| Hotline: 0983.970.780

Bất luận thế nào, phải cấm tiệt kháng sinh thủy sản!

Thứ Tư 23/03/2016 , 09:04 (GMT+7)

Ông Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam cho rằng, các mặt hàng XK như thủy sản, mật ong, phải cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh, kể cả kháng sinh chữa bệnh...

Đối với chăn nuôi, chỉ nên giữ lại 4 - 5 loại kích thích sinh trưởng, chứ không thể cho phép tới bốn năm chục loại như hiện nay.

Chỉ nên giữ lại 4 - 5 loại kích thích sinh trưởng

Mục đích ban đầu của kháng sinh sử dụng trên vật nuôi là để chữa bệnh mà thôi. Tuy nhiên qua quá trình sử dụng, người ta thấy rằng nó đồng thời cũng giúp vật nuôi tăng trưởng tốt hơn so với đối chứng, nhưng nguyên lí giúp tăng trưởng thế nào thì đến nay khoa học cũng chưa có nghiên cứu thấu đáo.

Nhiều nghiên cứu cũng đã khẳng định việc sử dụng kháng sinh thường xuyên vì mục đích kích thích sinh trưởng (KTST) cũng khiến tập đoàn vi khuẩn kháng kháng sinh tăng lên, gây khó khăn cho cả việc phòng chữa bệnh trên vật nuôi lẫn con người do ăn phải thực phẩm có tồn dư.

Cộng đồng châu Âu và nhiều nước khác do đó đã cấm hoàn toàn hoặc đang trong quá trình đi tới cấm sử dụng với mục đích KTST vật nuôi hoặc mục đích phòng bệnh. EU cũng đã cảnh báo, nếu thế giới không kiểm soát kháng sinh, sẽ đến lúc con người bị bệnh không thể kiếm đâu ra thuốc chữa.

Bởi số lượng các kháng sinh mới trong mấy thập kỷ qua tăng không đáng kể, trong khi tập đoàn vi khuẩn kháng kháng sinh đang tăng chóng mặt, và để nghiên cứu ra một loại mới phải mất vài chục năm trời.

Tuy nhiên, bức tranh về sử dụng kháng sinh trên thế giới hiện nay cũng không đồng nhất, và vẫn có những quan điểm bảo vệ lẫn nhau. Trong khi một số khu vực như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… kiểm soát nghiêm ngặt, thì một số nước, trong đó có Mỹ vẫn đang cho sử dụng với rất nhiều loại.

Ở Việt Nam, chúng ta không tự sáng chế được cũng như nên cho phép loại nào để KTST, mà việc cho phép NK cũng chỉ đối chiếu với Mỹ hoặc Trung Quốc mà thôi. Tuy nhiên, Mỹ cũng đang đặt lộ trình cấm hoàn toàn kháng sinh KTST vào năm 2017. Như vậy nhìn chung, xu hướng của thế giới ngày nay đó là đi dần tới việc kiểm soát, mà trước hết là với mục đích KTST.

Chăn nuôi Việt Nam chưa có được sản phẩm XK, muốn vươn ra quốc tế thì chẳng còn cách nào khác là phải kiểm soát kháng sinh. Xin nói lợn sữa, do thị hiếu Đài Loan, Hồng Kông họ thích thì mới XK được, chứ nếu họ không thích thì đố anh xuất được, bởi kiểu gì chả phát hiện kháng sinh.

Đối với chăn nuôi, dù sao vẫn phải cho phép sử dụng kháng sinh để chữa bệnh, hoặc có thể phòng bệnh hay cho KTST với một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, sẽ phải có giải pháp kiểm soát chứ không thể tràn lan như hiện nay. Sở dĩ ở Mỹ, họ vẫn cho phép sử dụng, nhưng họ lại kiểm soát được, chứ chúng ta thì không. Đã thế, chúng ta lại cho phép sử dụng quá nhiều loại.

Tính đến nay, chúng ta đã cho phép NK lưu hành tới trên 40 loại kháng sinh KTST là điều không thực sự cần thiết, nhất là trong bối cảnh chúng ta hoàn toàn có thể có các loại thảo dược KTST khác để thay thế. Vì vậy thời gian tới, cần phải rà soát, rút bớt dần số lượng.

Theo tôi, trong số hơn 40 loại kháng sinh KTST đã được cấp phép, chỉ nên giữ lại khoảng 4 - 5 loại là cùng. Nên bỏ bớt loại nào, giữ lại loại nào thì Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) phải tổ chức một hội thảo để các nhà khoa học rà soát lại.

Tuy nhiên, những loại kháng sinh KTST thì phải đảm bảo được 3 yếu tố ưu việt: Một là không được đồng thời sử dụng bên y tế; hai là đó không phải là kháng sinh mạnh, lành tính, không bắt buộc thời gian cách li trước khi giết mổ hoặc có mức tồn dư tối đa cho phép khá cao theo quy định của CODEX; ba là giá phải tương đối rẻ.

16-13-26_t_1
Ông Đậu Ngọc Hào cho rằng, cần phải cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong thủy sản, bất luận đó là loại gì

Đối với việc quản lí, hiện nay việc cấp phép NK, lưu hành kháng sinh KTST vẫn do Cục Chăn nuôi thực hiện. Theo tôi, đã là kháng sinh nói chung thì vẫn nên giao cho bên thú y quản lí vẫn tốt hơn, vừa đúng chuyên môn, vừa tránh chồng chéo.

Phải cấm tiệt trong thủy sản, nuôi ong

Trong bối cảnh hàng rào thuế quan không còn, tồn dư kháng sinh đang là một trong những hàng rào kỹ thuật mà các nước trên thế giới đã và sẽ ngày càng siết chặt. Vì vậy, đối với các mặt hàng mà Việt Nam XK, không còn cách nào khác là chúng ta phải “nói không với kháng sinh”.

Câu chuyện mật ong trước đây là một bài học. Chúng ta XK sang Mỹ thì còn dễ một chút, chứ xuất sang EU thì khó vô cùng, bởi họ không cho bất kỳ tồn dư một chút kháng sinh nào. Để XK được mặt hàng này sang EU, chúng ta đã phải vô cùng chật vật, tiếp đón không biết bao nhiêu đoàn của họ sang tận nơi, kiểm tra đủ thứ về hệ thống giám sát.

Nhưng chúng ta muốn bán sản phẩm sang nước họ, chẳng còn cách nào khác là phải tuân theo hàng rào kỹ thuật của họ mà thôi. Vì vậy, đối với những sản phẩm mà chúng ta làm ra để XK như mật ong và thủy sản, theo tôi phải cấm hoàn toàn việc sử dụng, bất luận đó là loại gì, kể cả loại chữa bệnh đi nữa cũng phải cấm, đặc biệt là đối với thủy sản.

Trên thực tế đối với thủy sản, ao nước mênh mông bát ngát, bệnh vi khuẩn thôi cũng chẳng chữa nổi, chứ nếu là bệnh do virus thì muốn chữa cũng chẳng chữa được.

Thế nên thay vì bàn việc kiểm soát thế nào trên thủy sản, giải pháp sống còn, bền vững nhất vẫn phải là nuôi trồng an toàn sinh học. Câu chuyện kiểm soát kháng sinh cũng như thuốc BVTV vậy, không phải là không có giải pháp thay thế.

Chúng ta cứ bàn mãi xem có nên cấm thuốc BVTV hay không, cấm loại gì, cho dùng loại gì. Nhưng có một điều, nếu anh trồng rau trong nhà lưới, nhà kính thì cần gì tới thuốc BVTV đâu, bàn việc cấm hay không cấm làm gì. Chỉ cần có giải pháp thay thế, nuôi an toàn sinh học, kiểm soát ô nhiễm và không còn nguy cơ dịch bệnh nữa thì cần gì phải dùng tới kháng sinh.

Tất nhiên để tiến tới được một nền nuôi trồng thủy sản an toàn là câu chuyện không phải ngày một ngày hai mà làm được, nhưng đối với vấn đề kháng sinh trên thủy sản thì chúng ta buộc phải kiên quyết, cho dù trong ngắn hạn có thể phải đánh đổi.

LÊ BỀN

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.