Ngày 29/7, UBND tỉnh TT- Huế tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp TT- Huế - Phát triển bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao”.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế cho biết, TT-Huế đã và đang có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong tất cả các lĩnh vực trong đó có nông nghiệp. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 70.000 ha, diện tích rừng lớn gần 335.000 ha, đặc biệt đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000ha - lớn nhất Đông Nam Á. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản hơn 7.400ha cùng với nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa biển, cửa sông giàu dinh dưỡng. Hơn 17.000 người hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản..
Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế thừa nhận, nông nghiệp tỉnh này phát triển chưa xứng với tiềm năng. |
Tuy nhiên, theo ông Thọ, nhìn chung lĩnh vực nông nghiệp của TT- Huế vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực vẫn còn chậm, chưa có những đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển. Quy mô sản xuất nhỏ vẫn phổ biến, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Công tác xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được đẩy mạnh. Chưa có doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp làm động lực, đầu tàu cho phát triển nông nghiệp tỉnh...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, so với 62 tỉnh thành còn lại thì TT- Huế là địa phương được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi, vị thế địa lý, văn hóa lịch sử khó có tỉnh nào địch được.
Bộ trưởng Nguuyễn Xuân Cường: TT- Huế phải đi theo nền nông nghiệp hữu cơ. |
Bộ trưởng hoan nghênh, ủng hộ tỉnh TT-Huế đã tổ chức hội nghị ý nghĩa và đúng thời điểm: "Giá trị tài nguyên lớn nhất của TT- Huế là đa dạng sinh học, là văn hóa, bản sắc vì vậy trước hết phải xây dựng một nền nông nghiệp đa dạng".
Việt Nam có 63 tỉnh thành, bình quân chung chỉ có 3 lập địa là miền núi, đồng bằng và biển. Nhưng TT- Huế lại có thêm thế lập địa không nơi nào có được là hệ thống phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, nơi sinh sống của 163 loại thủy sản...
Ngoài ra, với 350.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, TT- Huế đủ sức xây dựng một ngành lâm nghiệp gỗ, sản phẩm ngoài gỗ, dược liệu… 120km bờ biển cộng phần lãnh hải tạo thành một vùng kinh tế biển rộng lớn.
Thứ hai, TT-Huế phải đi theo nền nông nghiệp hữu cơ. Ẩm thực TT- Huế tinh túy nên nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết.
Thứ ba, kết tinh trong nông nghiệp phải nông nghiệp đặc sản. Bất kì hoạt động kinh tế gì của TT- Huế cũng hội tụ về trung tâm là dịch vụ du lịch làm hạt nhân và nông nghiệp cũng vậy. Phải xây dựng nông nghiệp TT- Huế theo hướng nông nghiệp đặc sản.
Thứ tư, nông nghiệp TT- Huế phải hướng đến là nền nông nghiệp văn hóa du lịch. Tích cực nhưng không vội vàng.
Thứ năm, một nền nông nghiệp phấn đấu làm sao gắn với 4 mùa lễ hội. Mùa nào cũng có lễ hội lớn, trong tầm tiểu vùng, từng xã, từng thôn có lễ hội, gần gũi, kết hợp giữ quảng bá hình thức du lịch với sản vật của Thừa Thiên Huế với ẩm thực của chúng ta và những di sản văn hóa vật thể.
Thứ sáu, xây một nền nông nghiệp để phục vụ chuỗi ẩm thực tạo nên bản sắc riêng của TT- Huế.
Thứ bảy, nông nghiệp TT-Huế phải gắn kinh tế nông thôn. Phải làm sao để 151 phường xã của tỉnh có kinh tế riêng hàng hóa, mỗi làng mỗi sản vật...
"Cuối cùng, chủ nhân của nền nông nghiệp TT- Huế nói riêng và cả nước nói chung là người dân phải được thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận.