| Hotline: 0983.970.780

Cần cơ chế đặc thù về nguồn vốn cho Đề án 1 triệu ha lúa

Thứ Sáu 23/08/2024 , 10:59 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT làm việc với bộ, ngành về sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới theo cơ chế đặc thù cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL.

Bộ NN-PTNT làm việc với các bộ, ngành về sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới theo cơ chế đặc thù cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ NN-PTNT làm việc với các bộ, ngành về sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới theo cơ chế đặc thù cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, sáng 23/8, Bộ NN-PTNT làm việc với các bộ, ngành liên quan về vấn đề sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) theo cơ chế đặc thù để phục vụ Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án).

Cụ thể, việc sử dụng vốn của WB theo cơ chế đặc thù sẽ áp dụng cho Dự án "Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL” (Dự án).

Buổi làm việc do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ như Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Kế hoạch, Vụ Pháp chế, Cục Trồng trọt, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp… Về phía các bộ, ngành có lãnh đạo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đây là dịp để các bên có liên quan đến Đề án làm việc nhóm với nhau, qua đó cùng lắng nghe, chia sẻ và đưa ra các giải pháp để kiến tạo Đề án mang hình ảnh của đất nước.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, mục tiêu của buổi làm việc là làm rõ một số vấn đề để sớm hoàn thiện tờ trình về vấn đề này để gửi Chính phủ.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Các bên cần làm việc để xác định rõ thế nào là đặc thù, khi áp dụng cơ chế đặc thù đó thì sẽ vướng mắc ở đâu so với cơ chế hiện hành, từ đó mới đưa ra được giải pháp”.

Theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu của Đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Triển khai tại 12 địa phương vùng ĐBSCL, dự kiến Đề án sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2024 - 2025 với nhiệm vụ cụ thể là củng cố 180 ngàn ha của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).

Giai đoạn 2, từ 2025 - 2030, mở rộng thêm 820 ngàn ha với việc tập trung vào đầu tư cho những vùng diện tích mới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV.

Về tài chính, dự kiến đến năm 2030, Đề án sẽ cần nguồn lực khoảng 3 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay nước ngoài. Trong đó, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng tham gia với nguồn vốn dự kiến khoảng 330 triệu USD.

Liên quan vấn đề này, Bộ NN-PTNT đánh giá cần có cơ chế đặc thù để khơi thông nguồn vốn vay nước ngoài, kịp tiến độ triển khai Đề án. Ngoài việc đảm bảo tiến độ, việc áp dụng cơ chế đặc thù còn đảm bảo được tính đồng bộ, hỗ trợ tốt cho mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, phù hợp với yêu cầu của đối tác.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển Đề án, ý tưởng về Dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL” đã ra đời vào tháng 3/2024 vừa qua. Trong đó, Bộ NN-PTNT thống nhất tập trung đầu tư 4 nội dung chính gồm hạ tầng thủy lợi; hạ tầng giao thông gắn với thủy lợi; hạ tầng logistics và hỗ trợ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất.

Để thực hiện hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, cần có sự đầu tư về kỹ thuật, hạ tầng. Ảnh: Tùng Đinh.

Để thực hiện hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, cần có sự đầu tư về kỹ thuật, hạ tầng. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT), nhà tài trợ dự kiến của Dự án là Ngân hàng Thế giới và thời gian thực hiện sẽ kéo dài trong 6 năm, từ 2026 - 2031.

"Mục tiêu chung của Dự án là đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trong sản xuất lúa nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ.

Về việc lựa chọn Ngân hàng Thế giới làm đối tác cho Dự án, ông Tuấn cho biết, lý do đây là đối tác chiến lược, đã đồng hành cùng Bộ NN-PTNT trong xây dựng và triển khai Đề án, cùng với kinh nghiệm triển khai thành công Dự án VnSAT trước đây.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới có thể hỗ trợ tiếp cận các tổ chức hỗ trợ tài chính cho giảm phát thải và thị trường tín chỉ carbon chất lượng cao cho lúa gạo, trước mắt là nguồn vốn của TCAF trị giá 40 triệu USD, kèm theo khoản viện trợ không hoàn lại 4 triệu USD.

Có thể thấy, nếu Dự án này được triển khai, sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng và kỹ thuật trên diện tích vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. Từ đó đem lại những hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường cho các địa phương tham gia Đề án.

Cụ thể, hiệu quả kinh tế sẽ có được từ giảm chi phí đầu vào, hiệu quả xã hội là cải thiện thu nhập, sinh kế cho 1 triệu hộ nông dân ở ĐBSCL cũng như nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về hiệu quả môi trường, Đề án sẽ giảm sử dụng nước, giống, phân, thuốc, phát thải, qua đó góp phần thực hiện cam kết giảm 30% phát thải vào năm 2030 và net zero vào năm 2050.

Từ những vấn đề trên, Bộ NN-PTNT đề xuất các bộ, ngành và địa phương ủng hộ Dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới theo cơ chế đặc thù. Cụ thể hơn, Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ hướng dẫn quy trình, thủ tục đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án sử dụng vốn vay nước ngoài để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua.

Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành liên quan đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Đề án phát triển lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Về chuyên môn, đại diện các cơ quan đã đưa ra một số vấn đề để cùng thảo luận, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cũng như điều chỉnh các nội dung đầu tư để phù hợp, thuận lợi hơn.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.