| Hotline: 0983.970.780

Bộ Y tế lên tiếng việc chậm trễ ban hành quy chuẩn sữa học đường

Thứ Tư 04/09/2019 , 20:11 (GMT+7)

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn trả lời câu hỏi vì sao thông tư về quy chuẩn sữa học đường vẫn chưa được ban hành trong khi năm học mới đã bắt đầu.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Thứ trưởng Sơn, chương trình Sữa học đường được Chính phủ phê duyệt ngày 8/7/2016, sau hơn 2 tháng, Bộ Y tế có Quyết định 5450, quy định tạm thời các sản phẩm sữa tươi phục vụ cho chương trình này cùng với nhiều văn bản hướng dẫn gửi tới các địa phương.

Đến nay, có gần 20 tỉnh thành đưa chương trình Sữa học đường vào thực hiện. Đặc biệt, một số địa phương khó khăn như Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn dùng kinh phí tỉnh để triển khai. Theo ông Sơn, Quyết định 5450 có thể xem là cơ sở pháp lý để các địa phương dựa vào đó lựa chọn các loại sữa tươi phù hợp cho chương trình Sữa học đường.

"Trong thời gian chờ thông tư mới, Bộ Y tế khuyến nghị các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, cùng với các doanh nghiệp tiếp tục triển khai chương trình theo Quyết định 54540", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Trong quá trình xây dựng thông tư, từ năm 2017, Bộ Y tế giao các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo để ban hành các hướng dẫn về sữa tươi cho chương trình Sữa học đường.

"Tuy nhiên, quá trình này không thể làm ngắn gọn vì liên quan bổ sung 21 vi chất theo đề nghị của Viện Dinh dưỡng. Quá trình này yêu cầu nhiều cơ sở khoa học, các nghiên cứu để đánh giá tác dụng của các vi chất này với sức khỏe của 'lứa tuổi vàng'", ông Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, quá trình này đòi hỏi nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, đơn vị nghiên cứu, các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ.

Sau quá trình lấy ý kiến, ngày 22/8 vừa qua, Bộ trưởng Y tế mời các doanh nghiệp sữa, Hiệp hội dinh dưỡng, Hiệp hội sữa, Hiệp hội thực phẩm chức năng.. đóng góp thêm.

Từ đó, Bộ trưởng Y tế kết luận, quan điểm của bộ khi ban hành văn bản quản lý nhà nước phải chú ý đến quyền lợi của người dân, đảm bảo tính pháp lý, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khoa học, thực tiễn và khả thi. Với chương trình Sữa học đường cần lưu ý về an toàn của sản phẩm và Bộ Y tế ủng hộ chủ trương bổ sung vi chất vào sữa tươi.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành thông tư trong tháng 9, trong đó, có 2 loại sữa tươi được ưu tiên là sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng. Với các nhóm sữa tươi thanh trùng thì không được lựa chọn do thời gian bảo quản không phù hợp với các địa phương vùng sâu vùng xa.

Đối với các vi chất bổ sung vào sữa, nếu đến thời gian ban hành thông tư mà chưa có dữ liệu khoa học chứng nhận được lợi ích với quá trình phát triển của học sinh của 21 vi chất thì trước mắt sẽ bổ sung 3 vi chất nằm trong Quyết định 1340 của Chính phủ là Sắt, Canxi và Vitamin D.

Đồng thời, Viện Dinh dưỡng sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung sau 21 loại vi chất sau khi ban hành thông tư mới.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất