Cấy nhiều ruộng mà vẫn như không
Khi trở về với 100 ha lúa của mình và cấy dịch vụ thêm 100 ha lúa nữa cho bà con, chị vẫn không hề cảm thấy quá vất vả vì tất cả đã có máy móc thay cho sức người. Chị là Trần Thị Lanh - Trưởng thôn Giáo Nghĩa của xã Bình Minh (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) - một người quen cũ mà 3 năm về trước, khi tôi đến mới chỉ có 27 ha lúa. Những thửa ruộng xôi đỗ, phần lớn được chị mượn không và đóng những khoản phí cơ bản cho bà con.
Khi đã mượn được những thửa tương đối lớn, bị vướng vài thửa nhỏ ở giữ, chị phải khéo léo thuyết phục: “Phương án một, bác còn muốn cấy cứ chọn lấy mảnh đẹp nhất, tốt nhất trong vùng em đã mượn được, còn thửa này thì dồn đổi cho em cho gọn vùng, gọn thửa là tốt nhất.
Phương án hai, nếu vẫn muốn làm ở đây, không có máy móc mà thuê lao động thủ công thì cấy tay cũng mất 300.000đ/sào, chưa kể giống, gieo mạ lại còn lúc gặt do giống khác nhau, thời gian thu hoạch chênh lệch chuột bọ phá hoại thì em xin làm dịch vụ từ đất, thu hoạch đến cấy cùng một giống, cùng thời điểm để giảm chi phí cho bác.
Phương án ba, nếu không cấy mà cho mượn ruộng em sẽ trả 30 kg thóc/sào/năm tương đương với các khoản phí mà bác phải trả cho HTX”.
Thường thì đa số nông dân sẽ không nghe theo chị ngay mà còn cố cấy một vài vụ, khi bị thiên tai, chuột bọ phá hoại, sản xuất không hiệu quả mới chịu “nhả” đất ra. Phần lớn những diện tích đó thuộc vào dạng khó canh tác, xa đường giao thông, có cho họ hàng, làng xóm cũng không ai muốn nhận.
Đến lúc này, chị gặp các trưởng thôn trong vùng để họp các hộ lại, tuyên truyền gia đình nào không cấy thì cho mượn ruộng, mình đóng các lệ phí cho, không bỏ ruộng hoang để vi phạm Luật Đất đai.
"Tại sao chị lại đầu tư vào nông nghiệp khi đã là chủ xưởng gạch không nung, chủ cửa hàng đồ dân dụng thu nhập thừa đủ sống?", tôi hỏi chị Lanh. Chị cười và trả lời, bởi thấy nông dân mình cấy lúa, gặt lúa vất vả, muốn làm một cái gì đó cho bà con đỡ khổ hơn. Năm 2015 khi mới bắt đầu làm, do không có kinh nghiệm nên chị không có lãi. Năm 2017 lúa bị bệnh lùn sọc đen, mất trắng, đã định bỏ cuộc nhưng rồi chị lại cố vượt qua.
Trong tổng số 100 ha chị Lanh đang có, 60 ha là mượn, 40 ha là thuê với mức trung bình 30 kg thóc/sào/năm nhưng chỉ thỏa thuận miệng, bao giờ chị chán hoặc nhà nước thu hồi thì mới chấm dứt.
Người trẻ đi làm công nhân, người già càng ngày càng yếu đi, biến đổi khí hậu thêm khắc nghiệt khiến cho sản xuất lúa không hiệu quả, lượng người cho chị Lanh mượn ruộng mỗi lúc một nhiều, đến hơn 800 người của riêng xã Bình Minh.
“Mỗi vụ cũng có vài ba hộ rút lại ruộng để tự cấy, xong không hiệu quả, lại phải cho tôi mượn tiếp. Càng ngày dân càng không có nhu cầu cấy bởi nếu làm nhỏ lẻ, thuê mướn là hết lợi nhuận. Này nhé, làm đất 150.000đ/sào, cấy 300.000đ/sào, giống 40.000đ/sào, phân bón 250-300.000đ/sào, thuốc sâu, thuốc ốc 200.000đ/sào, gặt 140.000đ/sào. Với năng suất vụ xuân 2-2,2 tạ, giá thóc 7.000đ/kg còn lãi được 100-200.000đ/sào, còn vụ mùa 1,6-1,8 tạ/sào là lỗ.
Năm ngoái vụ mùa có 2 cơn bão, ai cấy cũng lỗ, năm nay vụ mùa mưa 15 ngày liên tiếp trước lúc lúa chín khiến cho hạt lép, hạt đen, bệnh bạc lá phát triển, năng suất giảm rất mạnh. Nông dân sản xuất lúa bị lỗ sẽ sinh ra chán ruộng, còn tôi có những dịch vụ, máy móc nên chỉ cần lãi ít nhưng trên diện tích lớn vẫn là nhiều, năm được hơn 1 tỉ, năm được 700-800 triệu. Còn anh, còn tôi, chỉ mấy năm nữa thôi số cấy nhỏ lẻ ở xã Bình Minh chỉ còn cỡ 20-30% (hiện tại khoảng 50%)”. Chị Lanh khẳng định chắc nịnh với tôi như thế.
Hiện chị có 4 máy cấy, 1 máy gặt không cần người đóng thóc mà phun thẳng vào thùng chứa, 2 máy làm đất cỡ lớn, 2 máy gieo mạ, 1 máy bón phân, máy sấy 35 tấn/mẻ, 3 vạn khay mạ… tổng trị giá khoảng 5 tỉ. Lượng máy móc đó thừa đủ để chị cấy 100 ha lúa trong đó làm giống 15 ha, còn lại làm thương phẩm với các chủng loại như BC 15, Đài Thơm 8, ST 25...
Mơ về thương hiệu gạo… đỉa
Ngày 19/5/2022 vừa qua, HTX Sản xuất Kinh doanh Nông sản Quang Lanh - tên ghép của hai vợ chồng chị đã chính thức ra đời. Lấy đúng ngày sinh nhật của Bác, chị đã tập hợp được 20 thành viên, tổng vốn 1,4 tỉ đồng, tổng diện tích 200 ha với hệ thống máy móc tương đối đầy đủ, kể cả là máy bay không người lái.
Chị kể, lập HTX ra bởi muốn tạo uy tín với bà con trong liên kết sản xuất, có tiếng nói hơn với các công ty để có thể ký kết được hợp đồng. Trước đây HTX kiểu cũ chỉ làm đất, dẫn nước, bảo vệ thực vật, giờ HTX kiểu mới của chị có thêm dịch vụ cấy, gặt và tiến tới sẽ mở cửa hàng bán gạo, tạo thương hiệu riêng về gạo hữu cơ, đưa vào chương trình OCOP.
Chúng tôi ăn bữa cơm trưa ngay tại trụ sở HTX, cạnh một biển lúa vàng, giữa tiếng sáo diều vi vu và ngập tràn hương của đồng nội. Từng hạt cơm gạo ST 25 dẻo, thơm tình đất, tình người của người dân quê lúa. Chị Lanh nói vui, giờ gạo cáy, gạo rươi đã có một số vùng nước lợ sản xuất được, còn vùng nước ngọt như của mình sẽ sản xuất ra gạo… đỉa:
“Bao nhiêu năm qua nông dân vãi phân hóa học, thuốc sâu, thuốc ốc xuống ruộng đồng khiến cho con đỉa cũng phải mất giống. Người xưa cấy lúa kham khổ nhưng vẫn sống khỏe, sống thọ bởi có môi trường tốt, giờ chúng ta ăn uống sướng nhưng lắm bệnh, nhiều ung thư bởi môi trường ô nhiễm, nông sản không an toàn.
Hiện chúng tôi đang đi theo hướng canh tác làm sao để môi trường sạch hơn như dùng phân nhả chậm, chỉ cần bón 1 lần vào lúc làm xong đất, phân chìm bên dưới nên không bị rửa trôi, như cấy thưa cho lúa ít sâu bệnh, như sử dụng thuốc sinh học… Rất phấn khởi là con cá, con cua và con đỉa đã xuất hiện trở lại, mỗi lúc một nhiều.
Xu hướng sắp tới những ai còn làm ruộng sẽ khoán tất các công đoạn cho máy móc để giảm giá thành, tạo năng suất. HTX chúng tôi có đủ điều kiện và sẽ hướng nông dân cùng cấy một giống, một trà để dễ kiểm soát sâu bệnh, dễ thu hoạch, dễ tiêu thụ. Bà con sau khi để lại một phần thóc tiêu dùng cho gia đình mình, còn lại HTX sẽ bao tiêu luôn”.
Chị Lanh hiện là Hội trưởng Hội đại điền của huyện Kiến Xương, thành lập năm 2020 dưới sự khuyến khích của Phòng Nông nghiệp và PTNT. Lúc đầu Hội có 20 thành viên, giờ đã là 50, điều kiện để gia nhập là phải cấy từ 5 ha trở lên. Vào Hội, họ học hỏi, chia sẻ lẫn nhau từ kinh nghiệm lẫn các phương tiện, máy móc.
Khó khăn chung là đều không thuê được ruộng lâu dài, thiếu diện tích rải mạ, kho chứa vật tư, không được phép xây dựng cơ sở hạ tầng nên chưa thể thu mua được lúa tươi cho bà con. Hơn thế nữa, về đầu ra Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình chủ yếu nhập lúa từ trong Nam vì giá rẻ, trong khi đó lúa của Thái Bình chất lượng cao hơn nhưng giá nhỉnh hơn lại thường bị bỏ qua.
Những đại điền có máy móc, có lò sấy còn bị bí về đầu ra như thế thì người dân sản xuất nhỏ lẻ, kiểu vài mẫu phải bán lúa tươi còn bế tắc hơn, thường xuyên bị tư thương ép giá nhất là những khi gặt xong mà gặp trời mưa gió.
Tôi hỏi chị Lanh với cách mượn ruộng này có thực sự yên tâm sản xuất, chị trả lời rằng nó không khác gì nuôi vịt thả đồng. Đầu tư tới hơn 5 tỉ nhưng chị vẫn thường lo chuyện hôm nay người ta cho mượn ruộng, mai lại có thể đòi. Bởi thế chị gửi gắm ước vọng nhà nước làm sao phải tuyên truyền cho nông dân rằng họ chỉ có hai con đường khi muốn từ bỏ ruộng đồng là bỏ hoang thì sẽ bị thu hồi, còn muốn giữ lại thì phải tìm người cấy hộ. Làm sao để những người thuê ruộng hay mượn ruộng như chị có khoảng thời gian ít nhất 5-10 năm, có diện tích đủ để làm rải mạ, nhà kho, xưởng. Như diện tích rải mạ của HTX chị chỉ đủ cho 100 ha trong khi đang làm dịch vụ cho 100 ha của bà con, bởi thế vụ xuân phải kéo dài thêm 1 tuần, vụ mùa kéo dài thêm 2 tuần khiến năng suất lúa có phần hạn chế.