| Hotline: 0983.970.780

Bàn chính sách phù hợp thực tiễn cho sản xuất, kinh doanh giống cây trồng

Thứ Ba 26/12/2023 , 07:45 (GMT+7)

Chính sách phù hợp với thực tiễn có tác dụng tạo môi trường sản xuất kinh doanh giống thuận lợi, tạo lợi ích cho người sản xuất cũng như toàn xã hội và ngược lại.

Diễn đàn 'Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam' được tổ chức vào sáng 26/12.

Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam” được tổ chức vào sáng 26/12.

Sáng 26/12, dưới sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt và Văn phòng Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.

Đơn vị phối hợp tổ chức là: Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm và doanh nghiệp sản xuất, nghiên cứu, chọn tạo và kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp trong cả nước.

Giống có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng. Có được nguồn giống tốt thì cây trồng có được khởi đầu tốt. Tuy nhiên, hiện nay một số vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng tới hệ thống giống ở nước ta. Với mong muốn giải quyết những vấn đề này, Diễn đàn được tổ chức nhằm truyền thông, phổ biến rộng rãi các giải pháp kiểm soát giống cây trồng để phát triển bền vững ngành trồng trọt Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 150 đại biểu dự trực tiếp và khoảng gần 200 đại biểu dự trực tuyến đến từ các đơn vị: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Vụ Pháp chế; Văn phòng SPS Việt Nam; Đại diện Sở NN-PTNT; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã… và đại diện của hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương…

Tất cảTổng thuật

11 giờ 30 phút

Tùy điều kiện, hoàn cảnh, cây trồng sẽ được quyết định là cây trồng chính

IMG_20231226_122631

Kết luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ, khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, Cục đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật nhiều lần, tuy nhiên, hơi đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp lại không quan tâm. Khi luật đưa vào thực thi, những vướng mắc của các doanh nghiệp xuất hiện, dẫn tới nhiều luồng ý kiến khác nhau.  

Trong đó, về quy định đặt tên, khi một đơn vị tự công bố lưu hành, cơ quan quản lý sẽ đối chiếu thông qua phần mềm quản lý tự công bố lưu hành. Nếu tên gọi đó trùng với tên của giống đã được bảo hộ thì không được chấp nhận, còn lại phần mềm sẽ tự động chấp nhận theo thứ tự đăng ký, tên giống sau trùng với tên giống trước sẽ bị loại.

Về danh mục cây trồng chính, khoản 7 Điều 2 Luật Trồng trọt đã quy định tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, cây trồng sẽ được quyết định là cây trồng chính. 

Về hiện tượng giống bao trắng, doanh nghiệp gian dối, người quyết định mua giống là người nông dân, do đó chỉ có giải pháp tuyên truyền để người dân nhận thức được rằng, họ có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin. Loại bỏ đi những giống kém chất lượng.

Về việc công nhận gia hạn lưu hành và không bảo hộ phải xin phép và được ủy quyền mâu thuẫn với Luật Sở hữu trí tuệ, chắc chắn tới đây sẽ thay đổi. Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì sau 20 năm tất cả các giống có chủ sẽ trở thành những giống có thể sử dụng chung. 

Về tiêu chuẩn Việt Nam, việc chia nhỏ khu vực khảo nghiệm để các giống tốt có điều kiện nhân rộng ra những vùng sinh thái phù hợp, nếu chỉ để 2 vùng sẽ có giống tốt bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, không có giống lúa nào có thể khảo nghiệm thành công ở cả 7 vùng sinh thái, trong khi chi phí khảo nghiệm ở mỗi vùng chỉ có khoảng 150 triệu đồng. Do đó, không thể nói là các đơn vị tiến hành tốn kém chi phí hàng tỷ đồng.

10 giờ 55 phút

Cần cơ chế cho thị trường cây ăn quả minh bạch, công bằng

dai dien nafoods

Ông Nguyễn Văn Viết - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Nafoods.

Từ góc nhìn doanh nghiệp R&D, ông Nguyễn Văn Viết, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Nafoods, đề xuất Cục Trồng trọt có những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Trao đổi xuyên suốt với nhà quản lý sẽ giúp Nafoods cải thiện quản lý chất lượng giống cây ăn quả, đồng thời tăng cường tính minh bạch trên thị trường.

“Nafoods cam kết với phát triển toàn bộ chuỗi giá trị cây ăn quả, từ khâu chọn tạo, sản xuất, kinh doanh giống cây, cho đến trồng trọt, chế biến và xuất khẩu. Do đó, giống cây là công nghệ lõi, chất lượng của giống đóng vai trò quan trọng để sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường”, ông Viết nhấn mạnh.

Hiện tại, Nafoods đã xây dựng được hệ thống vững chắc với 4 nhà máy chế biến, xuất khẩu tới 5 thị trường. Ông đề xuất Cục Trồng trọt cần hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để doanh nghiệp có thể tự công bố lưu hành cây giống, từ đó tăng cường khả năng chủ động của doanh nghiệp trong việc quản lý giống cây.

Tuy nhiên, trên thị trường cây giống, đặc biệt là cây ăn quả, vẫn tồn tại hiện tượng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. “Còn nhiều doanh nghiệp không đầu tư máy móc, công nghệ mà lại sử dụng các phương thức kiểm nghiệm thông thường. Giống của họ không đảm bảo, gây nhiễu loạn thị trường - đây là tình trạng đáng báo động”, Viện trưởng Nguyễn Văn Viết nhận định. Trong khi Nafoods đã đầu tư nhiều vào công nghệ nước ngoài, chi phí cao, lại có các doanh nghiệp không tuân theo quy trình bài bản. Điều này sẽ ảnh hưởng từ trên xuống, và người nông dân sẽ là đối tượng chịu rủi ro.

PGS.TS Nguyễn Văn Viết đề nghị cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị truyền thông, ngăn chặn việc bán lan tràn các giống cây không rõ nguồn gốc. Ông đề nghị Báo Nông nghiệp Việt Nam vào cuộc, tạo sự nhất quán và minh bạch trên thị trường cây ăn quả.

10 giờ 50 phút

Vướng mắc trong thủ tục tự công bố lưu hành giống cây trồng

Đại diện Công ty TNHH Giống cây trồng Nông Hữu phản ánh, thời gian vừa qua có một số vướng mắc trong thủ tục tự công bố lưu hành giống cây trồng.

Thứ nhất là để công bố một sản phẩm doanh nghiệp mất thời gian chuẩn bị hồ sơ rất lâu và thời gian công bố sản phẩm cũng khá dài.

Thứ hai là bị trùng nhau về tên giống trong quá trình tự công bố lưu hành giống cây trồng. Đây không phải là vấn đề của riêng Nông Hữu mà còn nhiều doanh nghiệp gặp phải.

Hiện nay Nông Hữu đã có 6 sản phẩm buộc phải đổi tên, điều này gây tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp. Theo đó, đại diện Công ty Nông Hữu đề xuất: “Cần có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Trong trường hợp trùng tên tự đăng ký thì nên tạo điều kiện để chúng tôi chứng minh tên giống đó đã đi theo chúng tôi từ lúc hoang sơ, từ lúc mới ban đầu, giống đó là do chúng tôi phát triển và muốn duy trì”.

10 giờ 45 phút

Cần có một giới hạn cho quyền bảo hộ

Ông Nguyễn Thanh Minh (Trung tâm hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng - Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam) cho biết: Tình hình thực thi bản quyền giống cây trồng chồng chéo, gây khó cho người nghiên cứu.

Theo ông Minh, quy định đặc cách chỉ là một phương pháp lưu hành cho nên tại các Điều 21, 22 quy định về điều kiện cấp, cấp lại, hủy bỏ QĐ công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng (Điều 21); điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng (Điều 22); Cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ QĐ công nhận lưu hành giống cây trồng (Điều 15) chưa thực sự là những phương án tối ưu.

Ông Minh kiến nghị Bộ NN-PTNT cần ban hành một văn bản liệt kê các trường hợp cụ thể, tránh việc quyết định hết hạn lại được tiếp tục gia hạn cho các công ty được sử dụng các sản phẩm giống, quyền tác giả bị chuyển đổi… Cần có một giới hạn cho quyền bảo hộ để tất cả mọi người có quyền sử dụng.

Đối với quy định về các loại cây trồng chính, ông Minh cho rằng quy định mới vừa ban hành gồm 6 loại là quá nhiều. Việc quy định quá nhiều loại giống cây trồng chính thì biết đến bao giờ mới có đầy đủ các quy định đối với từng loại giống cây trồng này. Về tiêu chuẩn khảo nghiệm vừa ban hành là quá thiếu thực tiễn nhưng lại thừa căn cứ khoa học gây lãng phí, khó khăn cho người nghiên cứu. Khảo nghiệm VCU chỉ là khâu cuối cùng của quá trình sản xuất giống. Các chỉ tiêu khác nên để tác giả tự khai.

10 giờ 40 phút

Nghiên cứu điều chỉnh danh mục cây trồng chính

GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam.

GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam.

GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam đánh giá, Luật Trồng trọt có nhiều điểm sáng nhưng cũng có nhiều điểm cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ nhất, hiện nay Bộ NN-PTNT đang quy định danh mục cây trồng chính, tuy nhiên, chúng ta hội nhập, nhìn ra xung quanh, nhiều quốc gia không cần quy định cây trồng chính. Do đó, kiến nghị chỉ để cây lúa là cây trồng chính, các loại cây trồng khác chưa cần thiết.

Thứ hai, cần nghiên cứu chỉnh sửa quy chuẩn quốc gia về khảo kiểm nghiệm giống. Hiện tại, chúng ta có 2 mức là tạo giống mới và công nghiệp hạt giống. Trong quy chuẩn, nhất là trên cây lúa vùng khảo nghiệm đang để quá nhiều (18 điểm khảo nghiệm) dẫn tới tốn kém chi phí cho các đơn vị. Cho nên, kiến nghị chỉ cần quy định 2 điểm khảo nghiệm, một từ đèo Hải Vân trở ra phía Bắc và từ đèo Hải Vân trở vào phía Nam.

Thứ ba, điều chỉnh những quy chuẩn, tiêu chuẩn xác định VCU, DUS, bởi lẽ, các đơn vị khi tự công nhận giống đẫ tiến hành khảo nghiệm VCU và DUS (đưa ra khảo nghiệm 18 vùng sinh thái, nếu 15 vùng đạt yêu cầu mới quay lại khảo nghiệm diện hẹp).

Do đó, nên nghiên cứu rút gọn thủ tục việc tự công bố, các đơn vị chỉ cần công bố lên cổng thông tin điện tử và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố của mình. Cục Trồng trọt làm công tác hậu kiểm, doanh nghiệp nào không theo những gì công bố xử phạt.

10 giờ 30 phút

Mong muốn của doanh nghiệp là Luật ổn định và bền vững

ong duong quang sau

Ông Dương Quang Sáu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed).

Ông Dương Quang Sáu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho rằng, thay đổi là điều rất tốt, nhưng tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp vẫn mong muốn Luật Trồng trọt sẽ ổn định và bền vững, mang tính lâu dài, vì mỗi lần thay đổi, doanh nghiệp lại tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.

Bên cạnh đó, ông Sáu cũng kiến nghị thêm, cần giảm tiêu chí năng suất, nâng cao tiêu chí về chất lượng, kháng sâu bệnh. Đồng thời, nâng cao điều kiện đối các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng, nên định lượng lại, đưa những tiêu chí chất lượng hơn để làm sao đơn vị tham gia sản xuất kinh doanh giống cây trồng có đủ nhân lực, điều kiện… để đảm bảo trách nhiệm với xã hội và đảm bảo tính cạnh tranh công bằng đối với những đơn vị khác.

10 giờ 20 phút

Thách thức trong công tác quản lý giống lúa

ba kieu tien

Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Nguyễn Thúy Kiều Tiên.

Từ đầu cầu miền Nam, Viện Lúa ĐBSCL chia sẻ về một số thách thức trong công tác quản lý giống lúa. Phó Viện trưởng Nguyễn Thúy Kiều Tiên ước tính, với tổng diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL lên đến 4 triệu ha, nhu cầu về giống lúa cần đạt khoảng 1 triệu ha/năm.

Tuy nhiên, chất lượng giống lúa vẫn còn là vấn đề lớn. Giống lúa bà con miền Nam đang sử dụng thường được sản xuất, kinh doanh bởi các hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ, tuy có đăng ký nhưng công tác kiểm tra chưa được sát sao và thường xuyên.

“Giống lúa OM34 của Viện đang trình hồ sơ, chờ Cục Trồng trọt phê duyệt. Giống OM34 chưa được lưu hành, nhưng đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh loại giống này. Hiện tượng "bao trắng" và việc rao bán giống chưa qua kiểm nghiệm cho bà con vùng ĐBSCL đang tạo ra những thách thức lớn về an toàn và chất lượng sản phẩm,” bà Tiên nêu ví dụ.

So với tiêu chuẩn về giống do Cục Trồng trọt ban hành, để đáp ứng tiêu chí quản lý giống còn nhiều khó khăn. Một số quy định về chỉ số vi chất dinh dưỡng (omega, vitamin…) trong gạo còn chưa rõ ràng. Bà Tiên chỉ ra thêm, hiện nay vẫn chưa có đơn vị chuyên trách để đánh giá chất lượng dinh dưỡng trong thực phẩm.

Lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL bày tỏ: “Về bảo hộ và chuyển giao giống cây, Viện cũng đang gặp khó khăn, cần được tháo gỡ. Công tác chuyển giao giống lúa cho các đối tác doanh nghiệp, Chính phủ nước ngoài chưa thuận lợi. Theo quy định, giống lúa cần được chứng nhận bảo hộ trước khi chuyển giao. Đây là khó khăn cho Viện khi hợp tác với doanh nghiệp sản xuất giống”.

Vừa rồi, Cục trưởng Cục Lúa gạo Campuchia đã tới thăm Viện Lúa ĐBSCL và đề nghị Viện chia sẻ tác quyền giống. Theo đó, bà Tiên mong muốn Cục Trồng trọt sẽ có hướng dẫn cụ thể để Viện chia sẻ tác quyền lúa cho các nước trong khu vực thông qua cơ chế hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế.

10 giờ 10 phút

Tháo gỡ về quy trình công nhận lưu hành đối với giống ngô

ong vuong huy minh

TS. Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô.

TS. Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô, đánh giá: Những quy định của Luật Trồng trọt trong khâu công nhận lưu hành giống nói chung, giống ngô nói riêng đã giản lược được nhiều thủ tục. Những thủ tục để được công nhận đã đơn giản đi rất nhiều, bỏ qua các khâu đoạn như sản xuất thử, bỏ qua khâu hai lần Hội đồng... từ đó bớt thời gian, thủ tục, tiết kiệm chi phí cho các đơn vị nghiên cứu.

Viện Nghiên cứu Ngô đã tham gia quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm công nghệ giống nhiều năm qua. So với lúa, ngô có số lượng giống tham gia khảo nghiệm thấp hơn, nguyên nhân chủ yếu do tiêu chuẩn khảo nghiệm cao, các tác giả giống sẽ lựa chọn những loại tốt nhất hoặc có cơ hội được công nhận cao nhất để mang đi, tránh những rủi ro. Thời gian tới, TCVN cần sửa chữa, bổ sung cho phù hợp với quy định hiện hành.

Về quy định số điểm khảo nghiệm, TS. Vương Huy Minh cho rằng, quy định số, điểm khảo nghiệm theo vùng là cần thiết, tuy nhiên, một số giống đưa đi khảo nghiệm kết quả nhận về không đầy đủ số điểm khảo nghiệm. Ví dụ, tại khu vực phía Bắc có 7 điểm khảo nghiệm, một giống mới đưa đi khảo nghiệm tại 7 vùng nhưng chỉ có 6 kết quả gửi về, thiếu một điểm khảo nghiệm. Trường hợp đó phải khảo nghiệm bù, có được ghi nhận để đầy đủ trong hồ sơ đưa lên để được công nhận lưu hành hay không, thay vì đơn vị có giống cây khảo nghiệm lại phải tiến hành lại từ đầu rất tốn kém và mất thời gian.

Thứ hai, sản phẩm cho đề tài dự án, một số giống được công nhận trồng thử theo Luật Trồng trọt cũ (1995), Luật mới ra đời và có hiệu lực thì các giống này có được phép thực hiện khảo nghiệm tiếp tục hay không, bởi thời điểm trình hồ sơ lên lại vượt quá thời hạn theo quy định cũ, kết quả là hồ sơ lại bị đình lại. Đề nghị Cục Trồng trọt có phương án giải quyết cho các Viện nghiên cứu.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô cho rằng, TCVN hiện có nhiều quy định tiêu chí rất cao, rất ít giống có thể vượt qua điều kiện đó. Ngay như quy định về giống đối chứng, hiện đang sử dụng rất nhiều các giống đối chứng của các Tập đoàn khác.

Trong khi đó, trình độ của các cơ sở nghiên cứu giống trong nước nếu đạt ngang với họ thôi đã là một nỗ lực. Tương tự, với khảo nghiệm diện rộng cũng vậy. “Phương án phù hợp là cần thay đổi về quy định đối chứng để khắc phục những điểm hạn chế của Luật chưa được sửa chữa”, lãnh đạo Viện nghiên cứu Ngô kiến nghị.

Theo TS. Vương Huy Minh, cây ngô là cây trồng chính nhưng diện tích trồng đã suy giảm nhiều trong những năm gần đây. Do đó, ông đề xuất đưa ngô ra khỏi danh mục những cây trồng chính hoặc có thể chỉ đưa một số giống ngô phổ biến nằm trong danh mục này. Nếu sửa đổi được các quy định này thì nhiều giống ngô mới sẽ được công nhận và đưa vào sử dụng hơn.

10 giờ 00 phút

Vướng mắc trong đăng ký, công nhận giống cây trồng mang tính trạng cải tiến

ba dang ngoc chi

Bà Đặng Ngọc Chi, đại diện CropLife Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Đặng Ngọc Chi, đại diện CropLife Việt Nam, đã nêu những vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật đối với quy trình đăng ký và công nhận giống cây trồng mang tính trạng cải tiến tại Việt Nam.

Theo đó, Luật Trồng trọt (Điều 19, khoản 7) và Nghị Định 94 (Điều 12, khoản 3) cho phép, hướng dẫn khảo nghiệm, đăng ký giống cây trồng biến đổi gen sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Như vậy, giống biến đổi gen được xem xét đăng ký và lưu hành như một giống cây trồng mới.

Tuy nhiên, các hướng dẫn khảo nghiệm VCU và DUS hiện thiếu chỉ tiêu và phương pháp đánh giá công nhận các tính trạng cải tiến như kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV, chống chịu căng thẳng phi sinh học, kháng bệnh... Dẫn tới thiếu công cụ xác định tính khác biệt (đặc tính kháng) giữa giống mang tính trạng biến đổi gen với giống nền thường. Bên cạnh đó, không thể đăng ký đồng thời giống nền và giống biến đổi gen với tính trạng cải tiến.

Ngoài ra, chưa phù hợp với Luật Trồng trọt và đáp ứng nhu cầu, điều kiện thực tiễn. Việc khảo nghiệm, công nhận lưu hành các giống ngô mang tính trạng chống chịu như chịu hạn, kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV… là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu thiết thực trong phát triển và đăng ký giống mới, giúp tăng năng suất và tăng thu nhập của người nông dân. Thực tế các giống chuyển gen vẫn đang lưu hành và canh tác trên thị trường song song với giống nền không biến đổi gen từ năm 2015.

Đồng thời, chưa hỗ trợ hiệu quả chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến khích đưa các giống cây mang tính trạng cải tiến như chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận và biến đổi khí hậu mà Chính phủ và Bộ NN-PTNT đề ra trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Chưa phù hợp với khuyến nghị của UPOV (Việt Nam là thành viên) và chưa hài hoà với thông lệ quốc tế.

Trên cơ sở đó, bà Đặng Ngọc Chi đề xuất: Bổ sung chỉ tiêu và phương pháp đánh giá, công nhận đối với các tính trạng cải tiến (kháng sâu, kháng bệnh, chống chịu thuốc BVTV và chống chịu căng thẳng phi sinh học...) vào hai tiêu chuẩn DUS (TCVN 13382-2:2021) và VCU (TCVN 13381-2:2021) đối với cây ngô.

Cân nhắc điều chỉnh yêu cầu về năng suất trong tiêu chí công nhận từ 10% xuống 5% trong tiêu chuẩn VCU đối với cây ngô (TCVN 13381-2:2021).

9 giờ 45 phút

4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định, sau 3 năm triển khai Luật Trồng trọt đã mở ra một cách nhìn mới, đưa ra các quy định mới trong quá trình công nhận giống cây trồng.

Theo bà Hiên, Luật đã điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và và chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh.

Các quy định tại Luật đã từng bước tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các yêu cầu về chất lượng đối với giống cây trồng, chuyển dần từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số hoạt động. Ngoài ra, công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm cũng đã được quy định xã hội hóa, giảm áp lực cho cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục công nhận giống.

Trường hợp đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính: Chủ sở hữu giống không bắt buộc phải thực hiện khảo nghiệm mà chỉ cần gửi Bản tự công bố lưu hành giống cây trồng kèm theo quy trình canh tác của giống (tự biên soạn), Bản công bố các thông tin về giống cây trồng tới Cục Trồng trọt để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn đã công bố, tuân thủ nghiêm các quy định về thông tin và quảng cáo giống cây trồng (khoản 2 Điều 13, Điều 17).

Trường hợp đối với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính phải được khảo nghiệm do tổ chức khảo nghiệm độc lập được công nhận đủ điều kiện thực hiện trước khi cấp hoặc gia hạn Quyết định công nhận lưu hành, trừ trường hợp giống cây trồng được cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách. Việc quản lý đối tượng giống cây trồng này được quy định chặt chẽ hơn (khoản 1 Điều 13). Tuy nhiên, quy trình và thời gian khảo nghiệm đã được rút ngắn so với quy định tại Pháp lệnh Giống cây trồng.

Về thủ tục hành chính công nhận giống cây trồng chính, giống cây trồng phải đáp ứng quy định tại Điều 15 Luật Trồng trọt thì thực hiện thủ tục công nhận giống cây trồng theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

Như vậy, quy định hiện hành về khảo nghiệm giống cây trồng để được công nhận giống đã đảm bảo chặt chẽ, các giống được công nhận đủ điều kiện, đạt chất lượng, phục vụ sản xuất hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Hiên cũng đề xuất 4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện, gồm: Công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; bổ sung hướng dẫn về phương pháp giải trình tự gen; điều kiện gia hạn giống cây trồng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam giống cây trồng chính.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên thông tin, hiện nay có giống lúa, giống ngô chũng ta đã hoàn thiện được toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý, sử dụng, khai thác, sản xuất và kinh doanh. Thời gian tới đề nghị sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các giống cây trồng nông nghiệp chính là cà phê, cam, bưởi, chuối.

“Trong quá trình thực hiện có những tiêu chuẩn, quy chuẩn nào chưa phù hợp thì chúng ta đề xuất điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói.

9 giờ 30 phút

Điểm khác biệt giữa khảo nghiệm giống cây ăn quả và cây lương thực

ong nguyen quoc manh

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt).

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt) làm rõ thêm các quy định, thủ tục về cây ăn quả. Ông nhấn mạnh một số điểm khác biệt so với quy trình khảo nghiệm giống cây lương thực.

Ông Mạnh thông tin: “Sản xuất cây ăn quả tại Việt Nam đã và đang là trụ cột quan trọng trong nền nông nghiệp, với sự gia tăng đáng kể về diện tích và sản lượng. Năm 2022, tổng diện tích trồng cây ăn quả đạt 1.221,4 nghìn ha, với sản lượng khoảng 14 triệu tấn. Dự kiến cuối năm 2023, xuất khẩu cây ăn quả ước đạt 5 tỷ USD”.

Nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của ngành này, nhiều đề án và quyết định đã được triển khai. Trong đó, một số bước đi quan trọng về xây dựng chính sách là việc phê duyệt “Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực và định hướng rải vụ tại miền Nam”, Đề án “Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030”, cùng với đề án “Phát triển bền vững cây ăn quả ở vùng Tây Bắc”. Quy trình sản xuất và hướng dẫn theo tiêu chuẩn VietGAP cũng góp phần đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tuy có hệ thống cơ cấu chủng loại đa dạng, gồm khoảng 50 loại cây, ngành cây ăn quả đối mặt với nhiều thách thức lớn. “Cơ cấu giống chủ lực chủ yếu là cây địa phương, nhưng chỉ có 32 giống được công nhận từ năm 2008-2019. Mặc dù đã có sự tăng cường với 120 giống từ 2020-2022, nhưng nhìn chung, số lượng giống được công nhận còn rất ít”, ông Nguyễn Quốc Mạnh lưu ý.

Cây ăn quả đặt ra hai điều kiện chính về sản xuất giống. Đầu tiên, giống cây trồng phải đạt yêu cầu; thứ hai, vườn đầu dòng cây ăn quả phải được thẩm định và công nhận. Theo ông Mạnh, một số địa phương vẫn chưa nắm bắt đầy đủ các điều kiện cần thiết, dẫn đến chất lượng cây trồng chưa đảm bảo.

Công tác kiểm tra, thanh tra cũng cần được cải thiện. Năm 2022, chỉ có 9% đơn vị đạt yêu cầu về giấy phép kinh doanh, minh chứng nguồn gốc cây giống và điều kiện đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, tình trạng cây giống kém chất lượng, thiếu kiểm soát về chất lượng, và nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả chưa có công nghệ đột phá đều là những thách thức lớn.

Đối mặt với những khó khăn này, ông Mạnh đề xuất, các nhân tố trong chuỗi ngành hàng cây ăn quả cần hợp tác chặt chẽ, nâng cao năng lực quản lý, và đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển giống cây ăn quả để đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, và tăng cường hiệu suất sản xuất trong lĩnh vực này.

9 giờ 10 phút

Lừa đảo bán giống cây trồng online mang lại nhiều hệ luỵ

ong dinh 1

Ông Trần Xuân Định cho biết, xu hướng kinh doanh giống cây trên mạng là tất yếu nhưng đưa lại nhiều hậu quả, hệ lụy.

Theo ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, xu hướng kinh doanh giống cây trên mạng là tất yếu nhưng đưa lại nhiều hậu quả, hệ lụy.

Một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, ship hàng đến tận nhà cho nông dân. Các giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn như ThaiBinh Seed, Vinaseed… bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu “đa cấp”. Phần lớn những nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân.

Sản xuất, kinh doanh giống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định khá chặt ở các văn bản luật và hướng dẫn luật; tuy nhiên hình thức bán qua mạng thì chưa có những quy định cụ thể và chế tài, đó là kẽ hở và cái khó cho công tác quản lý với giống cây trồng nói riêng và nhiều hoạt động thương mại khác nói chung.

Những hạn chế, thách thức và cơ hội của ngành giống cây trồng nông nghiệp Việt Nam, theo ông Định, hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu. Khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa. Hiện chúng ta phải nhập trên dưới 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù chúng ta có những vùng khí hậu (vùng núi cao phía Bắc, Đà Lạt) có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới.

Ngoài ra, các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn… Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh. Khu vực ĐBSCL là vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực rất ít, giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống “không cấp”.

Thay mặt Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, ông Định đưa ra 5 kiến nghị: Sửa Luật Trồng trọt và các nghị định, thông tư hướng dẫn để khả thi hơn, thực tế hơn tránh tình trạng mâu thuẫn nhau giữa các luật; có văn bản giải quyết các vướng mắc về tên giống tự công bố lưu hành với một loạt tên các giống rau, hoa của một số đơn vị đã phản ánh, gồm cả các trường hợp đã được bảo hộ tên hoặc nhãn hiệu hàng hóa nhưng bị đơn vị đăng ký trước “chộp” mất. Đề nghị sửa nhanh TCVN về khảo nghiệm giống ngô như Công văn số 22 (ngày 6/12/2023) của Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đã kiến nghị.

9 giờ 00 phút

Số giống mới được công nhận lưu hành là quá ít

ong tran xuan dinh

Ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, chia sẻ thông tin tại Diễn đàn.

Tham luận tại Diễn đàn, ông Trần Xuân Định (Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam) khẳng định: trong bối cảnh dịch bệnh, xung đột chính trị, nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua vẫn là trụ cột. Để có nền tảng này, giống cây trồng là yếu tố đầu vào có ý nghĩa quan trọng làm nên một nền nông nghiệp bền vững.

Trong nông nghiệp, trồng trọt đóng góp 71,5% GDP và xấp xỉ 45% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, trong tổng giá trị xuất khẩu hơn trên 53 tỷ USD của nông lâm thủy sản. Năm 2022, trồng trọt có tới 5 ngành hàng chủ lực gồm: gạo, cà phê, điều, cao su và rau quả có giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD. Kết quả của lĩnh vực trồng trọt góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và chính trị, xã hội ở nước ta.

Tốc độ tăng trưởng trên 1ha đất trồng trọt qua các năm vẫn duy trì trên dưới 2%/năm, tính giá trị đạt trên 100 triệu đồng/ha; chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Về nghiên cứu chọn tạo giống, Việt Nam có hệ thống các cơ quan, Viện nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng chủ lực, gồm các đơn vị: Nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống cây trồng nông nghiệp ở Việt Nam. Hệ thống nghiên cứu chọn tạo giống cây nông nghiêp ở Việt Nam khá đa dạng. Hệ thống nghiên cứu của các Viện về nông nghiệp nói chung và giống cây trồng nông nghiệp gồm có 19 đơn vị thành viên; Hệ thống nghiên cứu của các trường gồm có Học viện Nông nghiệp Việt Nam và 6 Trường Đại học chuyên ngành Nông Lâm nghiệp và Thủy sản, chưa tính các Trường Đại học có Khoa Nông, Lâm nghiệp.

Đối với hệ thống nghiên cứu của các Trung tâm giống tỉnh, hiện có khoảng 40 trung tâm giống cây trồng, số trung tâm nghiên cứu chọn tạo giống không nhiều, chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và khảo nghiệm giống.

Các công ty lớn có các Viện nghiên cứu hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm như Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), ThaiBinh Seed, ADI, Lộc Trời, Syngenta Vietnam, Công ty Hồ Quang Trí - Sóc Trăng và hàng chục đơn vị, cá nhân tham gia chọn lọc.

So sánh số lượng lượt giống cây trồng nông nghiệp tham gia khảo nghiệm Quốc gia (chủ yếu nhóm cây lương thực là lúa và ngô) trước và sau khi Luật 31 có hiệu lực, số giống gửi khảo nghiệm giảm nhanh so với trước Luật.

Nếu năm 2018 và 2019 lượt giống tham gia khảo nghiệm VCU tới 684 lượt giống lúa (lúa thuần+lúa lai) và 310 lượt giống ngô (ngô tẻ+ngô nếp, ngô đường), khảo nghiệm DUS tổng số 140 lượt giống lúa, 31 với ngô; năm 2019 khi Luật đã ban hành nhưng chưa hiệu lực và chưa có TCVN, số lượt giống khảo nghiệm đã giảm nhẹ còn tổng 560 với lúa và 207 với ngô và DUS còn 142 với lúa và 25 với ngô. Khảo nghiệm DUS giảm từ 140 lượt xuống còn 117 lượt với lúa, và 31 với ngô.

Năm 2021, và 2022 số lượt giống lúa khảo nghiệm VCU giảm nhanh, chỉ còn tương ứng là 243 và 205 giống lúa, khảo nghiệm DUS giảm trầm trọng vào năm 2021, chỉ còn 41 lượt giống lúa và 38 lượt giống ngô.

Năm 2023, khi Luật Trồng trọt có hiệu lực đầy đủ, số giống khảo nghiệm với lúa cũng chỉ được 223 và ngô là 176.

Nguyên nhân của việc số giống gửi khảo nghiệm tụt giảm do Luật còn nhiều bất cập, Nghị định và văn bản hướng dẫn không chi tiết, minh bạch, chung chung và từ ngữ dễ gây hiểu lầm; Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) xây dựng chậm và khó khả thi, mặc dù ban hành và có hiệu lực nhưng các doanh nghiệp, các viện và các nhà khoa học chọn tạo thấy khó có thể thực hiện được.

Ngoài ra, chi phí khảo nghiệm giống tăng, số điểm khảo nghiệm cho vùng sinh thái quy định không hợp lý và các yếu tố xã hội khác như dịch bệnh, chất lượng khảo nghiệm, số liệu đánh giá giống… khiến các nhà khoa học, cơ quan tác giả, doanh nghiệp làm công tác chọn tạo “nản” không muốn gửi giống để đấu loại vì rủi ro cao, khó đáp ứng để lưu hành và sản xuất kinh doanh.

Việc chậm trễ trong chỉ định đơn vị đủ tiêu chuẩn thực hiện khảo nghiệm VCU và DUS cũng một thời khiến các doanh nghiệp và tác giả băn khoăn, lo lắng khi mà luật đã có hiệu lực hơn 1 năm nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa chỉ định được đơn vị khảo nghiệm.

Bắt đầu từ 01/1/2020 các hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, công nhận lưu hành, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp tuân thủ quy định tại Luật Trồng trọt số 31 có hiệu lực và Nghị định 94/2019/NĐ-CP.

Nếu tính từ 2020 đến tháng 11/2023 sau khi Luật có hiệu lực chỉ có 12 giống lúa mới, 12 giống ngô mới được công nhận lưu hành thông qua khảo nghiệm theo quy định mới. So với nhu cầu thực tế số giống mới được công nhận lưu hành là quá ít, điều này làm giảm khả năng tiếp cận giống mới của nông dân và hạn chế các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao vào sản xuất.

Các giống được công nhận đặc cách gồm 11 giống lúa, 3 giống ngô, phần nào gỡ khó cho một số giống đã tồn tại lâu ngoài sản xuất, nông dân nhiều vùng đặc thù vẫn có nhu cầu. Việc gia hạn lưu hành với thời hạn 10 năm, có 12 giống được gia hạn, con số này là quá nhỏ so với thực tế gần 200 giống lúa và hàng trăm giống ngô đã được công nhận là giống quốc gia và được sản xuất kinh doanh giai đoạn trước (bảng 2 và 3).

Việc gia hạn còn nhiều bất cập với những giống không bản quyền và phần lớn các giống được tạo ra, công nhận bằng ngân sách Nhà nước; giống lúa lai nhập nội mà tác giả không phải trong nước; những giống lúa đã quá 10-15 năm, thậm chí 20 năm nhưng vẫn còn phổ biến mà tác giả không còn, hoặc không quan tâm tới việc quy định gia hạn vì không còn hoạt động trong ngành giống.

Việc công nhận lưu hành các giống mới được cải tiến trên giống nền bằng công nghệ sinh học như lai hồi giao để chuyển gen mục tiêu, chỉnh sửa gen hoặc giống đã chuyển gen (với ngô) đang vướng mắc và ách tắc nhiều năm nay.

Việc một giống có gen kháng trên cơ sở cải tạo giống nền và tương đồng giống nền không được công nhận như giống mới theo quy định hiện hành đang gây nhiều thắc mắc và bất cập không phù hợp với thực tiễn hiện nay khi mà công nghệ sinh học có những bước tiến rất nhanh.

8 giờ 50 phút

Tốc độ đáp ứng giống cho sản xuất vẫn đảm bảo

ong nguyen van vuong

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực- Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt), chia sẻ thông tin tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực- Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) giới thiệu về công nhận lưu hành, tự công bố lưu hành và công nhận tổ chức khảo nghiệm theo Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 (Luật Trồng trọt) và Nghị định 94/2019/NĐ-CP.

Theo đó, Luật Trồng trọt được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 19/11/2018. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, thay thế Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004. Luật có 7 chương, 85 điều quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng.

Tại Chương II của Luật về giống cây trồng, quy định 11 nội dung, gồm:

1. Nghiên cứu, khai thác, sử dụng, bảo tồn nguồn gen giống quy định tại Điều 10,12.

2. Cấp quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính. Có 2 loại quyết định: Quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính (Điều 15) và Quyết định công nhận lưu hành đặc cách đối với giống cây đặc sản, giống cây bản địa, giống cây đã tồn tại lâu dài trong sản xuất thuộc loài cây trồng chính (Điều 16).

3. Tự công bố lưu hành giống cây trồng: Giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu (Điều 17).

4. Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính phải được khảo nghiệm do tổ chức khảo nghiệm độc lập được công nhận đủ điều kiện thực hiện trước khi cấp hoặc gia hạn Quyết định công nhận lưu hành, trừ trường hợp giống cây trồng được cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách.

5. Khảo nghiệm giống cây trồng: Nội dung khảo nghiệm giống cây trồng (Điều 18), yêu cầu chung về khảo nghiệm giống cây trồng (Điều 19). Tổ chức muốn tham gia hoạt động khảo nghiệm giống cây trồng phải có Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 21.

6. Sản xuất, buôn bán giống cây trồng: Điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng (Điều 22); Sản xuất giống cây trồng (Điều 23); Công nhận cây đầu dòng, công nhận vườn cây đầu dòng (Điều 24)

7. Quản lý chất lượng giống cây trồng (Điều 25)

8. Kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống (Điều 26)

9. Ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng (Điều 27)

10. Xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng: Xuất khẩu giống cây trồng (Điều 28). Nhập khẩu giống cây trồng (Điều 29)

11. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động về giống cây trồng: Quyền và nghĩa vụ nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng (Điều 30). Quyền và nghĩa vụ đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng (Điều 31). Quyền và nghĩa vụ sử dụng giống cây trồng (Điều 32). Quyền và nghĩa vụ đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng (Điều 33). Quyền và nghĩa vụ khảo nghiệm giống cây trồng (Điều 34). Quyền và nghĩa vụ sản xuất, buôn bán giống cây trồng (Điều 35).

Theo ông Vương, khi thực thi theo Pháp lệnh Giống cây trồng, số giống cây trồng công nhận được từ 2013-2019 là 150 giống lúa (bình quân 22 giống/năm). Sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, trong giai đoạn 2020-2023 đã công nhận được 190 giống lúa (bình quân 48 giống/năm), 96 giống ngô. Như vậy, tốc độ đáp ứng nguồn giống cho nhu cầu của sản xuất vẫn đảm bảo.

8 giờ 30 phút

Chưa khi nào để xảy ra khan hiếm, thiếu giống

ong nguyen nhu cuong

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, khẳng định chưa khi nào để xảy ra trường hợp khan hiếm giống, thiếu giống, nhất là các giống lúa.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nói, sau khi Luật Trồng trọt ra đời, chúng ta đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đây là bước thay đổi rất quan trọng, tuy nhiên điều này cũng là vấn đề khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi. Trong việc chuyển đổi như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa lường trước được những thay đổi.

Sau 3 năm thực hiện Luật Trồng trọt vẫn có một số vướng mắc, tuy nhiên, nhìn chung Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt đã có những hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời. Chưa khi nào để xảy ra trường hợp khan hiếm giống, thiếu giống, nhất là các giống lúa. Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã có những giống thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với từng vùng miền.

Từ phương thức quản lý cũ, chúng ta chuyển sang phương thức quản lý mới, vì thế cũng còn những vấn đề chưa thích ứng được, có những trục trặc, tuy nhiên về cơ bản trong những năm vừa qua Luật Trồng trọt đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Thời gian tới Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi những cái chưa phù hợp trong Luật trồng trọt. Hiện nay Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ việc sửa đổi trong năm 2024.

"Diễn đàn hôm nay là để chúng ta cùng bàn về những khó khăn, đề xuất hướng tháo gỡ, vướng mắc để việc thực hiện quản lý giống cây trồng tốt hơn. Tuy nhiên tôi đề nghị rằng, những ý kiến phải có dẫn chứng cụ thể và đưa ra những đề xuất, giải pháp rõ ràng, tránh hiện tượng chung chung, đại khái. Tinh thần là hài hòa giữa doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý Nhà nước, làm thế nào để giải quyết những bất cập nhằm đáp ứng tái cơ cấu ngành, tăng thu nhập cho người dân trực tiếp sản xuất trên những cánh đồng", Cục trưởng Cục Trồng trọt nói.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.