| Hotline: 0983.970.780

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò diễn biến phức tạp

Thứ Năm 19/11/2020 , 16:27 (GMT+7)

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò thời gian qua tiếp tục lây lan và diễn biến phức tạp.

Dịch liên tục lan rộng

Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam từ giữa tháng 10/2020 tại tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, đến nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trâu bò tiếp tục diễn biến phức tạp.

Mới đây nhất, bệnh đã phát sinh tại một số hộ chăn nuôi ở xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn). Trước tình hình trên, Bắc Kạn đã lên phương án phòng chống khẩn cấp, không để dịch lây lan ra diện rộng, nhất là nghiên cứu đóng cửa chợ trâu bò Nghiên Loan (huyện Pắc Nặm), nơi mỗi phiên chợ tập trung khoảng 500 con trâu bò. Nếu cần thiết có thể dừng họp chợ trong thời gian tới.

Bệnh VDNC tiếp tục lây lan ra diện rộng trong thời gian qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Toán Nguyễn

Bệnh VDNC tiếp tục lây lan ra diện rộng trong thời gian qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Toán Nguyễn

Tại tỉnh Lạng Sơn, từ một vài ổ dịch ban đầu được phát hiện hồi giữa tháng 10/2020 tại huyện Hữu Lũng, tính đến ngày 18/11, bệnh VDNC đã lan rộng ra trên đàn trâu, bò của 116 hộ tại 43 thôn ở 19 xã, thị trấn trên địa bàn 7/11 huyện, thành phố. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 189 con; số trâu bò chết, bắt buộc phải tiêu hủy là 7 con (714 kg). Ngày 18/11, UBND tỉnh này đã tổ chức họp bàn triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống.

Tại tỉnh Cao Bằng, sau hơn 1 tháng phát hiện tại xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, đến nay, bệnh VDNC ở đàn trâu, bò đã lây lan ra địa bàn 6 huyện, gây mối lo ngại cho ngành chăn nuôi, trong đó đã có 26 con gia súc bị chết vì dịch bệnh này.

Đến ngày 14/11/2020, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có 234 con trâu, bò của 102 hộ tại 34 thôn xóm, thuộc 17 xã, thị trấn ở các huyện Hạ Lang, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Bảo Lâm và Nguyên Bình bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó đã có 26 con gia súc bị chết vì dịch bệnh.

Cơ quan chuyên môn tỉnh Cao Bằng đã xuất 200 lít hóa chất phun khử trùng tiêu độc, diệt các loại ruồi, muỗi, ve cho các huyện có dịch. Đồng thời, tích cực giám sát cơ sở và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra. Bên cạnh đó, đã thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại huyện Hạ Lang để kiểm soát trâu, bò ra vào các xã có dịch...

Kinh nghiệm phòng, chống của Trung Quốc

Bệnh VDNC trâu bò đã được phát hiện và lây lan tại nhiều nước Châu Á. Tại Trung Quốc, ổ dịch VDNC đầu tiên đã được ghi nhận vào tháng 8/2019 tại khu vực Tân Cương, đặc biệt vào tháng 7/2020 tại tỉnh Quảng Tây đã ghi nhận 5 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục (chỉ cách tỉnh Cao Bằng khoảng 200 km). Đến giữa tháng 9/2020, tổng số đã phát hiện 14 ổ dịch bệnh tại nước này.

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã có thông tin tham khảo, khuyến cáo về các giải pháp phòng chống dịch bệnh này tại Trung Quốc.

Tỉnh Bắc Kạn đang nghiên cứu đóng cửa chợ trâu bò Nghiên Loan (huyện Pắc Nặm) vì lo ngại bệnh VDNC lây lan ra diện rộng. Ảnh: TL.

Tỉnh Bắc Kạn đang nghiên cứu đóng cửa chợ trâu bò Nghiên Loan (huyện Pắc Nặm) vì lo ngại bệnh VDNC lây lan ra diện rộng. Ảnh: TL.

Khoanh vùng điểm dịch, vùng dịch và vùng nguy cơ

Điểm dịch: Đối với trại, hộ chăn nuôi quy mô lớn, tương đối độc lập thì điểm dịch là trại, hộ nuôi có bò bị bệnh; đối với bò được chăn nuôi nhỏ lẻ thì điểm dịch là thôn có bò bị bệnh. Đối với bò nuôi theo kiểu chăn thả thì điểm dịch chính là khu vực chăn thả có bò bị bệnh.

Trong quá trình vận chuyển xảy ra dịch bệnh, điểm dịch là các phương tiện vận chuyển bò bị bệnh như xe cộ, tàu thuyền, máy bay… Đối với dịch bệnh xảy ra ở chợ thì điểm dịch là chợ có bò bị nhiễm bệnh; trong quá trình giết mổ chế biến xảy ra dịch bệnh thì điểm dịch là khu vực giết mổ và chế biến.

Vùng dịch: Là khu vực mở rộng 3 km tính từ rìa điểm dịch. Đối với dịch bệnh xảy ra trong quá trình vận chuyển, có thể tiến hành điều tra dịch tễ học và đánh giá rủi ro không phát tán, không cần khoanh vùng dịch.

Vùng nguy cơ: Là khu vực mở rộng 10 km tính từ rìa điểm dịch. Đối với dịch bệnh xảy ra trong quá trình vận chuyển, có thể tiến hành điều tra dịch tễ học và đánh giá rủi ro không phát tán, không cần khoanh vùng dịch.

Khi khoanh vùng dịch, vùng có nguy cơ, nên căn cứ vào các đặc điểm tự nhiên của khu vực (sông suối, núi rừng…), yếu tố có liên quan đến con người (đường sá, rào chắn…), nơi cư trú của động vật hoang dã, các yếu tố phân bố trung gian khác, cùng với đó là kết quả điều tra truy tìm dịch bệnh và khoanh vùng sau khi đánh giá tổng hợp.

Xử lý ổ dịch

Phong tỏa: Khi cần thiết, cơ quan thú y cấp huyện trở lên nơi xảy ra dịch bệnh cần thông báo cho chính quyền, nhân dân địa phương để tiến hành phong tỏa vùng dịch. Khi dịch bệnh lan ra ngoài khu vực hành chính thì khu vực hành chính liên quan và chính quyền nhân dân cấp huyện sẽ tiến hành phong tỏa vùng dịch, hoặc sẽ do chính quyền nhân dân cấp tỉnh của các khu vực hành chính liên quan tiến hành phong tỏa vùng dịch. Chính quyền nhân dân cấp tỉnh có thể giao trách nhiệm phong tỏa vùng dịch cho chính quyền nhân dân cấp huyện.

Tiến hành giết và tiêu hủy đối với tất cả số bò bị phát bệnh và dương tính trong phạm vi điểm dịch; tiêu hủy đối với tất cả bò bị chết do bệnh, bò bị giết và các sản phẩm có liên quan đến thịt bò. Đối với bò nuôi chung có các triệu chứng dương tính cần tiến hành nuôi cách ly, áp dụng các biện pháp phòng ngừa côn trùng hút máu, đồng thời khuyến khích xuất chuồng giết mổ sớm.

Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa côn trùng hút máu, tiêu diệt côn trùng hút máu, vệ sinh môi trường trong và ngoài trại, hộ bị bệnh.

Tiến hành xử lý đối với chất thải của bò, thức ăn hoặc chất độn chuồng bị nhiễm bệnh hoặc có khả năng nhiễm bệnh.

Khử trùng tiêu độc nghiêm ngặt đối với vật phẩm, phương tiện giao thông, khu vực để dụng cụ, nền chuồng… người, xe cộ và các thiết bị liên quan ra vào trại cần phải được tiến hành khử trùng theo quy định.

Các chợ trâu bò ở miền núi phía Bắc sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh rất nguy hiểm. Ảnh: TL.

Các chợ trâu bò ở miền núi phía Bắc sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh rất nguy hiểm. Ảnh: TL.

Các biện pháp đối với vùng dịch: Nghiêm cấm vận chuyển bò ra vào vùng dịch, đồng thời cấm tất cả các sản phẩm như da bò, tinh dịch chưa qua kiểm nghiệm đạt được xuất ra bên ngoài.

Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa côn trùng hút máu, tiêu diệt côn trùng và ấu trùng hút máu ở trại nuôi, vệ sinh môi trường.

Tiến hành giám sát, kiểm tra, rà soát và đánh giá rủi ro lây nhiễm đối với trại nuôi bò, nơi chăn thả, chợ mua bán, lò giết mổ, kịp thời nắm vững tình hình dịch bệnh. Đối với những trường hợp bò phát hiện dương tính phải tiến hành tiêu hủy và xử lý, và tiến hành cách ly, theo dõi đối với bò nuôi chung.

Tiến hành phong tỏa đối với vùng dịch, dựng các biển báo xung quanh vùng dịch, lập trạm kiểm dịch tạm thời tại các vị trí giao thông ra vào vùng dịch và thực hiện các nhiệm vụ giám sát, kiểm tra.

Các biện pháp đối với vùng nguy cơ

Nghiêm cấm vận chuyển bò ra vào vùng dịch, đồng thời cấm tất cả các sản phẩm như da bò, tinh dịch chưa qua kiểm dịch để vận chuyển ra bên ngoài.

Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa côn trùng hút máu, tiêu diệt côn trùng và ấu trùng hút máu ở trại nuôi, vệ sinh môi trường sống.

Tiến hành giám sát, kiểm tra, rà soát và đánh giá rủi ro lây nhiễm đối với trại nuôi bò, nơi chăn thả, chợ mua bán, lò giết mổ, kịp thời nắm vững tình hình dịch bệnh.

Tiêm phòng khẩn cấp

Đối với huyện có dịch bệnh và các huyện lân cận có thể sử dụng vắc xin bệnh Đậu dê đã được cơ quan nhà nước cấp đăng ký lưu hành (liều gấp 5 lần)đ ể tạo miễn dịch khẩn cấp cho toàn bộ đàn bò.

Các biện pháp khác bao gồm: Giám sát, quản lý kiểm dịch; điều tra ổ dịch; kiểm soát vận chuyển; tuyên truyền...

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sóc Trăng ‘vướng’ phân định ranh giới quản lý khu vực biển

Việc phân định ranh giới quản lý khu vực biển đang ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vật liệu cát phục vụ thi công cao tốc của Sóc Trăng.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.