| Hotline: 0983.970.780

Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

[Bài 2]: Trải thảm đỏ đón các 'đại bàng' về làm tổ

Thứ Hai 09/05/2022 , 18:13 (GMT+7)

Tây Ninh đang quy hoạch khoảng 2.000ha để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư chiến lược trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Những cánh chim đầu đàn

Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam, với đặc điểm địa hình của một cao nguyên, lại mang dáng dấp, sắc thái của đồng bằng, thêm tiềm năng quỹ đất dồi dào, tất cả những điều này là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Sáu, xã Bình Thạnh (Thị xã Trảng Bàng) bên vườn khóm rộng bạt ngàn trên vùng đất nhiễm phèn nặng của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Sáu, xã Bình Thạnh (Thị xã Trảng Bàng) bên vườn khóm rộng bạt ngàn trên vùng đất nhiễm phèn nặng của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Từ năm 2016, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Trong đó xác định cây ăn trái là luồng gió mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Năm 2019, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nông dân Tây Ninh đã được tiếp xúc với công nghệ cao trong nông nghiệp. Mặc dù chỉ là thử nghiệm nhưng người dân rất háo hức trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hàng loạt các mô hình NNCNC hiệu quả ra đời tạo tiền đề để các “đại bàng về làm tổ".

Nhiều năm trước, không ai có thể tin rằng vùng đất phía tây ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc tỉnh Tây Ninh bị nhiễm phèn nặng, cây cối không thể sống nổi, lại được hồi sinh kỳ diệu như bây giờ. Năm 2016, khi biết thông tin tỉnh có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản,  nông dân Nguyễn Văn Sáu, xã Bình Thạnh, Thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 50ha trồng lúa năng suất, hiệu qua sang cây khóm (dứa).

Vườn khóm ứng dụng CNC vào sản xuất giúp giảm nhân công, tăng hiệu suất và lợi nhuận. Ảnh: Hồng Thủy.

Vườn khóm ứng dụng CNC vào sản xuất giúp giảm nhân công, tăng hiệu suất và lợi nhuận. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cây khóm đã sinh trưởng và phát triển tốt trên đất nhiễm phèn, trung bình mỗi ha khóm sau 3 năm trồng có sản lượng khoảng 60 tấn. Với giá trung bình 6.000 đồng/kg, trừ chi phí, cho lãi trên 70 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với cây lúa trước đây. Đến nay, ông Sáu đã sở hữu trên 100ha khóm, không chỉ đem lại doanh thu cho gia đình mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Bên cạnh khóm, một trong những sản phẩm nông nghiệp được ưa chuộng nhất ở Tây Ninh là mãng cầu Bà Đen được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, giúp nông dân và doanh nghiệp yên tâm hơn trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện mãng cầu Bà Đen được trồng phổ biến xung quanh núi Bà Đen gồm các địa phương Thạnh Tân, Tân Bình, phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh (TP Tây Ninh); xã Tân Hưng (huyện Tân Châu); các xã Suối Đá, Phan, Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) với tổng diện tích khoảng 5.000ha, sản lượng trên 50.000 tấn quả/năm.

Người dân quanh chân núi Bà Đen từng bước chuyển dần sang canh tác theo hướng hữu cơ, NNCNC, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Hồng Thủy.

Người dân quanh chân núi Bà Đen từng bước chuyển dần sang canh tác theo hướng hữu cơ, NNCNC, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Hồng Thủy.

Tương tự, nằm trên địa bàn xã Long Khánh (huyện Bến Cầu), trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh, với tổng diện tích 685ha được mệnh ranh là “khu resort” của 8.000 con bò, bê với kinh phí đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Trang trại đạt tiêu chuẩn Global GAP về quản lý trang trại và chất lượng sữa tươi thuần khiết. Hiện, sản lượng sữa tươi nguyên liệu của trang trại đạt hơn 100.000 lít sữa/ngày, tương đương gần 40 triệu lít sữa/năm. Đây còn là nơi làm việc lý tưởng với lối thiết kế nổi trên mặt hồ rộng 37.000m², với các khu nhà nghỉ, quầy pha chế thức uống, khu giải trí và thể thao… tạo cảm giác thoải mái trong công việc của người lao động.

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Bel Gà, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã khánh thành Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh có vốn đầu tư 200 tỷ đồng, diện tích 15.000m2, công suất thiết kế trên 19 triệu gà con/năm giai đoạn 1 và mở rộng công suất lên đến 38,4 triệu gà con/năm giai đoạn 2, đáp ứng nhu cầu về con giống gia cầm cho thị trường Việt Nam và Campuchia.

Trang trại bò sữa Vinamilk được mệnh ranh là 'khu resort' dành cho bò sữa ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại bò sữa Vinamilk được mệnh ranh là “khu resort” dành cho bò sữa ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Ông Kris Van Daele, Tổng Giám đốc Bel Gà Việt Nam và Campuchia cho rằng, Tây Ninh thời tiết thuận lợi và có vị trí địa lý tốt, việc xây dựng nhà máy tại Tây Ninh sẽ giúp gà con giảm stress khi vận chuyển đường dài, bởi thời gian vận chuyển gà giống đến ĐBSCL chỉ còn khoảng 4 - 5 giờ, sang Campuchia là 1 giờ. Ngoài ra, gà giống có thể vận chuyển bằng đường hàng không ra miền Bắc, thông qua TP.HCM.

“Sau nhà máy ấp trứng gà công nghệ cao, Bel Gà sẽ tiếp tục xây dựng một tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ gồm: Hai trang trại gà bố mẹ công suất 25 triệu trứng/năm; 250 trang trại chăn nuôi gà thịt an toàn công suất 25 triệu gà thịt/năm. Bên cạnh đó, là tổ hợp các nhà máy sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín. Tổng mức đầu tư cho các dự án dự kiến khoảng 141,5 triệu USD. Sau khi hoàn thành, dự án có thể tạo ra cơ hội việc làm cho khoảng 350 - 500 lao động địa phương”, ông Kris Van Daele cho biết.

Chính sách cởi mở

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, tuy nhiên, một số vùng đã có chứng nhận sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm (VietGAP, GAP…). Cụ thể, huyện Dương Minh Châu được cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh newcastle trên gà với tổng đàn trên 800.000 con; đồng thời, tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi bò sữa ATDB trên địa bàn huyện Bến Cầu giai đoạn 2020 - 2022 với tổng đàn trên 8.000 con.

Tây Ninh đang triển khai Kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi bò sữa ATDB trên địa bàn huyện Bến Cầu, giai đoạn 2020 - 2022 với tổng đàn trên 8.000 con. Ảnh: Hồng Thủy.

Tây Ninh đang triển khai Kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi bò sữa ATDB trên địa bàn huyện Bến Cầu, giai đoạn 2020 - 2022 với tổng đàn trên 8.000 con. Ảnh: Hồng Thủy.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Tây Ninh xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là quy hoạch các vùng ứng dụng công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với nông nghiệp để xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng nông nghiệp theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, gắn sản xuất, bảo quản với chế biến và xuất khẩu để tạo lan tỏa cho người nông dân, đặc biệt là tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị trong một đơn vị diện tích.

Căn cứ Đề án xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, Sở NN-PTNT Tây Ninh đã hoàn chỉnh định hướng quy hoạch vùng phát triển NNCNC trên khu đất xã Suối Dây. Đây là khu vực có diện tích 1.400ha, được quy hoạch làm khu sơ chế, chế biến, trại thực nghiệm sản xuất giống và khu sản xuất.

Cùng với đó, thu hút đầu tư sản xuất các loại giống cây ăn trái nhiệt đới cung cấp giống trên địa bàn tỉnh và khu vực. Tỉnh cũng đang xúc tiến dự án đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (đầu tư thủy lợi, giao thông vùng sản xuất kết nối với giao thông bên ngoài từ nguồn vốn vay ADB).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chuẩn bị 800ha đất sạch (chủ yếu trồng cây ăn trái) để chủ động mời gọi các nhà đầu tư tìm đến xây dựng những dự án quy mô, với kỳ vọng mỗi ha đất nông nghiệp sẽ thu lợi 130 triệu đồng/năm, cùng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tây Ninh kỳ vọng mỗi ha đất nông nghiệp sẽ thu lợi 130 triệu đồng/năm, cùng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh kỳ vọng mỗi ha đất nông nghiệp sẽ thu lợi 130 triệu đồng/năm, cùng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Sở NN-PTNT cũng đã hoàn tất đề án về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có nhiều gói hỗ trợ đầu tư, như hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án đầu tư sấy nông sản (lúa, bắp, khoai, công suất ít nhất 150 tấn sản phẩm/ngày); hỗ trợ không quá 60% chi phí (tối đa 5 tỷ đồng/dự án) đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản...

Trong thời gian qua, Tây Ninh đã thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp gắn phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao được 24 dự án với tổng vốn trên 1.652 tỷ đồng. Việc triển khai đồng bộ, có nhiều chính sách đã thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp mạnh làm đầu tàu dẫn dắt, phát triển chuỗi nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, nhất là các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh.

Với việc quy hoạch khu đất khoảng 2.000ha để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đây sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết. Các mô hình thành công sẽ được chuyển giao cho nông dân hướng tới mục tiêu giúp người dân làm giàu bằng nông nghiệp.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.