Chắc chắn những thành tích ấn tượng của các đội tuyển Việt Nam, từ cấp độ U23 đến cấp độ đội tuyển quốc gia trong năm cũ Mậu Tuất đã giúp cho bóng đá Việt Nam có vị thế khác trong năm mới Kỷ Hợi.
Việc các đội tuyển thành công cũng sẽ góp phần khiến cho giải quốc nội thu hút nhiều khán giả hơn, giống như giai đoạn đầu của mùa giải 2018, sau khi đội tuyển U23 Việt Nam tạo kỳ tích ở giải U23 châu Á.
Đấy sẽ là động lực và là chất xúc tác để hệ thống thi đấu quốc nội chuyển mình theo hướng tích cực, rồi chiếm vị thế khác trong lòng người hâm mộ.
Hy vọng rằng thành công của các đội tuyển trong năm cũ sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam thay đổi trong năm mới |
Dù điều này có thể đi ngược lại với lộ trình chung của bóng đá chuyên nghiệp, bởi trình tự chung của các nền bóng đá tiên tiến là xây dựng hệ thống giải quốc nội hấp dẫn trước, đáng xem trước, rồi từ đó làm bàn đạp, làm chân đế phát triển các đội tuyển. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của bóng đá Việt Nam, những người làm bóng đá tạm chấp nhận thực tế ngược đấy, để hướng đến cái đích chung là thu hút khán giả.
Và trên lộ trình thu hút khán giả, mùa giải mới được kỳ vọng sẽ chuyển mình theo hướng tốt hơn những mùa giải đã qua, khắc phục dần dần những nhược điểm đã có trong những mùa giải cũ.
Đó là hệ thống thi đấu quốc nội dần thay đổi mô hình “siêu mẫu” mà trước đây từng tồn tại: Hạng trên và hạng thấp nhất nhiều đội, hạng giữa teo tóp.
Đó là tính cạnh tranh của giải V-League kỳ vọng sẽ được tăng lên, để khán giả được chứng kiến thêm nhiều trận cầu có chất lượng cao, để các cầu thủ có thêm cơ hội thi đấu những trận cầu căng thẳng, giàu tính cạnh tranh, qua đó nâng cao bản lĩnh và trình độ chuyên môn, trước khi nâng cao trình độ chung cho toàn bộ nền bóng đá.
Và kỳ vọng ở mùa giải mới còn là việc các đội bóng trong nước thi đấu tốt hơn, đạt thành tích cao hơn và ổn định hơn tại các cúp châu Á, điều mà từ sau khi B.Bình Dương không còn ở thời vàng son, không một CLB trong nước nào tiến đến bán kết AFC Cup (tương đương với Europa League) và không một CLB nào đá đàng hoàng đến thế, ghi nhiều bàn thắng đến thế tại AFC Champions League (tương đương với UEFA Champions League tại châu Âu).
Tức là có thực tế rằng một vài đội bóng nội dù làm mưa làm gió tại đấu trường trong nước, nhưng không là gì ở sân chơi quốc tế. Thực tế đó đến từ việc giải trong nước các mùa giải trước không mạnh ở tính cạnh tranh, tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” khiến cho các đội của ông chủ đấy vô địch V-League không khó, nhưng bước ra sân chơi châu Á thì thấy rõ khoảng cách lớn về mặt trình độ, khi buộc phải ở vào cảnh “đơn đả độc đấu”.
Hy vọng rằng điều đó sẽ thay đổi ở mùa giải của năm mới Kỷ Hợi, khi mà bóng đá Việt Nam đã bắt đầu bước lên một tầm cao mới, một vị thế mới sau những thành công liên tiếp trong năm cũ!