| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp 9 tháng đầu năm có nhiều ‘dấu cộng’

Thứ Tư 09/10/2024 , 18:11 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, ‘dấu cộng’ chiếm gần hết chỉ tiêu của ngành nông nghiệp, thể hiện ở sự tăng trưởng của ngành trong bối cảnh khó khăn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT. Ảnh: Thanh Thủy.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT. Ảnh: Thanh Thủy.

Khẳng định xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 sẽ đạt trên 60 tỷ USD

Báo cáo tại cuộc họp với lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT chiều 9/10 do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phát triển ổn định trong bối cảnh có nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Tổng tăng trưởng của ngành đạt 3,2%, tuy là mức thấp nhất từ năm 2021 đến nay, nhưng vẫn thể hiện sự nỗ lực lớn của các lĩnh vực.

Về nông nghiệp, sản lượng lúa đã tăng nhẹ cả về diện tích và năng suất, đạt 34 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Cây ăn quả cũng có sự tăng trưởng đáng kể, trong khi một số cây trồng như ngô và đậu tương lại giảm. Sản lượng cà phê, cao su và chè có xu hướng tăng, trong khi điều có mức giảm nhẹ.

Ngành chăn nuôi cũng có dấu hiệu tích cực, với sản lượng sữa tăng cao ở mức 5,6% và gia cầm tăng tích cực 3,4%. Tuy nhiên, tổng đàn lợn giảm nhẹ do dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi. Về thủy sản, sản lượng khai thác tăng 0,7%, trong khi nuôi trồng tăng 3,7%, dự kiến cả năm sẽ đạt 9,12 triệu tấn.

Ngành lâm nghiệp cũng đạt kết quả khả quan với tỷ lệ tăng trưởng đạt 4,96%, trong đó diện tích rừng thiệt hại giảm 12%. Hoạt động khai thác gỗ tăng 7%, đóng góp gần 2.300 tỷ đồng vào dịch vụ môi trường rừng.

Xuất khẩu nông sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%, với nhiều mặt hàng như thủy sản, rau quả và cà phê đều có mức tăng cao, xuất siêu đạt 13,86 tỷ USD, dự kiến cả năm có thể đạt trên 60 tỷ USD.

Ngành đang tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm cho quý cuối năm 2024, bao gồm phục hồi sản xuất sau bão và xây dựng kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 2026-2030. Ảnh: VGP.

Ngành đang tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm cho quý cuối năm 2024, bao gồm phục hồi sản xuất sau bão và xây dựng kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 2026-2030. Ảnh: VGP.

Vụ Kế hoạch cũng đề cập đến một số thách thức lớn trong năm 2024, bao gồm thiệt hại do bão số 3 và vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản. Ở mặt khác, Bộ NN-PTNT đã đạt được tiến bộ trong giải ngân đầu tư công, nhưng vẫn cần tháo gỡ các vấn đề pháp lý để đảm bảo các dự án phát triển hạ tầng được triển khai đúng tiến độ.

Theo ông Việt, ngành đang tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm cho quý cuối năm 2024, bao gồm phục hồi sản xuất sau bão và xây dựng kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 2026-2030. Mục tiêu là duy trì tăng trưởng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh lương thực cho người dân.

Nhấn mạnh tư duy cộng đồng trong ứng phó thiên tai

Sau khi nghe báo cáo của các lĩnh vực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, "dấu cộng" chiếm gần hết chỉ tiêu của ngành nông nghiệp, thể hiện ở sự tăng trưởng tích cực của ngành trong bối cảnh khó khăn của thiên tai, dịch bệnh…

Bên cạnh đó, có một số "dấu trừ tích cực" như đối với một số mặt hàng, sản lượng xuất khẩu giảm nhưng có giá trị tăng, Bộ trưởng cho rằng đây là minh chứng thể hiện cho hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp, chuyển từ coi trọng số lượng sang chất lượng.

Đối với những thiệt hại do bão số 3 để lại, Bộ trưởng vẫn trăn trở về những giải pháp giúp bà con phục hồi sản xuất. Ảnh: Thanh Thủy.

Đối với những thiệt hại do bão số 3 để lại, Bộ trưởng vẫn trăn trở về những giải pháp giúp bà con phục hồi sản xuất. Ảnh: Thanh Thủy.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh sự chuyển biến tích cực hay chưa tích cực cũng đều rất quan trọng để ngành nông nghiệp định hình, giải mã những "dấu cộng", "dấu trừ" cho những bước đi tiếp theo trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị về nội dung 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ĐBSCL; hội nghị phục hồi sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững ở các lĩnh vực trồng trọt, thú y, thủy sản…; đề án về sụt lún, sạt lở, hạn mặn ĐBSCL, giải pháp kỹ thuật cho nước sạch cho ĐBSCL và chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới ở những vùng bị chia cắt.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị "xới xáo" lại câu chuyện bảo hiểm nông nghiệp, giao cho Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nghiên cứu và báo cáo. Bộ trưởng cho rằng cần xây dựng chuẩn hóa quy trình sản xuất, canh tác, chăn nuôi… từ đó, giúp xác định rõ ràng thiệt hại đến từ rủi ro thiên tai, dịch bệnh hay do người nông dân không thực hiện theo đúng quy trình để triển khai bảo hiểm đúng và trúng.

Việc xây dựng quy trình chuẩn cũng giúp tránh mù mờ trong chỉ đạo và triển khai các kế hoạch, đề án như đề án 1 triệu ha lúa một các hiệu quả.

Bộ NN-PTNT dự kiến thành lập nhóm công tác để xử lý những kiến nghị của Đại sứ EU, liên quan tới Cục Bảo vệ thực vật và Cục thú y, Bộ trưởng nhấn mạnh “đã đến lúc để xem xét hết sức nghiêm túc” về đáp ứng các quy định của EU.

Đối với những thiệt hại do bão số 3 để lại, Bộ trưởng vẫn trăn trở về những giải pháp giúp bà con phục hồi sản xuất. Bộ trưởng giao Cục trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Thủy sản, Cục Lâm nghiệp hoạch định công tác khôi phục sản xuất cho giai đoạn ngắn hạn và xây dựng kế hoạch dài hạn hướng tới sự bền vững.

Bên cạnh đó, cần xem xét các tiêu chí về hạ tầng, thu nhập của nông dân, đặc biệt tại khu vực miền núi.

“Sau cơn bão số 3, tất cả chúng ta phải tư duy về ngành nông nghiệp. Để chống chịu trước các cú sốc về thiên tai, cần chuẩn bị các giải pháp mới từ hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu, phát triển hạ tầng viễn thám, hạ tầng viễn thông, dự báo, cảnh báo, hệ thống quan quan trắc, quy hoạch phân vùng rủi ro, tập huấn cộng đồng như thế nào…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về tư duy cộng đồng, lấy chỗ dựa từ những giải pháp hữu ích từ tri thức bản địa và tính năng động ở cấp cơ sở.

Xem thêm
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cấp tỉnh không quá 14 Sở

Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 yêu cầu tổng số Sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 Sở, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 Sở.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.