| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT đề xuất cơ chế phối hợp đặc thù với Ngân hàng Thế giới

Thứ Hai 16/09/2024 , 14:20 (GMT+7)

Ngày 16/9, tại Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tiếp và làm việc với tân Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Mariam Sherman.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp đoàn Ngân hàng Thế giới ngày 16/9 tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp đoàn Ngân hàng Thế giới ngày 16/9 tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Buổi làm việc đánh dấu lần đầu tiên bà Sherman đến thăm Bộ NN-PTNT, thể hiện cam kết mạnh mẽ của bà trong việc hợp tác, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các ưu tiên về phát triển nông nghiệp bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chào mừng bà Mariam Sherman trong vai trò mới và bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với WB. Ông cũng chia sẻ về những khó khăn hiện tại mà Việt Nam đang đối mặt, đặc biệt là sự chồng chéo trong các quy định và luật pháp, như Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công, đã gây cản trở cho quá trình tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Người đứng đầu ngành NN-PTNT kỳ vọng rằng, với nhiệm kỳ mới của bà Sherman, Ngân hàng Thế giới sẽ tổ chức thêm các sự kiện, hội thảo để nâng cao năng lực tổ chức các dự án quốc tế cho Việt Nam một cách đồng bộ. Cùng với đó, trở thành cầu nối giữa các Bộ, ngành, để các cơ quan nhà nước phối hợp thống nhất.

Giám đốc Sherman ghi nhận đề xuất của Bộ NN-PTNT và đồng ý sẽ nghiên cứu cơ chế phù hợp để làm việc với Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế một cách hiệu quả.

Bà Sherman cũng bày tỏ chia buồn vì tác động nặng nề của cơn bão Yagi đối với Việt Nam. Bà nói: “Thiên tai đi qua đã để lại hậu quả to lớn. Chúng tôi nhận ra sự cần thiết để hỗ trợ Việt Nam nâng cao khả năng chống chịu của hạ tầng trước biến đổi khí hậu và giúp nông dân Việt Nam chuyển đổi sinh kế sang các mô hình nông nghiệp sinh thái, phù hợp với đặc thù khí hậu mỗi vùng miền”.

Tân Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết đồng hành cùng dự án phát triển do Bộ NN-PTNT triển khai. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tân Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết đồng hành cùng dự án phát triển do Bộ NN-PTNT triển khai. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhất trí và nhấn mạnh cần có những tác động kinh tế rõ ràng tại các khu vực dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, như miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, và ĐBSCL. Ông cũng đề xuất việc thể chế hóa hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy các dự án trong tương lai.

Điển hình, dự án Chống chịu Khí hậu tổng hợp và Sinh kế bền vững (WB9) sau 8 năm thực hiện đã mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 1,8 triệu nông dân vùng ĐBSCL, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sinh kế và cải thiện các hoạt động canh tác theo hướng các mô hình chống chịu khí hậu tốt hơn trên diện tích hơn 200.000 ha.

Cùng với đó, dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là điểm sáng trong khu vực về đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cho các ngành hàng lúa gạo và cà phê. Dự án tạo nền móng vững chắc để WB tiếp tục hỗ trợ Bộ NN-PTNT thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Cập nhật cho bà Mariam Sherman về tiến độ thực hiện Đề án, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: “Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc vay vốn từ WB do chưa có cơ chế vay vốn đặc thù, nhưng những kết quả ban đầu của các mô hình thí điểm trong khuôn khổ đề án đã vượt ngoài mong đợi của Bộ”. 

Bộ trưởng cũng chia sẻ rằng, gần đây, WB đã đề xuất cơ chế chi trả dựa trên kết quả (PforR) cho Đề án 1 triệu ha. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã làm việc với các Bộ, ngành để thảo luận về khả năng xây dựng cơ chế chi trả riêng biệt cho Đề án 1 triệu ha. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất Ngân hàng Thế giới có cơ chế hợp tác đặc thù với Chính phủ Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất Ngân hàng Thế giới có cơ chế hợp tác đặc thù với Chính phủ Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông khẳng định, PforR là một cơ chế được nhiều bên đồng thuận và đánh giá cao về tính khả thi. Đối với cơ chế vay vốn giữa các địa phương, Bộ trưởng cho biết, 12 tỉnh trong dự án sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận nguồn vốn.

Đáp lời Bộ trưởng, Giám đốc Ngân hàng Thế giới đánh giá cao sự chủ động của Bộ NN-PTNT và chúc mừng 6 tỉnh Bắc Trung bộ tham gia Chương trình Giảm phát thải (ERP), với thành tích ấn tượng là tạo ra 16,2 triệu đơn vị giảm phát thải (ER) trong giai đoạn báo cáo đầu tiên từ năm 2018 - 2019. 

Toàn bộ số tiền 51,5 triệu USD đã được WB giải ngân cho Bộ NN-PTNT vào tháng 3/2024. Hiện nay, số tiền này đang được giải ngân cho gần 70.000 người thụ hưởng và hỗ trợ các hoạt động sinh kế của cộng đồng địa phương theo kế hoạch chia sẻ lợi ích.

Trao đổi thêm với Ngân hàng Thế giới, ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến thời điểm hiện tại, Quỹ phát triển rừng đã tiếp nhận nguồn tiền từ WB và Việt Nam đã hoàn thành việc chi trả 77% số tiền này. Dự kiến trong năm 2024, việc chi trả sẽ được hoàn tất. Hiện vẫn còn khoản dư là 5,9 triệu tấn CO2, và WB đã đề xuất các phương án xử lý. Bộ NN-PTNT đã báo cáo vấn đề này với Chính phủ, và dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thiện hồ sơ để cập nhật thông tin đầy đủ.

Ông Nam bày tỏ mong muốn WB tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho các dự án phát triển rừng bền vững tại những địa phương đang phải đối mặt với rủi ro thiên tai, nhằm giúp các địa phương này thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Bàn về ý tưởng dự án tiềm năng về an ninh nguồn nước và hiện đại hóa thủy lợi, Bộ NN-PTNT ưu tiên các công trình hạ tầng ngành nước phục vụ đa mục tiêu, phạm vi tác động lớn. Cụ thể, Bộ mong muốn WB hỗ trợ xây dựng các hồ thủy lợi lớn, công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân sinh sống tại vùng khó khăn, vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, công trình cấp nước sinh hoạt liên vùng…

Xem thêm
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cần giải quyết sớm việc xen ghép, ổn định dân cư

Ngày 18/9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Tuyên Quang về khảo sát và đề xuất bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3.

Các doanh nghiệp cam kết không tăng giá bán giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ tối đa khôi phục sản xuất

Tất cả các doanh nghiệp đều cam kết không tăng giá bán giống, các loại vật tư nông nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng bà con khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bình Định kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm

Bình Định đang chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão số 4. Tỉnh kêu gọi tàu thuyền về nơi an toàn để tránh trú…

Bình luận mới nhất