơ với nhân vật trung tâm là vị cha già dân tộc. Cái tài và cái tâm của nhà thơ Hải Như đã mở ra biên độ thẩm mỹ mới, về hình tượng Bác Hồ trong thi ca Việt Nam: “Hồ Chí Minh - hiện thân giữa nhân gian/ Bay bổng như cung đàn/ Nồng nàn như hương nắng/ Trong trắng pha lê/ Bình dị nét quê lề đất/ Đừng ai mượn danh Người làm thần tượng ngụy trang/ Đừng ai thần thánh hóa tấm gương Người/ Người hiện hữu giữa đời thường rất thật/ Người thích mặc áo nâu tươi màu đất”.

Những ai đã quen đọc loại thơ nhiều tính từ tô điểm và nhiều sáo ngữ đưa đẩy, sẽ vô cùng ngạc nhiên trước hình tượng Bác Hồ trong thơ Hải Như. Chính nhà thơ Hải Như phát hiện “Bác không muốn dẫm lên mọi đường mòn có sẵn/ Khi đích đã nhắm rồi/ Người luôn luôn tạo cho mình một lối đi riêng”, cho nên ông cũng lập chí dùng “lối đi riêng” để sáng tác. Nhà thơ Hải Như khéo léo phản biện những thông tin mặc định xoay quanh Bác Hồ, mà có được những câu thơ thuyết phục: “Có người con gái nào buổi ấy đưa tiễn Người không? Chắc có/ Đừng nghĩ trái tim anh thủy thủ Văn Ba thành gỗ đá. Ta lầm/ Với tình yêu, Người biết dừng lại ở đâu vì muốn dâng hết mình cho dân tộc/ Trong suốt cuộc đời Người ta vô cùng kính trọng, đã bao mối tình câm”.

Xuất phát từ góc độ “Bác Hồ không thích chất vấn mọi người/ Bác thường tự chất vấn mình trước khi đi nghỉ”, nhà thơ Hải Như lấy những chi tiết bình thường nhất của Bác Hồ trong đời sống để đúc kết thành bài học suy tư, từ “Bữa ăn sáng Bác Hồ sao đạm bạc/ Một bát cháo hoa/ Một khúc sắn quê nhà/ Sướng chưa đều, Bác sẻ khổ cùng ta/ Người không muốn tâm hồn ta vẩn đục/ Ôi, Bác lánh xa mọi xa hoa đời tục/ Mà chúng ta nhiều lúc lại sa vào” đến “Bác Hồ đi dép lốp cao su/ Đâu chỉ vì giản dị/ Mà vì lẽ cao hơn/ Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm/ Khi trái đất này còn những trẻ em chưa có đủ giày đi/ Người không sao sống khác”.

Nhà thơ Hải Như.

Nhà thơ Hải Như.

Sự độc đáo ở thơ Hải Như là thông qua hình tượng Bác Hồ để thức tỉnh mọi người. Sinh hoạt của Bác Hồ nhắc nhở về tâm hồn cao đẹp: “Khác với chúng ta/ Bác Hồ đắp chăn đơn – không muốn mình ấm quá/ Người trằn trọc canh dài/ Vì tiếng trẻ rao đêm/ Khi còn những bất công (chưa dễ dàng ta xóa)/ Cần có những phút buồn/ Nâng chúng ta lên”. Thói quen của Bác Hồ nhắc nhở về đạo lý ứng xử: “Khi tiếp khách người thân/ Bác vẫn khoác chiếc áo bông sờn/ Hai vai áo này đây hai mụn vá/ Đâu phải chỉ thương dân còn vất vả/ Ta hiểu Người muốn ngụ ý sâu xa/ (Bác Hồ thường không nghĩ hộ cho ta)/ Người gợi ý. Ta tự tìm chân lý/ Áo thuở hàn vi/ Bác Hồ vẫn quí/ Nhiều chúng ta lãng phí cả con người”.

Nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiền ngẫm thấu đáo, nhà thơ Hải Như có được một kịch bản văn học rất ấn tượng là “Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng” xưng tụng Bác Hồ giai đoạn gian nan tìm đường cứu nước. Còn khi Người đã trở thành linh hồn Tổ quốc, nhà thơ Hải Như lại nêu bật phẩm giá Bác Hồ bằng những câu chuyện cụ thể: “Bác Hồ đứng/ Người sau không bị khuất/ Ta đứng (thường quên)/ Che lấp bạn mình”, để mỗi bài học làm người được sâu sắc hơn “Trên hè phố chúng ta mai đây/ Nếu còn một đứa trẻ bị còng tay/ Vì lẽ này lẽ nọ/ Thì em ơi đừng sợ/ Phải nói thật với mình/ Lỗi đó ở em/ Lỗi đó ở anh/ Bác Hồ dạy chúng ta điều trước tiên: Nhận lỗi”.

Nhà thơ Hải Như không cầu cạnh những câu chữ đẽo gọt lóng lánh. Ông mạnh dạn tuyên bố: “Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời/ Em xem đó, con người vẫn còn bị con người xúc phạm”. Vì vậy, khi viết về Bác Hồ, ông muốn người đọc phải học tập và làm theo. Học tập từ tác phẩm của Bác Hồ: Người tù bị nhốt lao làm thơ – rung động chân thành/ Ngợi ca người coi ngục/ Mỗi lần đọc bài thơ “Ngài Quách” trong “Nhật ký trong tù”/ Ta lại tự hỏi thêm/ Có phải Bác Hồ muốn giúp ta định nghĩa rõ hơn/ Thế nào là người cộng sản/ Người biết chắt chiu từng giọt người trong xã hội còn đêm/ Người tin vào bản chất người không một ai muốn xấu/ Người không cho là đã nhuốm bùn rồi thì hết nảy những mầm sen”. Và làm theo tấm gương của Bác Hồ: “Giữa những năm chiến tranh, Người đọc thơ Withman khi tiếp nhà báo Mỹ/ Lấy kéo cắt gai hồng cho một nữ ca sĩ Ý khỏi xước tay/ Lắm người trong chúng ta thường quên dân tộc mình có một nền văn minh nhân hậu/ Cảm hóa mọi con tim, in lịch sử chiều dày”.

Nhà thơ Hải Như xác định tư tưởng cách mạng của Bác Hồ: “Lấy lại lẽ công bằng cho cả những loài hoa/ Hương và sắc tủi hờn trong bóng tối/ Người chiến sĩ đấu tranh không biết mỏi/ Lọc chất người. Xin đời mãi tạc ghi”. Vì vậy, lẽ sống cao đẹp của Bác Hồ cần phải được thế hệ sau tích cực noi theo: “Lúc nào và bao giờ cũng buồn vui chia sẻ với nhân dân/ Bác gọi đó là thước đo lòng mình sau trước”. Và giữa bối cảnh đội ngũ cán bộ đang có nhiều biểu hiện tha hóa, thì hình tượng Bác Hồ qua thơ Hải Như càng trở nên ý nghĩa sâu sắc: “Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn/ Không đáng sợ kẻ thù trước mặt/ Sợ nhất kẻ thù ẩn náu trong ta”.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.