Với tấm lòng yêu rừng, hơn 10 năm qua, nhà báo Tâm Phùng - Báo Nông nghiệp Việt Nam, cẫn mẫn trồng rừng trên đồi cát trắng. Đến nay, hàng chục ha rừng đã khép tán, tỏa bóng mát giữa nắng hè…
Nhà báo hơn 10 năm trồng rừng trên cát
Hơn 10 năm trước, vùng đất phía sau lưng thôn Bắc Ngũ là những đồi cát trắng phơi mình dưới nắng hè hay theo gió bay lấn dần vào vườn tược của người dân khi mùa mưa bão đến. Qua nhiều năm, vùng cát như hoang hóa hơn và như càng góp thêm cái nóng của những ngày hè. Trăn trở với vùng cát, nhà báo Nguyễn Tâm Phùng đã mua cây giống tràm keo mang về thuê bà con cùng với mình thực hiện trồng rừng trên đồi cát. Mỗi mầm xanh trên đồi cát đã trãi qua bao mùa khô hạn để bám rễ lên chồi vươn lên trong nắng nóng. Có những năm, rừng cây non gặp hạn lớn, những vạt rừng rộng lớn đã cháy khô phải trồng đi trồng lại nhiều lần. ..Hơn 10 năm qua, đồi cát trắng phía sau làng đã được phủ một màu xanh mướt.
Phỏng vấn ông Nguyễn Phúc, thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình:
“Ngày trước đây là 1 vùng cát trắng, đi nóng rát cả chân, mùa gió bão thì cát bay, xâm lấn cả làng mạc… Rồi khi có rừng ni thì… bà con chung tay bảo vệ, trồng"
Rừng bây giờ nhiều khoảng đã khép tán, nhưng vợ chồng nhà báo Nguyễn Tâm Phùng vẫn không quên câu chuyện chắt chiu, dành dụm để mua được những cây tràm giống đầu tiên về trồng trên đồi cát ở sau làng. Ban đầu cũng chỉ là trồng xen với những cây phi lao đang còn sót lại, thế rồi, cứ miệt mài năm này qua năm khác, lứa cây này lớn thì trồng tiếp lứa cây khác. Gặp hạn nặng cây chết thì mùa mưa năm sau lại tiếp trục trồng lại chứ không nản lòng. Bây giờ rừng đã lên xanh, đã thành rừng cây tràm với diện tích bao phủ trên 20ha đồi cát.
Phỏng vấn nhà báo Nguyễn Tâm Phùng , phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam:
“Bà con cứ nghĩ chắc tôi có 1 dự án nào đấy về trồng rừng… tôi nghĩ 5 năm bà con sẽ tin, 10 năm bà con sẽ nghe…”
Là một nhà báo chuyên về lĩnh vực nông nghiệp. Trong chặng đường làm báo, phóng viên Nguyễn Tâm Phùng đã đi gần hết những cánh rừng ở Quảng Bình, đã từng chứng kiến bao hệ luỵ do thiên tai gây ra mà một phần nguyên nhân chính là phá rừng. Cảm phục trước những câu chuyện, con người mộc mạc, chỉ giản đơn là vì lợi ích chung mà trồng rừng, anh cũng muốn góp một phần nhỏ của mình trong đó.
Phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Lanh, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình
Khi hàng chục ha rừng trên cát được khép tán, những cái nắng hè như được đẩy lên cao, chim chóc đã về làm tổ. Người dân trong vùng cũng đã cùng chung tay bảo vệ những cánh rừng đang mang lại những điều yên lành cho cuộc sống. Vào mùa mưa, lũ trẻ tranh thủ ngày nghỉ học lên rừng keo hái nấm tràm mang về cho bố mẹ để làm thứ đặc sản vùng cát.
Phỏng vấn bà Lê Thị Tiển, thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình
Khi những cánh rừng đã khép tán là mang cả tấm lòng của những người làm báo muốn gửi đến thông điệp hãy yêu qúy và bảo vệ rừng, hãy cùng chung tay thực hiện mục tiêu giữ vững và phát triển tỷ lệ che phủ rừng. Thực hiện thành công Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm (2021-2025) của Chính phủ đã đề ra. Chủ trương đang được lan tỏa, một hệ sinh thái rừng dần được tái tạo đa dạng có ý nghĩa lớn về môi sinh, môi trường cho hôm nay và mai sau…