| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm doanh nghiệp sản xuất rong nho lớn nhất Việt Nam

Chủ Nhật 05/02/2023 , 08:34 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để có chỗ đứng trên thị trường, chúng ta phải tạo ra sản phẩm khác biệt, cũng như bao bì quyết định 80% thành công của sản phẩm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân thăm nhà máy sản xuất rong nho biển của Công ty Cổ phẩn Rong Biển DT Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân thăm nhà máy sản xuất rong nho biển của Công ty Cổ phẩn Rong Biển DT Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Tiếp tục chuyến công tác tại khu vực Nam Trung bộ, chiều 4/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đến thăm nhà máy sản xuất rong nho biển của Công ty Cổ phẩn Rong Biển DT Khánh Hòa (gọi tắt DT Group), ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Đây là nhà máy được xây dựng gồm khu chế biến, đóng gói cùng hệ thống bảo quản sản phẩm bài bản. Trong đó, khu chế biến và đóng gói rong nho có diện tích 8.000m2, hiện giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 140 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, Phó Chủ tịch tỉnh Đinh Văn Thiệu và các lãnh đạo Sở NN-PTNT tại khu vực Nam Trung bộ thưởng thức món rong nho tươi, cũng như 2 sản phẩm mới đó là rong biển sấy khô ăn liền và rong nho Sanack vị tôm hùm Okinawa của DT Group vừa nghiên cứu thành công.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thưởng mức sản phẩm rong nho sấy khô của DT Group vừa nghiên cứu thành công. Ảnh: KS.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thưởng mức sản phẩm rong nho sấy khô của DT Group vừa nghiên cứu thành công. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Quang Duy, Tổng Giám đốc DT Group, cho biết, hai sản phẩm chế biến này rất được DT Group kỳ vọng sẽ cạnh tranh sản phẩm rong biển sấy khô từ Thái Lan, cũng như đầy tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản…

Sau khi ăn thử món rong biển sấy khô này, đoàn công tác Bộ NN-PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đều đánh giá sản phẩm ngon và có chất lượng.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để có chỗ đứng trên thị trường, chúng ta phải tạo ra sản phẩm khác biệt, cũng như lưu ý về bao bì quyết định 80% thành công của sản phẩm.

Dẫn đoàn công tác tham quan khu nuôi rong nho, ông Nguyễn Quang Duy giới thiệu: Toàn bộ rong nho sau khi thu hoạch sẽ được chuyển về đây nuôi lại trong các bể xi măng để xử lý, kiểm soát đảm bảo sạch, không có tạp chất.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và đoàn công tác Bộ NN-PTNT thưởng thức rong nho tươi sản xuất tại DT Group. Ảnh: KS.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và đoàn công tác Bộ NN-PTNT thưởng thức rong nho tươi sản xuất tại DT Group. Ảnh: KS.

Đối với vùng biển tỉnh Khánh Hòa có ưu điểm nước sâu, sạch và kín sóng, là môi trường thuận lợi cho nhiều loại rong biển có giá trị cao phát triển. Rong nho khai thác tại đây có chất lượng hơn các vùng khác đó là chùm rong nho đều, không bị thưa trái.

Và, rong nho sau khi nuôi từ 5 - 7 ngày tại đây được sống lại, trao đổi chất, hút dinh dưỡng và nhanh chóng lành vết thương (vì khi hái rong nho hay bị đứt đoạn) trước khi vớt ra đưa vào khu chế biến. Sau đó, rong được phân loại theo quy trình 6 bước để chọn ra cọng rong chuẩn, chất lượng, trước khi đưa vào công đoạn tách nước và đóng gói thành phẩm.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quang Duy, cho hay trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay DT Group đã xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 75ha, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận có diện tích nuôi trồng và sản lượng rong nho Nhật Bản lớn nhất Việt Nam từ năm 2020.

DT Group đã giúp hơn 70 hộ dân nông dân tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận nuôi ốc hương thua lỗ chuyển sang nuôi rong nho biển, mang lại thu nhập ổn định 30 triệu/tháng trên diện tích ao 5.000m2.

Công nhân của DT Group đóng gói sản phẩm rong nho. Ảnh: KS.

Công nhân của DT Group đóng gói sản phẩm rong nho. Ảnh: KS.

Nói về tiềm năng của rong biển, Tổng giám đốc DT Group cho biết thêm, hiện cả nước có diện tích nuôi trồng rong biển trên 10.000 ha, đạt sản lượng trên 101.000 tấn rong tươi/năm. Thế nhưng, người dân chưa hiểu rõ được giá trị của rong biển nên vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của sản vật này.

“Tuy nhiên, DT Group đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ rong biển mang thương hiệu Okinawa. Đặc biệt công nghệ sản xuất sản phẩm rong nho tách nước của DT Group khác biệt trên thị trường, được người tiêu dùng Nhật Bản, Mỹ chấp nhận, tiêu thụ mạnh. Sản phẩm này đã được chứng nhận HACCP, được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đến nay, DT Group đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường và trong năm 2022 đã cán mốc doanh thu 60 tỷ đồng/năm từ rong nho”, ông Duy chia sẻ.

Về tầm nhìn và định hướng 5 năm tới, Tổng Giám đốc DT Group cho hay sẽ tiếp tục đầu tư vào công tác nghiên cứu cải tiến sản phẩm hiện có và phát triển thêm các sản phẩm mới. Các sản phẩm chế biến sẽ gia tăng giá trị đối của các loại rong biển tại Việt Nam nhằm hướng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mang thương hiệu Khánh Hòa -Việt Nam. Bên cạnh đó, DT Group cũng sẽ đưa vào hoạt động thêm nhà máy chế biến rong biển với quy mô 3 ha cùng với máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất rong biển hiện đại. Đồng thời tiếp tục đầu tư vào công tác đào tạo nhân sự nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, cũng như áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào công tác quản lý sản xuất và bán hàng.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.