| Hotline: 0983.970.780

Đại điền: Ngoài kia gió đang thổi

[Bài 1] Bỏ làm chủ thầu, vợ chồng trẻ về quê cấy 130 mẫu lúa

Thứ Năm 20/10/2022 , 08:53 (GMT+7)

Bão vào, vợ chồng anh chằng lại tấm bạt xung quanh kho thóc, gió đẩy cả hai văng ra xa 10 mét nhưng họ kiên quyết chống cự đến cùng để bảo vệ tài sản.

Lời tòa soạn:

Ngày 21/9/2022, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm tỉnh Thái Bình và có bài viết "Một thoáng quê hương năm tấn" với nhiều tình cảm, ấn tượng tốt đẹp. Ông nhận định: "Lúa gạo Thái Bình không chỉ thấm đượm giá trị đậm đà bởi sông Kinh Thầy, sông Trà Lý, sông Hoá,…, mà ngon thơm hơn nhờ sự liên kết với nhau giữa các hộ sản xuất trên những cánh đồng hợp tác, trong các Câu lạc bộ đại điền".

Loạt bài "Đại điền: Ngoài kia gió đang thổi" do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, kể về những người nông dân đã biết "mượn sức gió để đi xa, bay cao", thực hiện giấc mộng đại điền với nhiều hoài bão lớn trong nông nghiệp.

Lấy thân mình đè lên tấm bạt để chống bão cho kho thóc

Nén đau, anh đi lấy máy cày, máy cấy, ô tô tải để chèn lên tấm bạt, còn chị cứ nằm im tại chỗ trên tấm vải bạt cùng với một khối gạch dằn kế bên thay cho sức nặng của người chồng, sợ đứng dậy gió sẽ thổi bay đi mất.

Vậy mà trận bão của tháng 10 năm 2021 đó vẫn làm ướt 20 tấn thóc khiến họ khóc không thành tiếng. Lúc đó, nhà kho và lò sấy mới chỉ là tạm bợ, cột kèo bằng tre, mái tôn, xung quanh chưa có tường chắn mà chỉ căng bằng vải bạt.

Làm nông nghiệp như đánh bạc với ông trời, như vụ mùa năm 2020 lúc anh đi dự hội nghị thanh niên khởi nghiệp thì một cơn giông làm đổ rạp 40 mẫu lúa, riêng công thuê buộc dựng cây lên đã mất 30 triệu mà năng suất chỉ còn được ½.

Hay như tháng giêng năm nay, lúa trên đồng cấy xong gặp đúng đợt rét hại chết hơn 40 mẫu, mạ rải trên sân đang xanh mà biến màu như bị luộc, chết hơn 1 vạn khay, thiệt hại hơn 200 triệu.

Empty

Đánh máy gặt từ nhà kho ra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau mỗi cú ngã, họ vẫn động viên nhau để gượng mà đứng dậy. Đó là cặp vợ chồng trẻ, Nguyễn Duy Phiên và Nguyễn Thị Hồng Huế hiện đang ở trong một cái chòi giữa cánh đồng của thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) để nuôi giấc mộng đại điền với gần 50 ha lúa.

Phiên sinh ra trong một gia đình mẹ làm ruộng, bố làm thợ xây, cả nhà chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng nên quanh năm túng thiếu. Bởi thế khi học xong trung cấp cơ khí, làm một cai thầu xây dựng nho nhỏ ở Hà Nội là một cuộc đổi đời đối với anh. Thế nhưng, mỗi dịp về quê, thấy ruộng hoang ngày một nhiều do lao động trẻ đi công nhân gần hết, có cái gì như thôi thúc anh phải đầu tư máy móc để thực hiện cánh đồng mẫu lớn.

Lúc đó, vợ anh can: “Đang ở thành phố công việc ổn định, sướng không muốn lại muốn về quê làm ruộng? Rồi chuyện học hành của con cái sẽ thế nào?”. Anh trả lời: “Về quê thứ nhất là được gần bố mẹ của cả hai bên, tiện bề chăm sóc (họ là người cùng xã), thứ hai là ruộng đồng bỏ hoang nhiều có điều kiện để phát triển nghề nông, thứ ba là làm chủ thầu cứ hết năm lại phải đi săn thợ, lên Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Hòa Bình… tìm kiếm người rất mệt mỏi”.

Empty

Hai vợ chồng Phiên cùng tham gia sửa máy trước khi đánh ra đồng để gặt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai vợ chồng cứ tranh luận nhùng nhằng như vậy mất khoảng 1 tháng mới thống nhất được chuyện trở về Thái Bình sau 10 năm lập nghiệp trên Hà Nội. Anh ra UBND xã Thanh Tân xin tích tụ và được sự ủng hộ nhiệt tình bởi chính quyền đang phải chịu sức ép không nhỏ về vấn đề ruộng hoang. Đến khi báo cáo lãnh đạo thôn họ cũng ủng hộ nhưng không dám tổ chức họp dân mà khuyên anh đi từng nhà để vận động mà thuê ruộng.

Dù là con em trong làng thật, nhưng nhiều người không tin anh bởi sợ thất bại sẽ không trả họ tiền thuê ruộng. Bởi thế mà anh phải ra sức thuyết phục: “Thôi, cô chú cứ cho cháu thuê ruộng, cháu không làm được, mất mùa vẫn trả sản bình thường, mỗi năm 45 kg thóc/sào”.

Những người đang bỏ ruộng thì anh thuê khá dễ nhưng đến khi vận động dồn điền thì rất khó, có đủ loại lý do để chối từ.

Nào là: “Tôi đã làm quen ruộng đó rồi”, “Đất đó đẹp nên tôi bón ít phân, giờ đổi chỗ khác xấu sẽ phải bón nhiều phân”. “Đang yên đang lành, dồn đổi sẽ mất đi mốc dấu”…

Xin sơ đồ từng thửa ruộng, Phiên quyết định chọn 4 đạc (mỗi khu ruộng rộng 50m được gọi là một đạc-PV) 4, 5, 6, 7 gồm toàn là những chỗ khó canh tác, dồn đổi cho những người khác chỗ đất tốt hơn, tiện đường giao thông hơn. Nắng đội mũ, mưa cầm ô đi, trưa tối cũng chẳng nề hà anh đến từng nhà mà thuyết phục, có nhiều hộ phải vận động 3-4 lần.

Sau 1 tháng đã có hơn 100 gia đình chịu dồn đổi ruộng xấu lấy ruộng tốt để cho anh hình thành nên một cánh đồng tập trung 10 ha nhưng vẫn còn khoảng gần 1 ha tới tận bây giờ dân vẫn không chịu đổi, đành chấp nhận xen kẹt.

Empty

Chiếc máy Kubota DC 93 của anh Nguyễn Duy Phiên đang gặt lúa. Ảnh: Bá Thắng.

Chửa 7 tháng và 7 lần ngã sấp ngửa ngoài đồng  

Tiếng là con nhà nông nhưng trước đó cả hai vợ chồng anh Phiên đều chưa thực sự làm ruộng bao giờ nên không biết thời tiết ra sao, cấy giống gì, làm đất, chăm bón thế nào sao cho phù hợp. Họ sắm máy cấy 4 hàng loại dắt tay, máy cày, rồi làm lò sấy quy mô nhỏ 10 tấn/mẻ. May mắn là vụ đầu tiên, họ thu được 60 tấn lúa, lãi 100 triệu đồng.

Có máy móc rồi phải có ruộng đủ rộng để cày bừa, cấy hái, cứ thế, anh chị mở rộng diện tích ruộng đồng mỗi năm ra một lớn. Khi dồn được đất rồi thì tổ chức phá bờ, san mặt ruộng để khắc phục tình trạng mảnh cao, mảnh thấp và cuối cùng là khơi thông mương máng. Không chỉ làm cho ruộng nhà mình, họ còn nhận cấy thuê, gặt thuê cho cả bà con chòm xóm.

Diện tích cấy phình to thì cái nhà ở trong làng thành nhỏ, chật không có chỗ để rải mạ, tập kết máy móc, vợ chồng anh phải thuê 4.000m2 đất 5% ngoài cánh đồng lập kho xưởng và dựng luôn cái lán nhỏ để ở, tiện cho việc quản lý, điều hành.

Năm 2018 chị Huế chửa đến tháng thứ 7 rồi phần vì ham công tiếc việc, phần vì không có tiền để thuê người làm, vẫn xăm xắn cho mạ vào xe lôi chở ra ngoài đồng cho chồng cấy máy. Trời mưa phùn, đường đất trơn như đổ mỡ khiến cho chị ngã đến 7 lần, may mắn là đứa con trong bụng vẫn không sao. Khi đẻ ra, họ đặt tên nó là Nguyễn Minh Phát với ước mong chuyện cấy hái được phát đạt.  

Empty

Một chiếc máy như thế này bằng 50-70 người gặt tay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chăm chỉ làm ăn, tích tiểu thành đại, năm 2019 họ lãi được 100 triệu, năm 2020 họ lãi được hơn 100 triệu, năm 2021 họ lãi được hơn 300 triệu. Thế nhưng vụ xuân năm 2022 lúa được mùa lại mất giá, trong khi giá phân bón tăng cao, sản xuất coi như cầm hòa.

Còn vụ mùa năm 2022 mưa gió triền miên đúng đợt lúa đang phơi đòng khiến cho lắm lép, nhiều lửng, năng suất dự kiến chỉ còn 1,5 tạ/sào nên cũng chẳng hi vọng gì nhiều. Không giống như trên nhiều bài báo về chuyện ai đó làm nông thu lãi hàng trăm triệu này, hàng tỉ bạc nọ, họ bảo cũng sấp ngửa, đắng cay nhưng không vì thế mà nản chí, buông tay.

Mỗi năm vợ chồng anh lại mua thêm máy mới và đã có 1 máy cày trị giá 420 triệu, 1 máy gặt Kubota 93 trị giá 800 triệu, 1 máy sấy và kho trị giá 700 triệu, trên 2 vạn khay mạ trị giá 400 triệu, 1 máy cuốn rơm sau thu hoạch (mua cũ) trị giá 180 triệu để tận dụng rơm bán lại cho những người nuôi bò.

Hiện họ đang cấy ở 5 vùng của 2 xã Thanh Tân và Bình Nguyên với tổng diện tích khoảng 48 ha trong đó 10 ha là sản xuất lúa giống, 38 ha còn lại sản xuất lúa thương phẩm như TBR 225, BC15, Đài Thơm 8…

Empty

Anh Nguyễn Duy Phiên kiểm tra lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một điều thuận lợi là xã Bình Nguyên bỏ ruộng nhiều nên không phải dồn đổi như ở xã Thanh Tân mà thuê luôn đất của HTX, trả sản mỗi năm 30 kg thóc/sào. Tổng số tiền họ phải vay mượn để đầu tư cho đồng ruộng là hơn 2 tỉ, phải cầm cố 3 tấm sổ đỏ gồm của nhà mình, nhà mẹ đẻ và nhà cô ruột.  Nhưng niềm vui của người nông dân là tự làm chủ chính cuộc đời mình, sống thanh bình cùng cánh đồng và những người hàng xóm láng giềng “tắt lửa, tối đèn” có nhau.

Tôi leo lên chiếc máy gặt Kubota 93 của anh Phiên. Nó băng băng qua những con đường gồ ghề đầy bùn lầy vững như một cái xe tăng trên chiến trường rồi tụt nhẹ nhàng xuống một vùng ruộng trũng. Những chiếc “răng” của nó chìa ra, xoay tròn, xén ngọt ngang thân lúa vàng ươm như mật dưới nắng thu để lại một mùi hương vấn vương thoảng nhẹ. Một cái máy như thế bằng 50-70 người còng lưng cầm liềm đi gặt…

Anh Nguyễn Đức Thịnh - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Kiến Xương cho biết nhiều hộ bỏ ruộng lại là cơ hội cho những người khác có máy móc, có ý tưởng, có quyết tâm. Trước đây những “đại điền” này là lớp người trung tuổi 40-50, giờ đã có nhiều người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu đầu tư.

Hiện, huyện có trên 50 người cấy từ 5 ha trở lên như thế, mỗi năm diện tích lại mỗi tăng. Tự phát, “tự bơi”, ai vùng vẫy khỏe thì bơi xa nhưng do việc mượn ruộng, thuê ruộng không có hợp đồng gì cả nên cũng khá bấp bênh. Bởi vậy, làm sao để có chính sách cho thuê ruộng lâu dài cũng như có một diện tích lập kho xưởng cho các đại điền thì phải có chính quyền vào cuộc, giúp đỡ.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất