| Hotline: 0983.970.780

Đại điền: Ngoài kia gió đang thổi

[Bài 4] Những người đi 'nhặt' ruộng hoang và cái chết của hai đại điền

Thứ Ba 25/10/2022 , 06:30 (GMT+7)

'Nhặt' ruộng hoang ở đây hiểu theo đúng nghĩa đen là tìm đến những mảnh nào cỏ dại mọc um tùm rồi cứ vỡ đất, cấy trước hỏi sau, thậm chí cũng không buồn hỏi.

Đại điền từ xa và đại điền gần nhà

Ông Ngô Văn Khởi - Giám đốc HTX Thái Xuyên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) kể với tôi về chuyện anh Ma Văn Hiệp - một giảng viên trường đại học chuyên về nông nghiệp khi đến xã làm hội thảo, thấy ruộng đồng nhiều đã mượn bà con 14 mẫu để sản xuất trong vụ đông năm 2021. Người một nơi, của một nẻo, anh cứ đi đi, về về hoặc nhiều lúc là chỉ đạo kỹ thuật từ xa qua điện thoại.

Vụ đông đó, do xuống giống bí đỏ muộn, lúc quả mới đang bằng nắm tay thì đã chuẩn bị đến vụ lúa xuân, phải trả lại ruộng nên đành phá bỏ, thiệt hại mất khoảng 70 triệu đồng. Không nản chí, vụ xuân năm 2022 anh thuê 14 mẫu ruộng bỏ hoang nhiều năm ở một cánh đồng khác cùng ở xã Thái Xuyên với mức 20 kg thóc/sào/năm để cấy lúa.

Empty

Đại điền Nguyễn Văn Xuyên bê thóc ra để chuẩn bị xát gạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mặt ruộng lầy thụt, chỗ cao, chỗ thấp không đều, chưa quen thủy lợi, cộng thêm chuột bọ dồn vào phá hoại khiến cho năng suất lúa vụ đó khá thấp. Đã thế, sản xuất để làm giống mà công ty thu mua nhận bao tiêu bảo thóc không đủ tiêu chuẩn do lẫn lúa ma, không thể thu mua được, anh đành phải bán thành thóc thịt, lỗ mất khoảng 50 triệu.

Bài liên quan

Vụ mùa năm 2022 thấy anh bàn định thả cá rô nuôi ngay trên mặt ruộng, ông Khởi vội can bảo chỗ đó trũng hay ngập dễ thất thoát, vả lại anh không trực tiếp trông coi mà thuê người dễ mất mát nên mới thôi.

Vụ đông năm 2022 anh bàn định trồng bí đỏ, ông Khởi lại can do thời vụ lúa mùa chậm 20 ngày, e rằng lại giống như cảnh phải thu hoạch bí non rồi vứt đi như năm ngoái. Vụ tới, anh còn bàn định không sản xuất lúa nữa mà chuyển hẳn hướng sang trồng sen nhưng xem chừng cũng khá mông lung…

Với mong muốn tìm hiểu về hiệu quả của từng quy mô diện tích đại điền, tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Xuyên ở làng Lục Nam xã Thái Xuyên, người 55 tuổi nhưng dám một mình cấy 12 mẫu lúa (hơn 4 ha). 3 năm trước anh thuê đất của dân với mức 20-30 kg/sào nhưng giờ nhiều người chán ruộng, hỏi thường là họ cho mượn không.

Empty

Kho thóc đầy ăm ắp của đại điền Nguyễn Văn Xuyên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong tay có 2 máy cày, 1 máy bơm ngoài làm ruộng của nhà anh còn làm dịch vụ đất cho 40-50 mẫu của bà con. Thỉnh thoảng có người làm đất xong mà vẫn bỏ rơi đấy nên tiếc của anh đành phải “nhặt” về để cấy cố.

Sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ đông với 1-2 mẫu chủ yếu là các loại rau như cải, su hào, cải bắp và khoai tây, ước tính vụ xuân lãi được chừng 40 triệu, vụ mùa lãi 15-20 triệu, vụ đông khó định lượng. Nhưng có cái hay là 6 năm nay anh làm hợp đồng nấu ăn cho công nhân của 2 nhà máy trong vùng, mỗi ngày trung bình cung cấp 150 suất cơm.

Bài liên quan

Với giá 17.000đ/suất, nếu mà phải đi mua lương thực, thực phẩm thì chỉ còn lãi khoảng 1.000đ nhưng nhà anh lại sẵn thóc, sẵn rau, sẵn vịt, sẵn gà, vậy là có thể lãi 2.000đ/suất, tạo thêm được thu nhập kha khá cho cả hai vợ chồng. Kho thóc đầy ắp của nhà mỗi ngày đều đều xuất ra 40 kg để xát gạo nấu cơm cho công nhân ăn như vậy nên mỗi năm anh cũng tự tiêu thụ được khoảng hơn 10 tấn, số còn lại thì xuất bán ra ngoài.

Lúc tôi đến anh chị đang tất bật múc canh, múc cơm để mang lên cái xe lôi, kéo vào 2 nhà máy, giao cho công nhân ăn trưa. Anh cười: “Nếu làm ruộng thuần túy phải cỡ 20 mẫu trở lên mới hiệu quả chú ạ! Nhưng nhờ vào kết hợp làm bếp ăn để tiêu thụ nông sản của gia đình làm ra nên chỉ với diện tích vừa phải chúng tôi đã có thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, bằng cả 1,2 tấn thóc rồi”…  

Empty

Đại điền Nguyễn Văn Xuyên mỗi ngày cung cấp 150 suất cơm nấu từ chính nông sản nhà làm ra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai cái chết đớn đau và chuyện của những người ở lại

Sau cái chết của người chồng Lê Văn Bình - một “đại điền” cỡ lớn ở xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, chị Phạm Thị Huyền buồn đến cả tháng. Chỉ tay ra cánh đồng lúa vàng rực trước mặt, nước mắt chị như chỉ muốn chực rơi:

“Vụ này có lẽ là vụ cuối của tôi anh ạ, thiếu chồng, một mình tôi không gánh vác nổi cả 50 mẫu ruộng được. Sắp tới tôi dự định sẽ đi làm công nhân thôi…”. Bỏ lửng câu nói, nén tiếng thở dài, người vợ trẻ mới ngoài ba mươi thắp ba nén hương lên ban thờ chồng. Trên di ảnh, một người đàn ông mãi mãi tuổi thanh xuân như đang nhìn xuống.

Lúc đầu vợ chồng Bình cũng chỉ có 3 sào ruộng giống như bao cặp đôi khác mới ra ở riêng trong làng. Khát vọng làm giàu từ nghề nông, họ nuôi thêm trâu, số lượng lớn đến vài chục con. Nhưng khi ngoài bãi sông nhà máy nhiệt điện quây kín hết, trong đồng bờ cũng phun thuốc triệt không còn ngọn cỏ cho trâu ăn thì họ đành phải bán đi.

DSC_3564

Chị Phạm Thị Huyền: "Đây có lẽ là vụ lúa cuối cùng của tôi vì anh Bình đã mất". Ảnh: Dương Đình Tường.

Thế rồi khi thấy đất hoang, anh quyết định mua một cái máy cày be bé để cấy vài mẫu lúa mà họ hàng bỏ. Dần dà người bỏ cấy mỗi lúc một nhiều, anh đi “nhặt” ruộng hoang theo đúng nghĩa đen, cứ tìm đến những mảnh nào cỏ dại mọc um tùm rồi vỡ đất, cấy trước hỏi sau, thậm chí cũng không buồn hỏi.

Cả khu ruộng rộng hơn 10 mẫu của xã Thái Tân giáp đê anh “nhặt” được mà không cần phải hỏi ai cả, đến khi lúa lên xanh tốt cũng chẳng thấy ai đòi. Mỗi vụ anh “nhặt” được vài mẫu ruộng như thế, thường thì vụ sau “nhặt” được nhiều hơn vụ trước. Có nhiều gia đình thấy anh chí thú với đất đai còn gọi lại bảo rằng: “Cho mày mượn mà cứ việc cấy để giữ ruộng hộ tao”.

Bài liên quan

Dù mảnh to hay mảnh nhỏ, gần hay xa anh đều không nề hà. Ở xã Hòa An nhà bố vợ, anh cũng “nhặt” được vài chục mẫu ruộng. Vì chẳng đang tâm để đất hoang, anh làm không biết mệt, thậm chí quên cả ăn. Khi có nhiều đất họ sắm máy cày lớn, máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc trừ sâu, máy phun phân đạm…

Trừ mỗi gieo sạ là phải thuê, còn lại tự hai vợ chồng làm tất cả các công đoạn, thu hoạch xong là bán thóc tươi ngay tại đồng, mỗi vụ lãi được 200-300 triệu, mỗi năm lãi được 400-500 triệu. Cấy lúa không chỉ thừa đủ nuôi một gia đình với hai đứa con, họ còn vừa sắm thêm được cái ô tô mới trị giá 700 triệu khiến cho họ hàng, làng xóm cứ xôn xao, bàn tán mãi.

“Ngày nào chúng tôi cũng phải ra đồng để kiểm tra xem chuột có cắn phá hay không bởi sơ sểnh cái là mất ăn ngay. Nếu thấy có nhiều chuột thì phải đánh bả, rải khắp 50 mẫu ruộng mất 1 tạ thóc tương đương 700.000đ, cộng tiền bả sinh học khoảng 1.300.000đ nữa là mất khoảng 2 triệu mỗi lần. 

Trong khi đó, dùng điện không tốn là bao nhiêu, dây đồng để bẫy có thể tái sử dụng vụ này sang vụ khác, mỗi đêm chúng tôi có thể diệt được trên 100 con chuột. Dân làng cũng nhiều người đánh chuột bằng điện như thế.

Empty

Chị Phạm Thị Huyền bên khu ruộng rộng hơn 10 mẫu của xã Thái Tân vợ chồng mình từng "nhặt" được. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hôm ấy, chồng tôi ra ngoài đồng để kiểm tra bẫy điện. Cẩn thận tôi đã gọi cho ông chú - người chúng tôi kéo nhờ điện rằng đã ngắt điện hay chưa, ông bảo ngắt rồi. Nào ngờ đâu, chồng tôi đi mãi mà không thấy về, có thể do ông chú quên ngắt điện hoặc ngắt nhưng không đúng cái dây của nhà tôi mà nhầm sang dây của nhà khác bởi cũng có nhiều người kéo nhờ. Chồng tôi mất đi để lỡ dự định xây một ngôi nhà mới vào tháng 10 này…”.

Chị Huyền đang kể như thế thì bỗng dừng xe, nhảy từ trên yên xuống, mải mốt chạy theo ba con trâu đang phá đám lúa xa xa của nhà. Cái dáng người tất tả, chạy nghiêng nghiêng trong nắng chiều trên con đường nội đồng mấp mô đầy ổ gà. Ở bên dưới là những mảnh ruộng đám dây điện trần buộc lòng thòng trên những mảnh xốp hình vuông dùng để đánh chuột của một số gia đình.          

Không chỉ riêng trường hợp của anh Bình bị tai nạn chết mà vừa rồi vợ một “đại điền” khác ở một xã thuộc TP Thái Bình cũng đã bị máy gặt đè chết. Hai vụ tai nạn trở thành nỗi ám ảnh trong Hội đại điền tỉnh bởi chỉ trong có mấy tháng của năm 2022 họ đã mất đi hai tới thành viên ưu tú. Những con người mà cả một đời gắn bó với đất đai, đam mê hạt lúa, củ khoai, mang sản phẩm an toàn về nuôi sống cho gia đình và cả xã hội.

Những đại điền thường nhận phần ruộng xấu về cho riêng mình, những thửa đất bờ có khi cũng không có mà đi, máy gặt xuống là lầy thụt, sa lầy. Năm nay thời tiết mưa nhiều, mạ chết vãn, phải dặm lại, khi lúa chính đã trỗ mà lúa dặm chưa trỗ, sâu đục thân nhiều, đạo ôn lắm nên năng suất giảm trông thấy rõ.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất