Doanh thu hàng chục tỷ đồng từ rong nho
DT Group có trụ sở ở xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa) do ông Nguyễn Quang Duy sáng lập, hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu rong nho mang thương hiệu Okinawa.
Sau hơn 10 năm gắn với nghề rong nho, đến nay DT Group đã xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 75ha, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận có diện tích nuôi trồng và sản lượng rong nho Nhật Bản lớn nhất Việt Nam từ năm 2020. Trong số đó có khoảng 80% diện tích được liên kết với hơn 70 hộ dân nông dân tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận nuôi ốc hương thua lỗ chuyển sang nuôi rong nho biển, mang lại thu nhập ổn định 30 triệu/tháng trên diện tích ao 5.000m2.
Bên cạnh vùng nguyên liệu, DT Group cũng đã xây dựng khu chế biến, đóng gói cùng hệ thống bảo quản sản phẩm bài bản. Trong đó, khu chế biến và đóng gói rong nho có diện tích 8.000m2, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 150 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Quang Duy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rong biển D&T Khánh Hòa cho biết, hiện Công ty đã làm chủ công nghệ sản xuất sản phẩm rong nho tách nước khác biệt trên thị trường, được người tiêu dùng Nhật Bản, Mỹ chấp nhận, tiêu thụ mạnh. Theo đó, sản phẩm rong nho tách nước này đóng gói chiếm 80% là rong nho, còn lại 20% nước muối. Hơn nữa, sản phẩm đã được chứng nhận HACCP, được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Năm 2021, rong nho tách nước Okinawa của Công ty đạt OCOP 4 sao.
Mới đây, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã thăm và làm việc nhà máy chế biến rong nho biển của DT Group. Tại đây, ông đánh giá cao về cơ sở vật chất, công nghệ chế biến rong nho, đồng thời mong muốn Công ty tiếp tục nỗ lực, đẩy mạnh khâu chế biến để khai thác hết giá trị từ rong nho.
Theo ông Nguyễn Quang Duy, hiện Công ty cung cấp các dòng sản phẩm rong nho tách nước mang thương hiệu Okinawa, Vmax, rong nho sấy khô Okinawa và rong nho tươi Vmax với tổng sản lượng trên 2.000 tấn/năm, trong đó 70% sản lượng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản; doanh thu 40 tỷ đồng/năm.
Mở rộng vùng nguyên liệu và chế biến rong nho
Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rong biển D&T Khánh Hòa, Việt Nam hiện có diện tích nuôi trồng rong biển trên 10.000ha, đạt sản lượng trên 100.000 tấn rong tươi/năm. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa hiểu rõ được giá trị của rong biển nên vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của sản vật này.
Trong đó, tỉnh Khánh Hòa có lợi thế với đường bờ biển dài nằm dọc eo biển Duyên hải miền Trung, với vùng biển nước sâu, sạch và kín sóng, là môi trường thuận lợi cho nhiều loại rong biển, trong đó có rong nho có giá trị kinh tế cao phát triển.
Do đó, để khai thác “mỏ vàng” rong biển này, trong chiến lược từ đây đến 5 năm tới, DT Group sẽ tiếp tục trồng, liên kết với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu; đồng thời đầu tư vào công tác nghiên cứu, cải tiến sản phẩm hiện có và phát triển thêm các sản phẩm mới từ rong nho, rong mứt.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tung ra thị trường 5 sản phẩm rong biển sấy với các vị cá hồi, cháy tỏi, hải sản, pho mai, trứng muối để tăng thêm giá trị. Cùng với đó, đưa vào hoạt động thêm nhà máy mới có quy mô 3ha với những máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại để đáp ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục đầu tư vào công tác đào tạo nhân sự nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn; áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào công tác quản lý sản xuất và bán hàng để đưa sản phẩm rong nho lên đỉnh cao giá trị”, người đứng đầu DT Group chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Duy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rong biển D&T Khánh Hòa cho biết, qua nghiên cứu của Công ty tại Khánh Hòa, các địa phương như Thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) và phường Ninh Hải (Thị xã Ninh Hòa) có điều kiện thổ nhưỡng, độ mặn cao, vùng vịnh lại kín sóng nên rất phù hợp để trồng rong nho. Chất lượng rong nho trồng ở khu vực này được đánh giá không thua kém ở xứ hoa anh đào. Tuy nhiên để phát triển rong nho bền vững, DT Group đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ quy hoạch vùng nuôi trồng rong biển để vừa giúp người dân cải thiện cuộc sống, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn cung nguyên liệu ổn định.