Bài học doanh nhân Trịnh Văn Quyết tự thú trước phiên tòa xét xử vụ án tập đoàn FLC là “đã khiến người thân và bạn bè vì tin tưởng bị cáo mà vướng vào lao lý”.
Những giọt nước mắt ân hận muộn màng của bị cáo Trịnh Văn Quyết, cũng giống nhiều đại gia khác từng trả giá cho hành vi bất minh. Tuy nhiên, nạn nhân từ bài học doanh nhân Trịnh Văn Quyết đâu chỉ dừng ở những đồng phạm mà tỷ phú lừng lẫy một thời này ngậm ngùi xin giảm hình phạt cho họ.
Thật bất ngờ, khi luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết lại mong hội đồng xét xử cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do cựu Chủ tịch tập đoàn FLC gây ra, với lý do: “Số tiền thu lời từ bán cổ phiếu được dùng phần lớn vào việc đầu tư cho hãng hàng không Bamboo, chỉ dùng phần nhỏ vào sửa chữa nhà. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều hãng hàng không bị thiệt hại rất lớn, thân chủ của tôi cũng phải dồn tiền để gồng gánh”.
Mới nghe qua thấy có lý có tình, nhưng nghĩ kỹ thì thấy bao biện ngây ngô. Bị cáo Trịnh Văn Quyết đứng đầu tập đoàn FLC với 15 công ty con, 2 công ty liên kết và có 5 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Vậy mà, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo nâng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng niêm yết trên sàn chứng khoán, để bán ra hơn 391 triệu cổ phiếu nhằm gian manh bỏ túi 3.600 tỉ đồng.
Thử hỏi, để “gồng gánh” cho hãng hàng không Bamboo, tại sao bị cáo Trịnh Văn Quyết không bán bớt tài sản cá nhân sở hữu nằm trong hệ thống khách sạn và sân golf của Tập đoàn FLC, mà lại dùng thủ đoạn “lùa gà” trắng trợn trên thị trường chứng khoán vốn là kênh đầu tư huy động vốn phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội? Không thể lấy cớ “đói ăn vụng túng làm liều” cho hai tội danh “thao túng thị trường chứng khoán” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết có trình độ một luật sư, nhưng lại có thái độ biết luật mà phạm luật. Hành vi phạm tội của bị cáo Trịnh Văn Quyết rất tinh vi, vượt ngoài khả năng kiểm soát của những nhà đầu tư đại chúng. Do đó, hậu quả từ vụ án FLC đặc biệt nghiêm trọng, làm khủng hoảng lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nói cho sòng phẳng, bài học doanh nhân Trịnh Văn Quyết không phải “đói ăn vụng, túng làm liều” mà mang biểu hiện vô độ của sự tham lam và sự ích kỷ. Bị cáo Trịnh Văn Quyết từ ngày bị bắt giam đến hiện nay chỉ mới khắc phục được 200 tỉ đồng, nghĩa là còn khoảng 3.400 tỉ đồng của những nhà đầu tư đang trở thành nỗi ám ảnh cộng đồng.
Rất nhiều người thân của bị cáo Trịnh Văn Quyết liên quan đến vụ án FLC như Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Văn Đại, Trịnh Tuân, Trịnh Thị Thanh Huyền, Trịnh Văn Nam… Những bị cáo cùng họ kia đã từng thụ hưởng lợi ích với con đường phát tài của bị cáo Trịnh Văn Quyết, không thể oán hận điều gì. Thế nhưng, hàng ngàn nhà đầu tư thiện chí với cổ phiếu FLC, thì bỗng dưng bị mất mát cay đắng.
Cho nên, bài học doanh nhân Trịnh Văn Quyết cảnh báo những đại gia khác phải luôn khắc cốt ghi tâm lời răn “vi phú bất nhân, vi nhân bất phú” khi điên cuồng lao theo những đồng tiền oan nghiệt.