Mô hình “5+1” của Hội CCB xã Tân Thiềng (Chợ Lách) hỗ trợ cựu chiến binh Huỳnh Văn Lũy ở ấp Thiện Mỹ (thứ 3 từ trái qua) mua 1 con bò cái, 4 con dê nái, hiện đàn dê đã có trên 30 con, đàn bò đã có 5 con giá trị trên 150 triệu đồng và thoát nghèo cuối năm 2015. |
Hiệu quả của mô hình đã được chứng minh, nhiều gia đình CCB nghèo vươn lên làm giàu, tiếp tục giúp các hộ CCB khác thoát nghèo bền vững.
Theo ông Bùi Thanh Khởi, Phó Chủ tịch Hội CCB Bến Tre, thực tiễn cho thấy mô hình “5+1” không chỉ 5 giúp 1 mà có thể 7 đến 10 giúp 1, tùy điều kiện thực tế ở địa phương. Với cách làm này, chỉ sau 3 năm triển khai thực hiện, Bến Tre có 1.055 mô hình “5+1”, với 5.763 hội viên tự nguyện tham gia ở hầu hết khắp các chi hội, phân hội ở ấp và khu phố.
Ngoài các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, mô hình “5+1” vận động giúp vốn cho cựu chiến binh nghèo sản xuất với tổng số tiền mặt là 4,351 tỉ đồng; 8.023 ngày công lao động, cho mượn đất sản xuất 24.900 m2 và 4.758 cây trồng, vật nuôi các loại (trị giá hơn 2,5 tỉ đồng) để tạo điều kiện cho hộ nghèo sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập ổn định cuộc sống và có gần 1.000 hộ thoát nghèo từ mô hình này.
“Mô hình đang được xem là “đòn bẩy” để giảm nghèo, xóa nghèo hiệu quả trong hội viên CCB. Mô hình còn mang ý nghĩa thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tính nhân văn sâu sắc. Từ mô hình “5+1” góp phần giảm hộ nghèo trong hội viên cựu chiến binh từ 7,97% cuối năm 2012 xuống còn 1,32% vào cuối năm 2015 và hiện nay theo tiêu chí đa chiều còn 1.350 hộ nghèo (4,72%), hộ cận nghèo 641 (2,24%)”, ông Khởi nói.
Mô hình “5+1” giúp nhau xóa nghèo bền vững đã giúp cán bộ, hội viên gắn bó nhau hơn, mang tính lan tỏa ra cộng đồng và tác động đến công tác giảm nghèo ở xóm ấp. Hiện nay tại các huyện đều đã thành lập Câu lạc bộ giảm nghèo. Đồng thời, trong việc triển khai các mô hình xóa nghèo, giảm nghèo, nhận thức của các hội viên đã có nhiều chuyển biến và đề ra nhiều giải pháp mới thiết thực phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ để áp dụng có hiệu quả.