| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận 'mắc kẹt' trong khô hạn theo các dự án hồ chứa lớn

Thứ Năm 04/04/2024 , 08:46 (GMT+7)

Hai dự án hồ chứa lớn là Ka Pét và La Ngà 3 đang vướng các thủ tục pháp lý để đầu tư, nên nhiều năm qua Bình Thuận vẫn 'mắc kẹt' trong khô hạn.

Hồ chứa nước Tà Mon ở huyện Hàm Thuận Nam trơ đáy. Ảnh: KS.

Hồ chứa nước Tà Mon ở huyện Hàm Thuận Nam trơ đáy. Ảnh: KS.

Lại xảy ra hạn hán

Từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của El Nino, tỉnh Bình Thuận xảy ra nắng nóng kéo dài, khô hanh, độ ẩm thấp, lượng bốc hơi nhanh đã làm giảm đáng kể nước trong hồ. Một số hồ chứa quy mô nhỏ như: Tân Lập, Tà Mon, Tân Hà, lâm trường Sông Dinh, Sông Khán, Trà Tân với khả năng tích trữ nguồn nước không nhiều đã và đang cạn kiệt.

Một số công trình cấp nước như: Hàm Đức, Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc); Long Hải, Ngũ Phụng (Phú Quý); Đức Bình (Tánh Linh)... được đầu tư đã lâu (từ năm 2004), công suất nhỏ, khai thác nguồn nước ngầm, nước từ các dòng suối nhỏ nên không đảm bảo nguồn nước thô cung cấp cho hoạt động nhà máy vào mùa khô.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, đến nay, toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết với khoảng 26.872 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Cùng với đó, 961 ha cây trồng vụ đông xuân năm 2023-2024 tại các huyện Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Thuận Nam thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất.

Hiện nhiều diện tích thanh long ở Bình Thuận bị thiếu nước tưới. Ảnh: KS.

Hiện nhiều diện tích thanh long ở Bình Thuận bị thiếu nước tưới. Ảnh: KS.

Hồ Tà Mon, xã Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam) hiện đã trơ đáy khoảng 1 tháng nay, người dân chỉ biết trông chờ trời mưa để giải cơn hạn.

Ông Khổng Minh Tiến, người dân ở thôn Tà Mon cho biết, năm nay tình hình hạn hán, thiếu nước tưới trên địa bàn diễn ra trầm trọng. Từ tháng 10 đến nay, trời chẳng có mưa nên hàng trăm ha thanh long có nguy cơ thiệt hại. Để duy trì sự sống cho vườn thanh long, bà con nơi đây tận dụng nguồn nước giếng khoan bơm lên các ao, hồ đã đào sẵn để tích nước tưới cầm chừng. Tuy nhiên hiện nguồn nước giếng khoan cũng đang dần cạn kiệt. Bà con bơm nước giếng trong thời gian ngắn là phải tạm dừng.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, những năm gần đây, mỗi lần El Nino xuất hiện đều gây ra hạn hán, thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất tại địa phương. Điển hình vào năm 2024, toàn tỉnh có hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt tập trung tại các địa phương: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, La Gi. Vụ đông xuân năm 2013-2014 và vụ hè thu năm 2014, toàn tỉnh phải cắt giảm hoặc ngừng sản xuất 17.659 ha cây trồng do thiếu hụt nguồn nước.

Cuối tháng 2 vừa qua, Trạm bơm Võ Xu, huyện Đức Linh thiếu hụt nước tưới. Ảnh: KS.

Cuối tháng 2 vừa qua, Trạm bơm Võ Xu, huyện Đức Linh thiếu hụt nước tưới. Ảnh: KS.

Năm 2016, toàn tỉnh có hơn 112.000 nhân khẩu tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân và TP Phan Thiết thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đối với nước sản xuất, tỉnh phải cắt giảm, không bố trí sản xuất hơn 12.100 ha cây trồng do thiếu hụt nguồn nước; có gần 3.900 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán.

Còn năm 2019, Bình Thuận có khoảng 4.900 hộ thiếu nước sinh hoạt cục bộ; 600 ha cây lâu năm và 380 ha lúa bị thiếu hụt nguồn nước, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Công trình thủy lợi chỉ đáp ứng 20% diện tích sản xuất nông nghiệp

Cùng với tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận là địa phương nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước. Thực tế từ năm 2016 đến nay, mùa mưa chỉ tập trung nhiều vào 3 tháng (7, 8, 9).

Trong khi đó, các công trình trữ nước vào mùa mưa phục vụ sinh hoạt và sản xuất các tháng mùa khô còn thiếu, không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhiều dự án hồ chứa nước lớn đã nằm trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

Hiện nay tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp của Bình Thuận được công trình thủy lợi phục vụ cấp nước rất thấp. Ảnh: KS.

Hiện nay tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp của Bình Thuận được công trình thủy lợi phục vụ cấp nước rất thấp. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Hữu Phước lấy số liệu dẫn chứng: Toàn tỉnh Bình Thuận có 40 hồ chứa thủy lợi các loại nhưng tổng dung tích trữ theo thiết kế chỉ đạt hơn 362 triệu m3. Trong khi đó, tổng nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác hàng năm của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 1,34 tỷ m3/năm, thiếu hụt rất lớn.

Hiện diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ động nước từ công trình thủy lợi rất thấp, chỉ khoảng 20%, nên hiệu quả sử dụng đất còn thấp. Bên cạnh đó, hầu hết hệ thống kênh mương thủy lợi là kênh đất, chưa được đầu tư kiên cố hóa, gây thất thoát lượng nước trong quá trình khai thác vận hành công trình. 

Tại khu vực đồng bằng sông La Ngà, nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp chủ yếu sử dụng nguồn nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du của thủy điện Hàm Thuận. Tuy nhiên đến nay tại vùng đồng bằng sông La Ngà chưa đầu tư các hồ chứa thủy lợi để tích trữ nguồn nước này.

Phải đẩy nhanh tiến độ các dự án hồ chứa lớn để chống hạn

Để chủ động ứng phó với khô hạn, Bình Thuận cần phải có thêm các hồ chứa nước lớn tích trữ nguồn nước. Chính vì vậy, giai đoạn 2021-2025, Trung ương hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Bình Thuận đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam với dung tích 51 triệu m3. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án chậm trễ.

Mô hình công trình đầu mối hồ La ngà 3. Ảnh: Kim Sơ.

Mô hình công trình đầu mối hồ La ngà 3. Ảnh: Kim Sơ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Phước cho hay, kết quả khảo sát địa chất cho thấy, vị trí dự kiến bố trí tuyến đập chính nằm trên tầng địa chất yếu. Đó là đới đá phong hoá vừa xen lẫn phong hóa mạnh, ảnh hưởng đến độ an toàn của tuyến đập. Vì vậy chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, các chuyên gia cần có thời gian để nghiên cứu, xem xét xử lý lớp địa chất này đảm bảo về mặt kỹ thuật và kinh tế. Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng, lập phương án trồng rừng thay thế; cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiếm rất nhiều thời gian.

Do đó đến nay chưa hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt làm cơ sở pháp lý triển khai các công việc tiếp theo. Khối lượng công việc còn rất nhiều nên chủ đầu tư cần phải chủ động tích cực hơn nữa.

Để giải quyết hạn hán, thiếu nước tưới ở khu vực phía Nam, việc đầu tư hồ La Ngà 3 với dung tích hơn 400 triệu m3 là rất quan trọng nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Bộ NN-PTNT đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng thủy lợi 7 lập dự án tiền khả thi. Sau đó, Ban 7 đã trình Bộ NN-PTNT từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa được thẩm định cũng như đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Lý do vướng mắc liên quan đến thủy điện nhỏ La Ngâu nằm trong lòng hồ La Ngà 3 chưa được đưa ra khỏi Quy hoạch Điện lực quốc gia và chủ đầu tư thủy điện này chưa đồng thuận, nên khó khăn cho việc triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Trước tình hình trên, để tạo điều kiện giúp tỉnh Bình Thuận triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét giai đoạn 2021-2025, La Ngà 3 ở giai đoạn 2025-2030 cũng như các hồ chứa thủy lợi khác trong danh mục đầu tư tại Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ chống hạn lâu dài, tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh do địa phương báo cáo, đề xuất, kiến nghị. 

Xem thêm
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước sau đó bầu Chủ tịch nước

Công tác nhân sự sẽ được Quốc hội khóa XV thực hiện từ 20-22/5, trong đó chức danh Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu trước, sau đó là chức danh Chủ tịch nước.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.