Anh hiện hợp tác bán hàng phân bón với mấy đơn vị nhưng nhiều nhất vẫn là công ty TNHH Thương mại Thủy Ngân - nhà phân phối của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.
Ngoài bán mỗi vụ hàng trăm tấn NPK hàm lượng trung bình để đồng bào bón chủ yếu cho lúa, ngô, chè; NPK hàm lượng cao để đồng bào bón cho cây ăn quả như nhãn, mận tam hoa; đợt vừa rồi anh còn mạnh dạn đưa vài chục tấn phân bón mới như NPK vi sinh, lân vi sinh ra thị trường.
Anh cho biết, phân hóa học có đặc tính nhả nhanh, cây hấp thu nhanh, dễ nhận thấy, còn phân hóa học kết hợp vi sinh nhả chậm hơn nên khó nhận thấy ngay được. Bởi thế khi muốn đưa ra sản xuất ngoài đồng ruộng đại lý phải làm mô hình trình diễn cho nông dân xem hiệu quả của loại phân bón mới kết hợp với vi sinh của Lâm Thao khác với phân bón hóa học thông thường thế nào. Chúng nhả từ từ giúp cây trồng “ăn” đều đều từ đầu đến cuối vụ nên bền vững chứ không “ăn xổi” như phân hóa học thông thường, cây ăn nhanh nhưng cũng nhanh hết và dễ bị rạc.
Anh làm mô hình trên lúa, chè, rau màu bằng cách tặng luôn sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật bón, chăm sóc cho những người nông dân tiên phong. Từ đó, anh mời những nông dân khác trong vùng đến xem, so sánh giữa một bên là bón loại phân hóa học không có vi sinh, một bên là bón loại phân hóa học có thêm vi sinh. Lúc đầu bà con còn thắc mắc: “Sao phân bón vi sinh cây lại không tốt như phân bón hóa học kia?”.
Anh giải thích rằng: “Phân bón hóa học chứa vi sinh này được phun thêm chất bọc bên ngoài viên lại, khi bón xuống đất mới tan dần. Bình thường phân hóa học chỉ 1 tuần là thấy ngay tác dụng nhưng phân hóa học chứa vi sinh phải 15 ngày mới rõ tác dụng được. Bón phân hóa học chứa vi sinh đợt đầu rồi tiếp đợt sau thì sẽ thấy hiệu quả, không chỉ cây tốt mà đất đai còn tơi xốp, nhiều giun, dế, khác hẳn với thửa ruộng chỉ bón phân hóa học đất bị chai lỳ”.
Anh kể: “Trước đây công tác truyền thông kém, nông dân từ trên núi xuống vào cửa hàng cứ bảo mua cái bao phân NPK có cái gạch gạch tức bao Lâm Thao kiểu cũ có cái gạch đỏ. Các công ty khác nhái theo mẫu đó của Lâm Thao rất nhiều. Thực tế bán hàng chất lượng hay kém chất lượng còn phụ thuộc vào người cung ứng có tâm hay không.
Lúc đầu nông dân chưa hiểu biết, nhiều đại lý thiếu lương tâm lái người ta theo kiểu, đây cũng là hàng NPK Lâm Thao. Nhiều người Mông không biết chữ nên lầm tưởng công ty này với công ty kia, nhất là bán đầu tư, cho nợ thì không có sự chọn lựa. Giờ nhiều nông dân cũng hiểu biết rồi.
Cách đây hơn 1 năm có một ông người Mông ở xã Phình Hồ huyện Trạm Tấu cầm vỏ bao phân của Lâm Thao xuống cửa hàng tôi nhưng không mang vào mà để trong cốp xe rồi hỏi: “Tao muốn mua phân của Lâm Thao, mày tư vấn cho tao cái phân nào của Lâm Thao, cái phân nào của Lào Cai”.
Tôi bảo: “Quan trọng là anh sử dụng cho cây gì và thời điểm nào thì mới tư vấn được?”. Ông ấy nói: “Tao cứ mua cái của Lâm Thao thôi”. Tôi bảo: “Lâm Thao có nhiều loại, nhiều hàm lượng lắm!” và đùa, chỉ sang bao phân của công ty khác. Ông ấy kêu lên: “Ôi, mày không nói thật rồi, tao có mang cái mẫu của Lâm Thao đang để ngoài xe kia kìa”.
Tôi cười, bảo: “Nói đùa thế thôi, đây bên này là Lâm Thao vỏ bao bì như thế này, còn bên kia là của công ty khác vỏ bao bì như thế kia”. Ông ấy nói: “Đấy, phải như thế chứ không tao mang cái vỏ bao của Lâm Thao vào thì mày xấu hổ với tao đấy”...
Cách đây 5-7 năm chưa có đường lên các bản vùng sâu vùng xa nhiều bà con phải xuống núi bằng ngựa. Giờ đường nhà nước mở về, bà con xuống núi bằng những chiếc xe máy đời mới. Mạng internet cũng đã kịp về bản. Cùng với đó, cán bộ của công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, công ty TNHH Thương mại Thủy Ngân đã sát cánh với cán bộ nông nghiệp địa phương dạy nông dân cách phân biệt qua logo 3 nhành lá cọ, tránh những sản phẩm ăn theo có mẫu mã bao bì, logo na ná, tương tự.
Bởi thế, nhận thức của bà con đã tăng lên, nhiều người xuống đại lý biết hỏi thẳng: “Bán cho tôi loại phân có biểu tượng ba cành lá cọ”. Có những đại lý nhỏ ở trên những xã vùng cao xuống bốc hàng, chủ yếu là Lâm Thao.
“Người Kinh có khi chỉ 50-60% biết dùng điện thoại để chuyển khoản nhưng ở trên bản, người Mông biết dùng phải cỡ 80%, nhất là vùng phát triển du lịch như Phình Hồ, Làng Nhì, Suối Giàng…xuống cửa hàng của tôi có khi mua chỉ 20.000đ cũng chuyển. Họ bảo, tiền chuyển khoản mới không bị lừa như tiền giấy.
Hễ nghi ngờ về sản phẩm là họ cũng cầm điện thoại quét luôn mã vạch trên bao bì để kiểm tra xem có phải là sản phẩm chính hãng hay không. Hiện tôi đang phân phối sản phẩm phân bón cho 2 công ty có in mã vạch là Lâm Thao và đạm Hà Bắc. Từ hồi áp dụng như vậy, chuyện sản phẩm kém chất lượng “ăn theo” các sản phẩm chính hãng đã giảm hẳn đi bởi quét cái là ra luôn thông tin của công ty”. Anh Dũng khẳng định.