Mới đây, tại FLC Hạ Long (Quảng Ninh) diễn ra tọa đàm “Du lịch Quảng Ninh: Nội lực miền di sản” do Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
Khi người dẫn chương trình thông báo khép lại phần tọa đàm để bước sang phần cuối - lễ ký hợp tác liên kết giữa cơ quan quản lý với các doanh nghiệp du lịch, ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh lên bục “xin” được chia sẻ thêm vài phút về định hướng phát triển du lịch Quảng Ninh với các khách mời.
Ông Thủy nói đến câu hỏi của TS. Nguyễn Thu Thuỷ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội về thông điệp, bộ nhận diện thương hiệu, slogan của tỉnh Quảng Ninh là gì? Ông Thủy cho biết, khi tỉnh thuê đơn vị tư vấn nước ngoài xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển du lịch Quảng Ninh, đơn vị đã đề xuất slogan là “Ha Long bay and so much more”.
Từ ý tưởng này, tỉnh đang xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho du lịch tỉnh nhà, điểm nhấn không thể thiếu đó là hình ảnh vịnh Hạ Long. Nhưng ông Thủy cũng rất trăn trở, sau hình ảnh vịnh Hạ Long sẽ là hình gì, bởi Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn.
“Chúng tôi hay nói vui Quảng Ninh là gia đình có điều kiện. Ngoài vịnh Hạ Long, chúng tôi có rừng, có tâm linh, có cả biên giới,… trong những cái đó có thể chúng tôi chọn điểm thứ hai - là văn hóa tâm linh. Văn hóa tâm linh Quảng Ninh rất có điều kiện vì là đất Phật.
Cho nên, trong logo du lịch Quảng Ninh là vịnh Hạ Long nhưng được bao trọn bởi đài sen cách điệu, để du khách nhìn thấy được hai điểm nhấn của tỉnh Quảng Ninh”, ông Thủy bật mí về logo du lịch Quảng Ninh mà tỉnh đang triển khai.
Còn về ý kiến nên xây dựng Quảng Ninh trở thành một vùng công nghiệp giải trí của TS. Nguyễn Thu Thuỷ - ông Phạm Ngọc Thủy bày tỏ sự tâm đắc với ý tưởng này. Song, ông bổ sung thêm, tỉnh Quảng Ninh hy vọng trong tương lai sẽ là khu công nghiệp văn hóa và công nghiệp giải trí chứ không phải chỉ là giải trí thông thường.
Ông Thủy chia sẻ: “Nếu làm được điều này sẽ tạo sức bật rất lớn cho địa phương. Chúng tôi cùng với TP Hạ Long và Vân Đồn sắp tới sẽ xây dựng theo hướng công nghiệp giải trí.
Nhưng cũng phải chia sẻ thật với anh chị là công nghiệp giải trí - văn hóa, phải thay đổi được tư duy nhận thức của cả một hệ thống chính trị, bởi giữa yếu tố tích cực và "yếu tố nhạy cảm" rất gần nhau. Làm sao chúng ta vẫn giữ được văn hóa, bản sắc dân tộc tốt đẹp, nhưng nếu không có nét hiện đại, sức cuốn hút mới thì văn hóa chỉ mang tính chất tuyên truyền thôi”.
Liên quan đến phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện) vào những tháng cuối năm, ông Phạm Ngọc Thủy cho biết tỉnh Quảng Ninh xác định phải là nơi thu hút các cuộc hội nghị MICE. Chính vì thế, ông đã tham mưu cho UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các sở, ngành phải bám rất sát các bộ, ngành trung ương.
“Có hội nghị nào là phải thông báo để chúng tôi bám hội nghị đó, kéo về cho Quảng Ninh. Nếu cần thiết, phải thành lập một nhóm khai thác hội nghị MICE. Đây là sản phẩm rất đặc sắc, từ đầu năm đến nay nhiều đơn vị không tổ chức được, cuối năm họ sẽ làm nhiều nên tỉnh phải thu hút tối đa việc đó”, ông Thủy nhấn mạnh, đồng thời cho biết MICE sẽ mang lại nhiều thứ, đầu tiên là số lượng khách đến dự rất lớn, dùng dịch vụ chất lượng cao, thời gian dài ngày và họ đến không chỉ là hội nghị, họ còn tham quan, giải trí.
Tuy nhiên, để thu hút được khách, kích cầu du lịch, ông Thủy cho rằng tỉnh cần phải có chính sách đặc biệt, linh động. Đối với các khách sạn, cơ sở lưu trú, ông Phạm Ngọc Thủy “hiến kế” nếu khách nghỉ 3 đếm thì có thể không lấy tiền một đêm. Là người từng có 15 năm kinh nghiệm làm giám đốc khách sạn, theo ông Thủy, miễn phí 1 đêm cho khách nghỉ 3 đêm là bình thường và như vậy khách sạn vẫn có lãi.