| Hotline: 0983.970.780

Đại điền: Ngoài kia gió đang thổi

[Bài 3] Một đêm ngủ tại nhà đại điền 60 tuổi

Thứ Hai 24/10/2022 , 06:30 (GMT+7)

Đêm trước buổi chia ruộng lần thứ nhất năm 1988, vợ chồng ông Hạnh hồi hộp, thao thức đến mức không ngủ được, bàn luận suốt canh thâu…

Mừng rơi nước mắt khi nhận ruộng

Bốc số, gắp thăm được mấy mảnh ruộng vợ chồng ông Bùi Văn Hạnh (thôn An Tiêm 3, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đều mừng như muốn rớt nước mắt, bất kể là nó to hay nhỏ, xấu hay tốt. Hậu bao cấp mà vẫn đói vàng con mắt.

Bảy khẩu của gia đình gồm bố mẹ, người cô, vợ chồng ông và hai đứa con mỗi người được chia 1,8 sào nhưng cấy toàn những giống như Quyết Tâm, Đà Nẵng, Bao Thai, dài ngày mà năng suất chỉ 1-1,2 tạ/sào nên vẫn thiếu ăn. Đói quá, những bờ khoai nước ven sông chỉ rộng chừng 1 m ông bà cũng móc bùn lên mà làm ruộng, chuyển sang cấy lúa.

Trên thì trâu ăn, dưới thì vịt rúc cuối cùng thu chỉ còn lại 2 hàng lúa, vẫn kiếm vài hạt thóc để lót dạ. Đến cả những mảnh buộc cọc trâu họ cũng tận dụng, đào đắp lại cho vuông vắn để cấy.

Empty

Trẻ em đi học trên cánh đồng Rừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phân bón thiếu, nhiều người làng dù đi đâu xa cũng cố nhịn tiểu để về đái vào cái vại nơi góc vườn cho có chất đạm mà tưới cây. Ông Kh. hàng xóm đi ra đồng còn nhịn cả vệ sinh nặng để chạy về cái “nhà hôi” của gia đình cho còn có cái mà bón ruộng.

Sau này ông bà đẻ thêm đứa út, nó cũng được chia ruộng đợt hai. Ba đứa con, một làm công nhân, hai học đại học rồi ly nông, ly hương cũng chỉ nhờ cả vào mấy sào ruộng đầm đẫm mồ hôi, kèm theo nghề kiếm cá tanh hôi cả ngày của bố mẹ.

Những năm đầu ông bà phải thuê thầu 40-50 kg thóc/sào, giờ chỉ còn 25 kg/sào, thậm chí chỗ trũng, xấu trả sản hộ cho 8kg/sào là xong. Hơn 35 mẫu (12 ha) ruộng của nhà ông đã được hình thành như thế.

Empty

Ông Bùi Văn Hạnh trước thửa ruộng rộng lớn của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

“7-8 năm trước họ hàng, làng xóm cho cấy thuê nhiều, 3-4 năm nay thì chán hẳn ruộng bởi đi công nhân, đi osin cũng kiếm mỗi tháng cả tấn thóc rồi. Giờ đi công nhân trên 50 tuổi họ vẫn nhận chú ạ, bởi thế mấy người làm thuê cho tôi trẻ nhất cũng đã trên 50 tuổi như cô Quyên, cô Rộng, cao tuổi nhất đã 75 như bà Giang, bà Hằng.

Sắp tới khu công nghiệp Liên Hà Thái đi vào hoạt động sẽ hút rỗng lao động của các làng quê, sẽ còn bỏ ruộng nhiều, sẽ là cơ hội của những người như chúng tôi. Xã hiện có 7 đại điền từ 2 ha trở lên đấy.

Xưa cấy 1-2 mẫu 15 ngày mới xong, giờ tôi cấy 12 ha cũng chỉ 15 ngày, mà đó là vừa cấy máy, vừa cấy tay ở chỗ trũng. Xưa gặt 1-2 mẫu ruộng mất trên 10 ngày, giờ tôi gặt 12 ha chỉ trong 10 ngày, thóc bán tươi ngay tại chỗ. Xưa nhà nào có cót thóc ba vanh chồng nhau, chứa cỡ 1,2 tấn là mặt đã vênh lên với làng xóm rồi, giờ mỗi vụ tôi làm được khoảng 70 tấn thóc, chỉ cần chỗ xấu dư ra để chăn nuôi cũng cỡ 1,2 tấn rồi", ông Hạnh kể.

Bỏ buôn dao để không ngơi tay cày, cấy

Chị Ngô Thị Luyên - một đại điền khác ở thôn An Tiêm 2, cùng xã Thụy Dân tiếp lời, hồi năm 2001 ruộng còn hiếm đến mức đấu thầu 75-80 kg thóc/sào. Năng suất lúa tốt mới được 1,5 tạ/sào, trừ chi phí chỉ dôi ra cỡ 10-20 kg thóc gọi là lấy công làm lãi.

Bài liên quan

Hồi đó chị cấy 2-3 mẫu ruộng, toàn bằng tay, công lao động chỉ 50.000đ/buổi, thế rồi công ngày nay 250.000đ/buổi nhưng giá đấu lại giảm xuống từ 60, 50, 40 và cuối cùng 25 kg thóc/sào. Khi chị bỏ nghề buôn dao để nhận ruộng, người chồng vốn làm nghề rèn bảo: “Người ta bỏ nông nghiệp làm thương gia, mình đang thương gia lại đi cấy ruộng?”.

Mặc lời dèm pha ấy, chị vẫn một mình đắm đuối với 30 mẫu ruộng (11 ha). Đến thời vụ cấy, suốt 15 ngày chị ra đồng cùng người làm từ sáng đến tối cũng không về, bữa cơm ăn chập chuội chỉ 15-20 phút cho qua cơn đói. Có những hôm gặt xong phơi cả một đường làng vàng óng toàn thóc bỗng gặp mưa, cả xóm người cầm chổi, người cầm chang ra chạy hộ. Vội rút rơm chắn lỗ những lỗ cống nhưng không kịp, nhìn thấy đám thóc vàng trôi tuột xuống dưới, chị cứ bưng mặt khóc.

ảnh 42

Trẻ em cũng tiếp mạ cho người lớn cấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về sau, nhiều thóc quá chị chuyển sang bán tươi tại ruộng. Lắm lúc chưa cân được, thóc xếp từng đống ngoài đồng, chồng thương vợ lại phải mắc màn trên xe lôi mà ngủ trông thay cho vài tối. Chẳng may gặp mưa, dù che đậy kỹ không hề bị ướt, vẫn là hạt thóc của ngày hôm qua nhưng trăm người bán vài người mua nên vẫn bị ép giá.

Thuê tất các công đoạn, mỗi sào chị lãi khoảng, 300.000đ, tương đương 30 mẫu lãi 80-90 triệu đồng mỗi vụ, 160-180 triệu mỗi năm: “Cấy 20 mẫu ruộng trở lên thu nhập bằng lương công nhân 6-7 triệu mỗi tháng, còn cấy dưới 10 mẫu thì không ăn thua đâu. Tôi có thể mở rộng diện tích ra được nữa nhưng vì không chủ động được sấy nên không dám làm.

Bài liên quan

Cấy lúa vui lắm, mỗi vụ chỉ bận rộn khoảng 1 tháng, còn có công việc gì là tùy ý nghỉ, như tôi đợt đi du lịch ở Đà Nẵng vẫn có người ở nhà nhổ cỏ, bón phân thay cho. Không như công nhân đến bố mẹ chết cũng chỉ nghỉ được đôi ngày. Hiện tôi đang đóng bảo hiểm xã hội, mỗi tháng hơn 200.000đ để sau này có lương hưu…”.

Tối hôm đó tôi ngủ ở nhà ông Hạnh, nghe vợ chồng bàn rôm rả: “Lúa năm nay có những thửa tốt, bằng chằn chặn trông như cái lá mái ấy ông ạ”. “Bà phải ví tốt như những vững cày ấy mới đúng chứ vì chúng đều cúi xuống, quay bông về một phía”... Sáng ra, tôi theo ông Hạnh đến đồng Rừng. Một biển lúa vàng ươm trong nắng sớm, những giọt sương mai nơi đầu lá ánh lên như những hạt ngọc. Giữa tiết thu se lạnh, hương thơm từ đồng nội như một chất keo, bám dính lấy tôi không rời nửa bước...

Empty

Niềm vui của ông Bùi Văn Hạnh (trái) cùng người hàng xóm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Mai Thanh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình thông tin, tỉnh có 91.000 ha đất nông nghiệp trong đó lúa có 76.000 ha. Sản xuất lúa giai đoạn từ năm 2013-2018 chững lại bởi chỉ cho thu nhập 70-80 triệu/ha, trừ chi phí còn lại lãi rất thấp.

Trong khi đó, nhà máy, xí nghiệp tới tấp mọc lên, người ta có sự so sánh giữa lương công nhân 6-7 triệu/tháng, nếu tăng ca 8-9 triệu với nghề cày cấy. Những người trẻ khỏe phần lớn đi làm công nhân, hay nhanh nhạy hơn đi làm dịch vụ. Còn lại lớp già, sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống thì không đủ sức, đủ lực. Một là làm cầm chừng, có khi sản xuất mỗi vụ xuân, gieo sạ vãi ra đấy rồi thu được bao nhiêu thì thu; Hai là chán rồi bỏ ruộng.

Rất may là ở nông thôn vẫn còn có lực lượng yêu nông nghiệp. Lúc đầu họ nhận lại ruộng của anh em rồi đến của những người khác. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phát hiện ra những cá nhân như thế nên tổ chức gặp mặt để bàn xu hướng phát triển. Hội đại điền đã ra đời như thế, mỗi năm họp 2 lần vào vụ xuân và vụ mùa.

Empty

Mùa vàng trên đất Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiếng là hội nhưng chỉ gọi miệng thôi chứ chưa được công nhận, không có quyết định thành lập, không trụ sở, bộ máy gì. Thời gian đầu khi sản xuất còn ở quy mô vài mẫu, hội họp mặt chỉ để bàn việc hỗ trợ về kỹ thuật. Nhưng về sau khi diện tích đã lên tới vài ha/hộ, Chi cục định hướng phải đưa cơ giới hóa đồng bộ để giảm đầu vào. Tăng năng suất cho lúa rất khó vì giờ gần như đã kịch trần rồi nhưng thay thế máy nhỏ thành máy to đã tiết kiệm được đầu vào khoảng 3 triệu/ha.

Thêm vào đó, nhờ các giải pháp kỹ thuật như giảm lượng giống (hồi cánh đồng 50 triệu gần 20 năm trước hướng dẫn gieo 72 kg/ha giờ chỉ khoảng 25-30 kg/ha), như bón phân NPK hàm lượng cao 1 lần thay vì bón phân thông thường 3 lần để tiết kiệm công…

Với những nông dân bình thường thì nó không có mấy giá trị nhưng với các đại điền có diện tích lớn thì ý nghĩa rất nhiều. Khi tham gia và Hội đại điền, phía Bắc tỉnh có các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ thời vụ sớm, ở phía Nam tỉnh có các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy, Vũ Thư thời vụ muộn hơn, có thể liên kết với nhau để điều phối máy móc. 

Xưa liên kết cá nhân với cá nhân nay qua Chi cục, độ tin tưởng được tăng lên. Hộ đại điền cũng nhiều vất vả, đến mùa có khi thức trắng ngoài đồng nên chủ yếu là người trẻ, khỏe. Chi cục đang định hướng đại điền đích thực phải có quy mô ruộng từ 7 ha để kích thích các hộ nhỏ khác, tự ái mà lớn lên. Nhiều đại điền còn bảo rằng: “Chỗ nào dân không cấy anh cứ thông tin với bọn em, kể cả mượn 1 vụ cũng được”.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.