| Hotline: 0983.970.780

Cuộc di dân âm thầm đầy biến động ở ĐBSCL:

[Bài 1] Vì sao miệt vườn trù phú lại thiếu hấp dẫn cư dân?

Thứ Hai 08/03/2021 , 13:07 (GMT+7)

Trong một thập niên, hơn 1,1 triệu dân đã rời bỏ vùng quê trù phú ĐBSCL, dịch chuyển về phía Đông. Phải chăng điều kiện sống khu vực ĐBSCL đang trở nên kém thuận lợi?...

Xưa kia Tây Nam Bộ đi từ một vùng hoang hóa giờ trở thành một vùng đất trù phú. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xưa kia Tây Nam Bộ đi từ một vùng hoang hóa giờ trở thành một vùng đất trù phú. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL là vùng đất mới của người Việt nam tiến. Trải hơn 3 thế kỷ “mở cõi” từ thời chúa Nguyễn, miền Tây Nam Bộ từ một vùng hoang hóa thành một nơi trù phú, nhưng vẫn là nơi đất rộng người thưa. Ngoài sự phát triển dân số tự nhiên theo khuynh hướng gia đình đông con “trời sinh voi sinh cỏ”, kiểu kết cấu đại gia đình, rồi chuyển hướng sang kế hoạch hóa gia đình ít con trong thời kỳ thống nhất đất nước, với sự mời gọi hấp dẫn của vùng đất mưa thuận gió hòa, dễ bề làm ăn, sinh sống đã khiến dân cư trên vùng đất qua nhiều giai đoạn đạt đến độ hài hòa trên mật độ cư dân. Nhưng nay, điều kiện ấy có nguy cơ lại bị phá vỡ.

Thời kỳ khẩn hoang, đất rộng người thưa

Cộng đồng cư dân Bắc Trung Bộ thời triều Nguyễn vào Nam lập nghiệp, theo “Đại Nam nhất thống chí”, do Quốc sử Quán triều Nguyễn biên soạn, hoàn thành trong những năm đầu thế kỷ XX (đến năm 1910), ở bốn tỉnh Nam Bộ, tức miền Tây Nam Bộ (ĐBSCL ngày nay) có số lượng dân đinh khá khiêm tốn, tổng cộng gần 72 ngàn người, bao gồm: Định Tường có 22.584 người; Vĩnh Long: 28.323 người; An Giang có 15.065 người; Hà Tiên có 5.793 người.

Như vậy, nếu kể từ số dân đinh - người nam có khả năng lao động, phải đóng thuế thân và đi lính - thì trong một đại gia đình xưa bình quân có thêm 1 ông hoặc bà với số con đông từ 4 đến 8 đứa, thì một gia đình có thể đến 9 nhân khẩu. 

Sông nước miền Tây. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sông nước miền Tây. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cá biệt có nhiều gia đình còn đông hơn, như: gia đình cha mẹ của hai nữ nghệ sĩ tên tuổi Năm Phỉ và Bảy Nam trong lĩnh vực sân khấu cải lương có người cha vốn là một kỹ sư tốt nghiệp tại Pháp cũng có khuynh hướng sinh con nhiều. Ông đã đặt tên 11 người con nối theo tên của ông thành một tâm nguyện dài: Công - Thành, Danh, Toại, Phỉ, Chí, Nam, Nhi, Bia, Truyền, Tạc, Để”. Hay như gia đình cố soạn giả, nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu cũng có đến 10 người con. Tính chung dân cư của ĐBSCL thời ấy có tổng khoảng 650 ngàn người.

Thời chính quyền Sài Gòn cũ, mỗi gia đình cũng có nhiều con. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện dân trí, dân sinh cũng còn hạn chế nên dân số cũng bị hao hụt. Vì vậy, dân số ĐBSCL tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp, năm 1964 có gần 6 triệu (5.996.902). Sau 11 năm, tính đến năm 1975, tỉ lệ dân số hàng năm tăng trung bình là 3.08% và con số này đạt vào khoảng trên 8 triệu người.  

Tốc độ tăng dân số... siêu chậm!

Sau 1975, dân số ĐBSCL ngoài việc tăng tự nhiên có phần giảm đi theo chủ trương kế hoạch hóa gia đình; nhưng nhờ việc tăng cơ học từ lực lượng di dân đã bổ sung nhân lực đáng kể cho các tỉnh miền Tây. Tính đến năm 1999, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở, số lượng dân số thời điểm này là hơn 16,1 triệu. Mười năm sau, năm 2009: dân số ĐBSCL tăng lên gần 17,2 triệu. Bình quân dân số mỗi năm tăng cũng được 100 ngàn người.

Rừng U Minh hạ - Cà Mau. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Rừng U Minh hạ - Cà Mau. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhưng rồi, mười năm sau nữa, số dân ĐBSCL gần như không thay đổi, chỉ là con số hơn 17,2 (cụ thể năm 2019 là 17.256.354). Như vậy, dân số ĐBSCL có thể nói đạt được số lượng đỉnh cao vào thập niên đầu của những năm 2000, mà từ đó đến nay số tăng tự nhiên không đủ bù đắp cho số giảm cơ học.

Hiện tại, khu vực ĐBSCL có diện tích tự nhiên hơn 4,66 triệu ha, nếu tính mật độ dân số thì chỉ khoảng trên 400 người/km2. Tỉ lệ này chưa là áp lực dân cư, kinh tế, xã hội cho các tỉnh ĐBSCL so với các địa phương thuộc các vùng miền khác trong cả nước. Việc không tăng dân số trong hàng chục năm qua dẫn đến một thực trạng đáng lo ngại: một mặt, thiếu hẳn lực lượng lao động để khai thác, phát triển kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp.

Đặc biệt là kinh tế du lịch cho các tỉnh ĐBSCL, mặt khác, đẩy các tỉnh vào tình trạng áp lực phải mở ra thêm nhiều cụm công nghiệp tại các tỉnh đồng bằng để thu hút lao động, mà điều này rất có thể không có lợi cho môi trường, môi sinh của khu vực; bởi sự ô nhiễm từ các hoạt động nhà máy, công xưởng thải ra.

Thanh niên di cư tìm kiếm cơ hội ở miền Đông Nam Bộ

Ngoài ra, hiện tượng giảm đi dân số bất thường tại các tỉnh miền Tây tăng nhanh, khiến nhiều hộ gia đình không còn thanh niên, trai tráng mà chỉ còn có người già và em bé không có điều kiện theo cha, theo mẹ phải trụ lại với ông bà. Như nhận định của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright: “Số người di cư cao như vậy phản ánh kinh tế vùng ĐBSCL đang suy giảm, kém hấp dẫn hơn vùng Đông Nam Bộ.

Điều này dẫn đến dòng người di cư khỏi ĐBSCL để tìm kiếm sinh kế tốt hơn. Đây là một quy luật tất yếu.” Về lâu dài tình trạng này lại gây thêm nhiều bất cập khác về phương diện xã hội ở các lĩnh vực khác, như: giáo dục, gia đình, tình cảm, tội phạm vị thành niên... bởi thiếu sự quan tâm chăm sóc của bậc cha mẹ. 

Hiện tại, khu vực ĐBSCL có diện tích tự nhiên hơn 4,66 triệu ha, nếu tính mật độ dân số thì chỉ khoảng trên 400 người/km2. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện tại, khu vực ĐBSCL có diện tích tự nhiên hơn 4,66 triệu ha, nếu tính mật độ dân số thì chỉ khoảng trên 400 người/km2. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người xưa có câu “Đất lành chim đậu”. Có thể do nhiều nguyên nhân khiến vùng đất miền Tây Nam Bộ lại có hiện tượng “di cư” trong thời bình. Nhưng điều dễ nhận ra được ngay là vùng ĐBSCL hiện nay không có điều kiện sống tốt.

Đúng như nhận xét bước đầu của ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ: “Phần đông người xuất cư là người dân nông thôn, nguyên nhân do khu vực nông thôn chưa được tái đầu tư để người dân được hưởng lợi, nên họ đi nơi khác. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy tốc độ đô thị hóa ở ĐBSCL hiện nay thấp nhất cả nước, điều kiện sống không tốt bằng những vùng khác.”

Vì sao nền kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL chưa đủ sức giữ chân người dân là điều cần được xem xét thấu đáo. Bản thân nền nông nghiệp hay cách cơ cấu, tổ chức xã hội nông nghiệp của chúng ta có vấn đề cần được đổi mới hơn?

Bốn tỉnh Nam Bộ thời Nam Kỳ Lục tỉnh của triều Nguyễn: Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên sau những thăng trầm tách nhập, nay được phân thành 13 đơn vị của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trực thuộc Trung ương, bao gồm: TP. Cần Thơ và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đang đối mặt với tình hình không tăng dân số trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, theo khảo sát nghiên cứu tính từ năm 2009 đến nay.

Vùng đất nặng về nông nghiệp đang hướng đến mũi nhọn du lịch sinh thái, miệt vườn vốn cần nhiều thành phần lao động chung tay. Nay gặp phải một nan đề, khiến các hoạt động sản xuất đặc thù nói trên có thể bị phá vỡ âm thầm, bởi nhu cầu cuộc sống của người dân vùng đồng bằng sông nước.

    Tags:
Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất