| Hotline: 0983.970.780

Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

[Bài 1]-Môi trường lý tưởng cho ngành tinh bột sắn

Thứ Sáu 06/05/2022 , 08:18 (GMT+7)

Cùng những động thái cải cách hết sức tích cực từ phía tỉnh Tây Ninh, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư sâu vào ngành chế biến tinh bột sắn.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Tây Ninh hiện có hàng chục nghìn ha trồng sắn (mì). Bên cạnh đó, nhờ vị trí địa lý giáp biên giới Campuchia, nơi có diện tích trồng sắn lớn và sản lượng cao tạo lợi thế để các doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu và thúc đẩy phát triển sản xuất. Đây cũng chính là lý do vì sao Tây Ninh hiện là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất và chế biến tinh bột sắn.

Tây Ninh hiện có diện tích trồng sắn đứng thứ 2 cả nước chỉ sau tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh hiện có diện tích trồng sắn đứng thứ 2 cả nước chỉ sau tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trần Trung.

Được thành lập vào năm 1994, Công ty CP Khoai mì Tây Ninh (Tây Ninh Tapioca JSC) đã khẳng định được vị thế thương hiệu trong ngành sản xuất tinh bột sắn chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh và nâng cao giá trị cây sắn Việt Nam ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Một góc quang cảnh Công ty CP Khoai mì Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Một góc quang cảnh Công ty CP Khoai mì Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Lý giải nguyên do chọn Tây Ninh làm địa điểm xây dựng nhà máy, bà Võ Thị Linh Phượng, Giám đốc Tây Ninh Tapioca JSC cho biết: “Với tính ứng dụng cao, giá cả lại thấp hơn nhiều so với tinh bột khoai tây, tinh bột bắp, nên nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn trên thị trường Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung liên tục tăng qua mỗi năm, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm này. Trong khi đó Tây Ninh là nơi có đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với sự phát triển của cây sắn, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, tập trung chủ yếu tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu.

Nguồn nguyên liệu được tập kết chuẩn bị được đưa vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Nguồn nguyên liệu được tập kết chuẩn bị được đưa vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Mặc dù diện tích sắn của Tây Ninh lớn thứ hai cả nước nhưng nhiều năm liền địa phương này luôn dẫn đầu về năng suất, sản lượng, đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất. Đó cũng là lý do chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại đây để cung cấp cho thị trường nội địa cũng như phục vụ nhu cầu xuất khẩu”.

Đổi mới công nghệ, nắm bắt thị trường

Bà Võ Thị Linh Phượng cho biết thêm, hiện nay nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn trên thế giới ngày càng tăng do công năng của loại sản phẩm này rất rộng rãi. Tinh bột sắn ngày nay không đơn thuần chỉ là lương thực, thực phẩm mà còn được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm và các ngành công nghiệp nhẹ như bánh kẹo, sợi tổng hợp, bột viên, bột biến tính, gia vị… Đặc biệt tinh bột sắn biến tính, mạch nha còn là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất các loại nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên thế giới.

Một góc khu chế biến tinh bột sắn thành mạch nha của Tây Ninh Tapioca JSC. Ảnh: Trần Trung.

Một góc khu chế biến tinh bột sắn thành mạch nha của Tây Ninh Tapioca JSC. Ảnh: Trần Trung.

Nắm bắt được nhu cầu lớn của thị trường, Tây Ninh Tapioca JSC đã chủ động đổi mới công nghệ, mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, phòng xét nghiệm, nhà xưởng, kho bãi nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa khi xuất khẩu; đồng thời triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, xử lý chất thải nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường sống.

Trong suốt quá trình cải tiến đó, đáng kể nhất chính là sự đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại của châu Âu với chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, sản xuất sạch hơn, giảm thiểu hơn mức tiêu hao nhiên liệu, vật liệu trên sản phẩm. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong ngành đang loay hoay với thị trường Trung Quốc nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao thì sự mạnh dạn đầu tư chiều sâu này đã đánh dấu bước tiến lớn của Tây Ninh Tapioca JSC trong nỗ lực làm chủ thị trường nội địa và vươn ra chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Đó cũng chính là bệ phóng quan trọng giúp Tây Ninh Tapioca JSC liên tục có những lô hàng giá trị xuất khẩu sang thị trường khó tính khác.

Công tác nghiên cứu để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ảnh: Minh Sáng.

Công tác nghiên cứu để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ảnh: Minh Sáng.

"Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Tây Ninh Tapioca JSC đã xác định để tồn tại và phát triển trong ngành sản xuất tinh bột mì vốn cạnh tranh gay gắt thì con đường duy nhất chính là giữ vững uy tín, thương hiệu trên thị trường và không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm vì quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy Tây Ninh Tapioca JSC chủ trương không chạy đua về số lượng, không gian lận về chất lượng mà luôn sản xuất kinh doanh bằng chữ Tín, bằng chất lượng sản phẩm; luôn bám sát nhu cầu thị trường để có hướng cung ứng phù hợp", bà Phượng khẳng định.

Không chỉ dừng lại ở việc đổi mới công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất cao cấp, Tây Ninh Tapioca JSC còn ý thức rất rõ và có trách nhiệm cao trong vấn đề xây dựng môi trường làm việc Xanh - Sạch - Đẹp; chú trọng xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Theo đó doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư lớn cho việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng vi sinh; nước thải sau khi qua xử lý sẽ đạt loại A, đủ tiêu chuẩn để đưa ra môi trường tự nhiên. Sự nỗ lực bảo vệ môi trường của Tây Ninh Tapioca JSC đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh chứng nhận và khen ngợi, không những thế Công ty còn vinh dự được chọn là điểm sáng tiêu biểu để nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường cho các đơn vị sản xuất khác trong cả nước.

Sản phẩm của nhà máy chuẩn bị đưa vào thị trường. Ảnh: Minh Sáng.

Sản phẩm của nhà máy chuẩn bị đưa vào thị trường. Ảnh: Minh Sáng.

Nhận xét về môi trường đầu tư kinh doanh tại Tây Ninh, Bà Võ Thị Linh Phượng tỏ ra rất hài lòng: "Tích hợp nhiều ưu thế vượt trội, Tây Ninh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; các ngành, các cấp đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Xuất phát từ tinh thần cầu thị cùng những động thái cải cách hết sức tích cực từ phía chính quyền tỉnh nên bản thân tôi đánh giá rất cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Tây Ninh”, bà Phượng nói.

Tiếp sức doanh nghiệp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 65 nhà máy chế biến sắn với tổng công suất 6,4 triệu tấn củ/năm. Cây sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Thái Lan, trong đó có vai trò đóng góp không nhỏ của ngành sắn Tây Ninh.

Ngành chế biến sắn không chỉ đóng góp ngân sách tỉnh Tây Ninh còn giải quyết sản lượng sắn, việc làm cho người dân trong và ngoài địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Ngành chế biến sắn không chỉ đóng góp ngân sách tỉnh Tây Ninh còn giải quyết sản lượng sắn, việc làm cho người dân trong và ngoài địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Thời gian qua, tỉnh đã tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp phát triển như: chính sách khuyến công, tập trung vào máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, trình diễn kỹ thuật, thiết kế và sản xuất bao bì, sản phẩm; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp; ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật...

Tỉnh cũng đã lên phương án bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản… tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Ðẩy mạnh việc thu hồi đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích trong các khu công nghiệp để bố trí cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh đang có nhu cầu.

Đặc biệt, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát huy lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương xứng với tiềm năng, vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã thông qua Nghị quyết về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2020-2025. Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo danh mục dự án theo Nghị quyết, thì sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.