Ngày 4/11, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị cùng một số địa phương phía Bắc nhằm triển khai công tác ứng phó, phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, bệnh VDNC hiện đã phát sinh gây bệnh tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, không loại trừ khả năng đã lây lan ra các địa phương khác nhưng chưa được phát hiện.
Bên cạnh đó, bệnh cũng đã bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực, nhất là đã phát hiện nhiều ổ dịch tại Trung Quốc, giáp với Việt Nam nên nguy cơ lây lan tại nước ta là rất nguy hiểm...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các địa phương có đàn trâu, bò lớn, cần triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống bệnh VDNC trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh mùa đông 2020-2021 đang đến, nền nhiệt độ, độ ẩm rất thuận lợi cho virus gây bệnh VDNC có điều kiện phát triển, tồn tại và lây lan rộng.
Mặc dù vậy, đây là bệnh không lây sang người, đã có vacxin phòng bệnh, và có thể có các biện pháp để phòng bệnh, thanh toán bệnh. Vì vậy, bên cạnh việc không được chủ quan, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, người dân không nên hoang mang với bệnh VDNC, nhằm đảm bảo phát triển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trâu, bò...
Bên cạnh đó, người chăn nuôi không được bán chui, bán chạy, giết mổ, tiêu thụ trâu bò có biểu hiện bị mắc bệnh, báo ngay cho cơ quan chức năng và ngành thú y tại các địa phương để có biện pháp xử lí...
Theo Cục Thú y, từ giữa tháng 10/2020 đến nay, bệnh VDNC đã xảy ra tại 13 xã thuộc 3 huyện của các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, với tổng số gia súc mắc bệnh là 232 con, số chết (do chủ gia súc báo) là 19 con.
Tại tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 3/11/2020, bệnh VDNC xuất hiện tại 5 xã (Quyết Thắng, Yên Bình, Hòa Bình, Yên Vượng và Yên Thịnh) của huyện Hữu Lũng, với tổng cộng 68 con bò mắc bệnh, trong đó có 6 con chết.
Tại tỉnh Cao Bằng, tính đến ngày 3/11/2020, bệnh VDNC xuất hiện tại 8 xã thuộc 2 huyện (Hạ Lang và Hòa An) của tỉnh Cao Bằng. Tổng số 164 con bò mắc bệnh, trong đó có 13 con chết.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm nhiều gia súc của nhiều hộ chăn nuôi tại các huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), Hạ Lang và Hòa An (Cao Bằng) cho thấy, khả năng dịch bệnh VDNC đã xuất hiện và lây lan ở nhiều địa phương thuộc địa bàn các huyện Hữu Lũng, Hạ Lang và Hòa An, không loại trừ có khả năng dịch bệnh cũng có thể đã xuất hiện ở các địa phương khác nhưng chưa được phát hiện. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Theo Cục Thú y, đến nay, Cục Thú y đã có nhiều phòng thí nghiệm thực hiện tốt việc xét nghiệm bệnh VDNC bằng kỹ thuật Real-time PCR, PCR thường (là các kỹ thuật hiện đại nhất và được nhiều nước trên thế giới đang sử dụng).
Cục Thú y cũng đã ban hành Tiêu chuẩn cơ sở xét nghiệm phát hiện virus gây bệnh VDNC ở trâu bò trên mẫu sinh phẩm từ trâu, bò để thống nhất áp dụng tại tất cả 8 phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y (bao gồm: Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, 7 Chi cục Thú y vùng).
Hiện Cục Thú y đã chỉ đạo các phòng thí nghiệm thuộc Cục chuẩn bị đầy đủ các nguyên vật liệu để xét nghiệm bệnh VDNC. Bên cạnh đó, đã và đang tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vacxin phòng bệnh VDNC; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vacxin.
Theo Cục Thú y, hiện nay, trên thế giới có khoảng 10 loại vacxin phòng bệnh VDNC của các nhà sản xuất tại các nước Nam Phi, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên bang Nga, Kenya, Ethiopia…
Ngoài ra, còn nhiều loại vacxin phòng bệnh đậu dê, đậu cừu của các nhà sản xuất tại nhiều nước (bao gồm: Việt Nam, Jordan, Ấn Độ….) có thể sử dụng để phòng bệnh vì chủng virus gây bệnh VDNC cùng họ với vi rút gây bệnh đậu dê, có mức tương đồng kháng nguyên và gien di truyền trên 95%; các tổ chức quốc tế như FAO, OIE và các nước (như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Jordan, và nhiều nước khác) cũng đã sử dụng vacxin đậu dê để tiêm (với liều cao gấp 5-10 lần) cho đàn gia súc và có hiệu quả phòng được bệnh VDNC.
Trong khi chờ có vacxin VDNC, Cục Thú y sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thí điểm sử dụng vacxin phòng bệnh đậu dê để tiêm phòng cho đàn gia súc tại các xã đã có dịch.
Lý do, chủng virus gây bệnh VDNC cùng họ với virus gây bệnh đậu dê, có mức tương đồng kháng nguyên và gien di truyền trên 95%; các tổ chức quốc tế như FAO, OIE và các nước (như Trung Quốc, Đài Loan và nhiều nước khác) cũng đã sử dụng vacxin đậu dê để tiêm (với liều cao gấp 5-10 lần) cho đàn gia súc nhằm phòng bệnh VDNC.
Thời gian tới, Cục Thú y sẽ tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm dịch tễ, đặc điểm virus, nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng bệnh VDNC.
Cục Thú y khuyến cáo các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC chính bao gồm: Chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh, tiêm phòng cho trâu, bò, vệ sinh, tiêu độc khử trùng và tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ruỗi, muỗi, côn trùng hút máu…) tại khu vực chuồng nuôi...