| Hotline: 0983.970.780

Cà phê hữu cơ thu đúng độ chín, giá cao gấp đôi

Chủ Nhật 26/11/2023 , 09:30 (GMT+7)

Để đảm bảo chất lượng cho cà phê xuất khẩu, các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức tăng giá thu mua đối với cà phê thu hái chọn lọc, thu chín 100%.

Ký hợp đồng liên kết, thu mua giá cao

Cuối tháng 11 này, Công ty cà phê Cầu Đất Bean (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) tổ chức thu hoạch cà phê hữu cơ trên diện tích 30ha để sơ chế, chế biến, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Để đảm bảo về chất lượng cũng như nâng cao giá trị cho sản phẩm, doanh nghiệp này liên tục ra thông báo đến các hộ nông dân liên kết về việc phải thực hiện quy trình thu hái chọn lọc, thu hái chín 100%.

“Việc thu hái chín 100% sẽ khiến nhiều nông dân khó khăn khi phải bố trí thời gian lẫn nhân công thu hoạch. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu cho các hộ liên kết và cũng cam kết thu mua cà phê với giá cao hơn giá thị trường”, anh Bùi Xuân Thắng, Giám đốc Công ty cà phê Cầu Đất Bean chia sẻ.

Gia đình ông Trịnh Tấn Vinh (huyện Di Linh, Lâm Đồng) tổ chức thu hái cà phê chọn lọc. Ảnh: Minh Hậu.

Gia đình ông Trịnh Tấn Vinh (huyện Di Linh, Lâm Đồng) tổ chức thu hái cà phê chọn lọc. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo anh Bùi Xuân Thắng, việc thu hoạch cà phê chín 100% sẽ mang đến nhiều lợi ích. Trong đó, sản phẩm được làm từ cà phê thu đúng độ chín sẽ cho ra sản phẩm chất lượng, có hương vị thơm ngon. Thành phần vị chua và vị chát trong sản phẩm được giảm xuống mức thấp nhất. Cùng với đó là người sản xuất được hưởng lợi khi trọng lượng cà phê tươi cao hơn, giá cũng tốt hơn so với cà phê chưa đủ độ chín.

Anh Bùi Xuân Thắng cho biết thêm, doanh nghiệp sản xuất cà phê và chủ yếu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu qua các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mỗi năm, đơn vị xuất khẩu khoảng 180 tấn nhân xanh và dự kiến nâng số lượng trong thời gian tới. Do vậy, việc thu hái chọn lọc là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu từ đối tác.

Tương tự, Hợp tác xã Hoa Linh Coffee (xã Tân Châu, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đang bước vào giai đoạn nước rút chăm sóc vườn tược để chuẩn bị cho vụ thu hoạch. Ông Trần Mai Bình, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Linh Coffee cho biết, hiện nay, nhiều khu vườn của đơn vị cho trái chín bói và hợp tác xã phổ biến cho các hộ thành viên tổ chức thu hái. Việc thu hái này tuy tốn nhiều công sức và khác với cách làm truyền thống nhưng bắt buộc phải thực hiện để tăng chất lượng cho sản phẩm.

Theo ông Trần Mai Bình, trước đây, người trồng cà phê thường có quan niệm “xanh nhà hơn già đồng” nên tổ chức thu hoạch đại trà khi cà phê đạt tỉ lệ chín trên dưới 70%. Chính điều này làm giảm cả chất lẫn lượng của cà phê nhân.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Lâm Đồng cam kết thu mua cà phê thu hái chọn lọc với giá cao hơn giá thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Lâm Đồng cam kết thu mua cà phê thu hái chọn lọc với giá cao hơn giá thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

“Toàn bộ cà phê của hợp tác xã đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ chăm bón đến thu hái và chế biến. Hiện nay, có 4,5ha cà phê của hợp tác xã đạt chuẩn hữu cơ và dự kiến cuối năm nay sẽ có thêm 13ha được chứng nhận. Cà phê sản xuất hữu cơ kết hợp thu hái chín 100% nên sản phẩm được đối tác ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với mức giá cao gấp đôi so với cà phê thông thường”, ông Trần Mai Bình, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Linh Coffee nói và cho biết thêm, đầu tháng 11 vừa qua, Hợp tác xã đã phối hợp cùng Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức khoá học chế biến cà phê chất lượng cao cho các thành viên hợp tác xã. Chương trình này nhằm giúp các thành viên nhận thức về tầm quan trọng của việc thu hoạch cà phê chín, nâng cao chất lượng sản phẩm.

So sánh về lợi ích khi thu hái cà phê chín 100% để sơ chế, chế biến so với việc thu cà phê xanh, ông Trịnh Tấn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thuần Trịnh Cafe (ngụ xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) cho hay, nhân cà phê chế biến từ việc thu hái xanh thường bị thâm, đen, hạt nhỏ, mẫu mã xấu trong khi quả chín cho nhân to, bóng, màu đẹp.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân thu hái cà phê chín để đảm bảo chất lượng. Ảnh: Minh Hậu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân thu hái cà phê chín để đảm bảo chất lượng. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Trịnh Tấn Vinh, gia đình tập trung sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị nên thường xuyên theo dõi, đánh giá sản phẩm. Cụ thể, gia đình ông thực hiện công thức so sánh về mức độ chênh lệch trọng lượng nhân trên cùng đơn vị trọng lượng quả thu tươi và quả hái chín. Theo đó, 1kg cà phê tươi với khoảng 1.113 quả sau khi chế biến chỉ cho ra 220gram nhân, 1kg cà phê tươi thu chín 100% khoảng 833 quả nhưng sau chế biến cho tới 260gram nhân. Luôn tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ và đảm bảo về thu hái chín chọn lọc để sơ chế, chế biến nên gia đình ông Vinh cũng nhận được hợp đồng bao tiêu từ các đối tác với mức giá từ 200.000-500.000 đồng/kg.   

Khuyến cáo người dân sản xuất cà phê quy trình chuẩn

Nhận định về sự ảnh hưởng của việc thu hái cà phê xanh, ông Đoàn Mạnh Trình, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình (đóng tại xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho hay, cà phê xanh khi chế biến sẽ cho ra sản phẩm xấu và hao hụt lớn về trọng lượng. Theo đó, nếu thu hái khi tỉ lệ chín 40%, xanh 60% sẽ làm giảm trọng lượng khoảng 20%. Trong trường hợp tỉ lệ chín 70%, xanh 30%, tỉ lệ hao hụt cũng ở vào khoảng 15%. Cũng theo ông Trình, huyện Lâm Hà có khoảng 40 nghìn ha cà phê với tổng sản lượng đạt trên 150 nghìn tấn. Do vậy, nếu tính mức độ hao hụt 15% thì mỗi niên vụ huyện này sẽ mất khoảng hơn 20 nghìn tấn.

Ông Mai Ngọc Định, Phụ trách sản xuất chuỗi cà phê bền vững Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình cho hay, hiện nay doanh nghiệp đang liên kết chuỗi với 3.000 hộ nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao để xuất khẩu qua châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Philippin… và mỗi năm xuất khẩu khoảng 40 nghìn tấn. Để đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn về kỹ thuật thu hái chín, quy trình sản xuất hiện đại đến người dân. Đặc biệt phổ biến những kiến thức trong Quy định về chống phá rừng Châu Âu (EUDR).

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, niên vụ cà phê 2023-2024 của địa phương đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản này và góp phần xây dựng thương hiệu cà phê của tỉnh, ngành nông nghiệp đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường hướng dẫn người dân thu hoạch, sơ chế, chế biến cà phê đúng cách.

Sản lượng cà phê của Lâm Đồng ở vào khoảng 600 nghìn tấn/năm. Ảnh: Minh Hậu. 

Sản lượng cà phê của Lâm Đồng ở vào khoảng 600 nghìn tấn/năm. Ảnh: Minh Hậu. 

Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thu hoạch cà phê chín, không thu hái quả xanh, quả non. Việc thu hái phải thực hiện đúng kỹ thuật, không tuốt, vặn, làm gãy cành. Việc thu hoạch nên thực hiện nhiều lần trong một vụ để thu hết quả chín và phải ngừng thu hái trước và sau khi nở hoa từ 3 - 5 ngày.

Để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, theo ông Nguyễn Văn Châu, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thu hái đảm bảo Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 9278:2012). Trong đó, cà phê áp dụng phương pháp chế biến ướt phải thu chín trên 90%, cà phê áp dụng phương pháp chế biến khô phải thu chín trên 80%. “Đối với các hộ sản xuất, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã có hợp đồng liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp thì cần tuân thủ, đảm bảo các tiêu chuẩn về thu hoạch, sơ chế và chất lượng sản phẩm do các đơn vị thu mua đề ra”, ông Nguyễn Văn Châu chia sẻ.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến cáo người dân vận chuyển cà phê về nơi sơ chế, chế biến ngay sau khi thu hoạch. Không lưu giữ quả tươi cà phê để chế biến ướt quá 12 giờ, quả để chế biến khô không quá 24 giờ. Đồng thời áp dụng các phương pháp sơ chế, chế biến phù hợp đối với từng chủng loại cà phê và phải đảm bảo yêu cầu chất lượng của sản phẩm. Cà phê quả, cà phê thóc, cà phê nhân sau khi được phơi, sấy khô đạt ẩm độ 12 - 13% phải được đựng trong các bao chuyên dùng và cất giữ, bảo quản trong nhà kho sạch, khô ráo, thông thoáng.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, sản lượng cà phê của địa phương trên 600 nghìn tấn/năm. Các sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang xay của tỉnh đang được xuất khẩu qua thị trường quen thuộc ở các nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia…, các thị trường châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh đạt trên 90 ngàn tấn với giá trị đạt trên 180 triệu USD. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương nên tỉnh đã và đang tập trung xây dựng các mô hình bền vững. Hiện nay, ngành nông nghiệp Lâm Đồng khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, tổ chức thu hái chín, nâng cao chất lượng, giá trị. Địa phương cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tổ chức phổ biến kiến thức, quy định mới về EUDR để có phương hướng tổ chức sản xuất hiệu quả.

Xem thêm
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 626 USD/tấn

Theo các chuyên gia, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục năm 2023.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.