Các kho thuốc thời bao cấp còn sót lại, cùng với bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi, không chỉ hủy hoại môi trường nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe người dân.
Những "quả bom chưa tháo ngòi nổ"
Tính đến năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình ghi nhận có 291 khu vực có kho thuốc BVTV tồn lưu, với diện tích 52.366m2. Trong đó mức độ ô nhiễm rất nặng là 5.728 m2, ô nhiễm nặng 8.693m2. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê sơ bộ do huyện và xã báo cáo lên trên.
Bao bì thuốc BVTV vứt ngay đầu bờ ruộng
Được biết năm 2015, Sở TN- MT Thái Bình và dự án POP Pesticides đã hợp tác điều tra sơ bộ 18 khu vực ô nhiễm theo đề xuất của tỉnh. Trong 18 khu vực nói trên có 5 điểm kho chứa thuốc trừ sâu vẫn còn nguyên kho và chứa hóa chất BVTV; 3 điểm vẫn còn nguyên kho nhưng không chứa hóa chất BVTV; 8 điểm là nền kho và khu đất trống.
Đất các khu vực ô nhiễm đa số là đất để không, đất công ích, một số nền kho thì bỏ hoang. Có 1 điểm nằm sát khu vực Trạm y tế và UBND xã. Đa số các kho đều từng chứa các loại thuốc POP như DDT, 666. Hầu hết các hóa chất BVTV còn tồn dư đã được phân phát hết trước khi kho dừng hoạt động.
Kết quả phân tích tại một số khu vực cho thấy có dư lượng các hóa chất POP, chủ yếu là tổng DDT và tổng HCHs. Nồng độ các chất này vượt ngưỡng theo QCVN 15:2008 (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất), tuy nhiên chưa ở mức cần phải xử lý theo QCVN 54:2013. Nhìn chung các điểm tồn lưu hóa chất BVTV đã được điều tra đều có mức độ rủi ro từ thấp đến trung bình.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Bình, ở tỉnh này còn tồn lưu các nền kho thuốc BVTV thời bao cấp, các kho thuốc HTX nông nghiệp xa xưa đều bảo quản chưa tốt, chủ yếu nền đất. Một số nền nhà kho thuốc BVTV lớn, như ở Đồng Tu (thị trấn Hưng Hà) với 200m2, xã Thái Thủy (huyện Thái Thụy) vẫn chưa xử lý được do kinh phí lớn.
Ông Lê Xuân Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT- BVTV Thái Bình cho biết: “Các nền kho thuốc BVTV thời bao cấp quản lý chưa tốt. Đổ thuốc vương vãi ra nền kho, vỏ bao cũng như thuốc ngấm dần xuống đất. Tỉnh cho khảo sát, lấy mẫu đất, kết quả cho thấy đất bị ô nhiễm. Tuy nhiên do không có kinh phí, nên vẫn chưa xử lý triệt để.
“Việc vứt bao bì thuốc BVTV sau khi dùng ra đồng ruộng khá phổ biến, người dân vẫn chưa có ý thức, tiện đâu vứt đấy. Chúng tôi cũng có nhiều chiến dịch kêu gọi nhưng cũng chưa chuyển biến nhiều. Bên cạnh đó, người dân sau khi phun thuốc xong, rửa bình thuốc đổ xuống mương, xuống sông, gây ô nhiễm, nguy hại cho nguồn nước. Trong khi đa số người dân không đeo bảo hộ lao động, chân trần, tay trần không khẩu trang, không mũ nón cứ vô tư đi phun thuốc”, ông Hòa cho biết thêm. |
Đến nay, những nền kho thuốc BVTV họ phá đi, gieo trồng, trồng cây lâu năm, các công trình nhà ở… nằm đè lên trên. Nhưng nếu đào bới lên thì đất vẫn bị ô nhiễm. Thường sau khi mưa, trời có nắng thuốc tồn lưu bắt đầu bốc hơi mùi rất khó chịu”.
Từ năm 2006 – 2009, tỉnh Thái Bình đã xử lý 14 tấn thuốc BVTV còn tồn đọng. Thậm chí từ 10 – 15 trước, ngành nông nghiệp đã tấn tiến cho xây các bể xi măng để người dân bỏ bao bì thuốc BVTV vào đó. Sau những bể xi măng hỏng dần, nên người dân vứt bao bì thuốc BVTV bừa bãi, không đúng quy định.
Bao bì thuốc BVTV chưa xử lý triệt để
Theo Chi cục TT- BVTV Nam Định, hiện việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ở một số địa phương còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ. Đặc biệt, chính quyền cấp xã chưa thực sự vào cuộc, coi đây là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn.
Thị thường thuốc BVTV ngày càng phát triển, các công ty, doanh nghiệp thuốc BVTV mới ra đời ngày càng nhiều, số lượng tên thương phẩm thuốc BVTV quá lớn (4.068 tên thuốc thương mại).
Ngay như tại Nam Định qua rà soát vẫn còn 318 loại thuốc BVTV đang lưu thông, trong đó thuốc trừ cỏ 24 loại; thuốc chuột 9 loại; thuốc trừ sâu, rầy 191 loại; thuốc trừ bệnh 77 loại.
Trong khi các đại lý kinh doanh thuốc BVTV vì lợi nhuận đã tự ý khuyến cáo phối trộn nhiều loại thuốc, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và gây ô nhiễm môi trường. Một số đại lý còn bán thuốc kém chất lượng, khi trên đồng ruộng không có dịch hại.
Dưới những kênh mương vương vãi bao bì thuốc BVTV
Hiện lao động nông thôn thiếu và không có khả năng đi phun thuốc vào mùa vụ. Do đó phải thuê khoán, việc lựa chọn thuốc do người đi phun hoặc đại lý bán thuốc quyết định. Thời gian một đợt sâu bệnh quá ngắn trong khi lực lượng thanh tra mỏng không thể kiểm tra, uốn nắn hết.
Đã thế nông dân sau khi dùng thuốc BVTV thường tùy tiện vứt vỏ, chai lọ, bao bì ngay tại đường đi, bờ ruộng mà chưa thu gom xử lý đúng quy trình, quy định theo yêu cầu xử lý chất thải nguy hại. Đây là nguồn ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục TT- BVTV tỉnh Nam Định chia sẻ: “Hiện nay việc quản lý thuốc BVTV ở Nam Định cơ bản tốt. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề như việc thu gom xử lý bao bì chưa triệt để, thu gom rồi để chung với rác thải sinh hoạt. Vứt bao bì bừa bãi, không đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, sau khi phun thuốc xong, người dân vẫn có thói quen rửa bình phun rồi đổ ra sông, kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước”.
Theo chân cán bộ BVTV TP Nam Định, địa phương đang có khoảng 800ha lúa, tại cánh đồng xã Lộc Vượng thấy đầu bờ ruộng, bờ kênh, dưới mương nước…vương vãi khá nhiều bao bì, chai lọ thuốc BVTV. Theo ông Trần Xuân Đoán, Trạm trưởng Trạm TT- BVTV TP thì hiện tại, địa phương chưa xây các bể chứa bao bì, chai lọ thuốc BVTV, nên người dân phun thuốc xong tiện đâu vứt đấy.
Được biết hằng năm, Chi cục TT- BVTV tỉnh đều có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trên cơ sở các nghiên cứu, thực nghiệm để chọn ra các loại thuốc ít độc hại tới con người và môi trường. Chi cục cũng hướng dẫn nông dân lựa chọn những loại thuốc ít độc thay thế dần thuốc cũ.
Nhờ vậy nông dân đã có chuyển biến tích cực, thay đổi chủng loại thuốc sử dụng, loại bỏ nhóm thuốc chứa hợp chất Fipronil đối với sâu đục thân, thuốc có hợp chất Isoprothiolane trừ bệnh đạo ôn bằng các loại thuốc mới.
Năm 2016, mở 23 cuộc thanh tra thuốc BVTV Trong năm 2016, Chi cục TT- BVTV Nam Định đã thực hiện 25 cuộc thanh tra giống, phân bón và thuốc BVTV. Trong đó có 23 cuộc thanh tra tại 462 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, phát hiện 27 trường hợp vi phạm, xử phạt 40.500.000 đồng. Kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV của 1.653 hộ phát hiện 386 hộ (chiếm 23%) sử dụng thuốc BVTV không đúng hướng dẫn. Phối hợp với Đài PTTH tỉnh, đài phát thanh các huyện, các doanh nghiệp hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, tổ chức 470 lớp tập huấn, trong đó có 6 lớp tập huấn cho 372 hộ nông dân về các quy định trong SXKD thuốc BVTV. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV cho 57 hộ kinh doanh. Trần Minh Hà |