| Hotline: 0983.970.780

Ca sĩ Ái Vân xóa trắng 7 trang tự truyện để làm gì?

Thứ Bảy 28/05/2016 , 07:01 (GMT+7)

Không chỉ có tài năng và nhan sắc, cuộc đời chị có nhiều biến cố khiến công chúng phải xót xa và ngẫm nghĩ. Cuốn tự truyện của Ái Vân có tên gọi “Để gió cuốn đi” vừa phát hành đã xôn xao dư luận...

08-37-46_trng-28

Thế nhưng, trong hơn 300 trang sách lại có 7 trang bị chính tác giả xóa trắng một cách khó hiểu!

Không có gì quá chủ quan để khẳng định, ca sĩ Ái Vân là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất nước ta từ năm 1975 đến nay. Để đi theo con đường nghệ thuật, thì một xuất thân như Ái Vân là quá may mắn. Mẹ là tài danh Ái Liên xuất chúng, còn bố là “công tử” Hà Quang Định - ông chủ hãng phim tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có tên gọi Vietfilm.

Bản thân Ái Vân không chỉ có vị trí thần tượng nhờ vai chính bộ phim “Chị Nhung” mà còn đoạt được giải Grand Prix tại Liên hoan âm nhạc quốc tế Dresden - Đức vào năm 1981 khi mới 27 tuổi, và được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ngay đợt đầu tiên.

Với những sự rực rỡ trước thời tam thập nhi lập, Ái Vân hoàn toàn có khả năng trở thành một nhân vật lừng lẫy bậc nhất trong đời sống văn hóa. Thế nhưng, dường như cái quy luật “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” vẫn tồn tại âm thầm và trớ trêu. Ái Vân trên sân khấu hoàng nhoáng bao nhiêu, thì Ái Vân trong tình duyên đau đớn bấy nhiêu.

Ba lần kết hôn, ba người chồng khác biệt, và một cuộc trốn chạy đầy nước mắt của Ái Vân chính là điều mà khán giả thế hệ sau rất muốn chia sẻ.

Đáng tiếc, khi viết đến người chồng thứ hai mà Ái Vân gọi là “tập hai” thì chị lại tự hủy 8808 chữ, để in 7 trang giấy chỏng chơ với lời tự thú “Câu chuyện chưa kể ra này cho biết lý do vì sao tôi buộc phải rời tổ quốc năm 1990 khi tôi đang được Nhà nước có nhiều ưu ái.

Nhưng vì câu chuyện quá đau đớn, khi đọc lại tôi không thể chịu nổi. Con trai tôi, nếu đọc được phần này chắc chắn cũng sẽ không chịu nổi. Vì thế sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi xin lỗi bạn đọc cho phép tôi được xoá trắng mục này”.

Tự truyện của Ái Vân, không ai có quyền can thiệp. Tuy nhiên, xóa trắng những trang sách, có đồng nghĩa với xóa trắng những hồi ức không? Chắc chắn không! Sự thật cũng đã diễn ra, sự thật cũng vẫn còn nguyên. Trong im lặng lãng tránh, đôi khi sự thật lại cồn cào ở góc độ mới, nhức nhối hơn và lâm ly hơn.

Cuộc hôn nhân của Ái Vân với người chồng đầu tiên là nghệ sĩ kịch câm, phải nói là khá lãng mạn. Đáng tiếc, cái thời khốn khó ấy, trong túng quẫn bí bách, người ta bung ra làm giàu bằng mọi cách để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu và cũng để thỏa mãn nhu cầu hãnh tiến. “Tập một” của Ái Vân nợ nần đầm đìa.

Nợ từ bên Nga nợ về Việt Nam. Và họ phải chấp nhận ly dị khi “tập một” gánh số nợ lên đến 1,7 triệu đồng lúc bấy giờ tương đương hơn hai ngàn cây vàng. Theo tường thuật của Ái Vân, cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc trong lặng lẽ và lịch sự, cả hai chở nhau đi ăn bún chả Hàng Mành rồi nàng mua tặng chàng cái kính râm như một món quà chia tay êm ái.

Tự truyện của Ái Vân không giàu chất văn chương, vì những câu chuyện được kể dàn trải và không có điểm nhấn. Đây là lối thể hiện đơn giản, phản ánh người viết không có nghề và người biên tập cũng không có nghề, để tập trung vào những chi tiết đắt giá nhằm làm nổi bật chân dung và cá tính của nhân vật chính trong cuốn sách. Vì vậy, 8088 chữ bị xóa trắng bỗng dưng có ý nghĩa như một kỹ nghệ làm sách khi đề cập đến “Để gió cuốn đi”.


Em gái Ái Thanh cùng bạn bè đến thăm Ái Vân hồi năm 1990 (Ảnh: Zing)

Ái Vân bộc bạch nguyên nhân để viết tự truyện rất bình dị: “Ký ức làm tôi khó ngủ, bệnh mất ngủ bắt đầu từ đó. Rất nhiều đêm tôi thức trắng để rồi nhận ra có những điều không thể không nói ra... Viết một lần cho xong. Viết một lần để quên đi, để đến khi nhắm mắt xuôi tay mình không còn phải áy náy. Viết để hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau hơn và quan trọng để yêu thương nhau hơn...”.

Đã xác định như vậy, thì có gì băn khoăn khi chạm vào “tập hai” của hành trình hôn nhân đời mình. Hơn nữa, Ái Vân là một người có nền tảng văn hóa rất vững vàng, kiến thức của chị và sự từng trải của chị, không phải nghệ sĩ nào hôm nay cũng có được.

Ngỡ ngàng thay, bảy trang sách bị xóa trắng chỉ bởi một tâm tư u uẩn: “Tôi viết ra hết, viết rồi lại run sợ, không phải run sợ vì sự thật mà cho người liên quan. Tôi cũng lo cho con trai. Cháu đã quá khổ đau khi mẹ bỏ đi. Tiếng khóc của con trai 4 tuổi và lời cháu nói khi đoàn tụ vào ba năm sau nhói vào tim, cho đến tận bây giờ.

Tôi không thể làm cháu đau thêm lần nữa. Dù đã trưởng thành, cháu có lẽ vẫn chưa sẵn sàng cho chuyện này. Vì vậy cho tôi xin được giữ lại món nợ này. Tôi xin giữ lại cho cháu...”.

Nếu bảy trang sách bị xóa trắng, chỉ đơn thuần là tấm lòng một người mẹ thương con thì không có gì phải day dứt. Thế nhưng, liệu động thái ngỡ chừng mang tính thủ thuật chẳng đặng đừng này có vướng mắc hệ lụy nào khác chăng?

Thập niên 80 của thế kỷ trước, truyền thông chưa phát triển như bây giờ. Những câu chuyện của Ái Vân lan đi cả nước chủ yếu qua vài dòng tin ngắn ngủi và bạt ngàn các loại tin đồn. Riêng những người ở Hà Nội dạo đó thì biết hết.

Thậm chí, những người sống ở khu văn công Mai Dịch thì chẳng ai lạ lùng gì những bi kịch của Ái Vân với “tập hai”. Anh nghệ sĩ múa có đẳng cấp thường thường bậc trung ấy đã theo đuổi Ái Vân, chiều chuộng Ái Vân và bạc đãi Ái Vân thế nào, vẫn là một câu chuyện hoang mang và ớn lạnh với nhiều người.

Ái Vân đã chọn giải pháp “vượt biên” để thoát khỏi cuộc hôn nhân “tập hai”. Ái Vân sang Đức với danh nghĩa giao lưu biểu diễn, rồi ở lại xứ người trong nỗi ngập tràn mong nhớ đứa con vừa tròn 4 tuổi.

Thời gian có khả năng xoa dịu mọi thứ. Bây giờ Ái Vân đã có hạnh phúc ấm áp bên cạnh người chồng thứ ba và hai đứa con trưởng thành. Quá khứ đã khép lại. Không ai nỡ kết tội quá khứ, nếu quá khứ được ngoảnh lại một cách nâng niu và mềm mỏng.

Sự thật trong quá khứ, hoàn toàn có thể minh bạch, bằng nhiều góc độ khác nhau. Kể lại bằng thái độ nhân nhượng ra sao, kể lại với độ lùi tha thứ ra sao, sẽ giúp quá khứ được vỗ về và được thức tỉnh.


Ca sĩ Ái Vân và ông xã

Hãy nhớ rằng, Ái Vân là một nhân vật của công chúng, bi thương dai dẳng hay oán than lầm lụi của chị cũng là một phần lịch sử, để độc giả hôm nay hiểm thêm về một giai đoạn nhiều say đắm lắm nhọc nhằn.

Ái Vân đã trút được gánh nặng của “tập hai” khi chị về nước năm 1998. Sau 8 năm lang bạt đất khách, rạn nứt của cả hai đã được hàn gắn, khi “tập hai” bay từ Hà Nội vào Sài Gòn đón Ái Vân và có cuộc trùng phùng vui vẻ.

Ái Vân cho biết thêm có người nói với chị về “tập hai” rất thấm thía: “Nếu biết nó có tài thế này thì để nó làm lãnh đạo Nhà hát từ sớm, nó hết mặc cảm bị coi thường, có khi hạnh phúc chúng mày không đổ vỡ!”. Vậy thì tại sao Ái Vân không kể chuyện “tập hai” như một cơ hội để bắt tay với lầm lạc đời mình? Hơn nữa, ghen tuông và bạo hành là hai căn bệnh đang đe dọa nhiều mái ấm hiện đại.

Ngày xưa chưa có Luật Hôn nhân Gia Đình, ngày xưa chưa có cơ chế bảo vệ phụ nữ bị bắt nạt điên cuồng, nên Ái Vân phải trốn chạy như phương pháp hữu hiệu duy nhất để có được an toàn tính mạng. Nếu bây giờ Ái Vân nghiêm túc tìm cách kể hợp lý về “tập hai”, có lẽ sẽ trở thành một bài học vô cùng quý báu cho nhiều người phụ nữ đang gặp bất hạnh khác, và cũng để cảnh tỉnh bao nhiêu lỡ làng “để gió cuốn đi”.

(KTGĐ số 20)

Xem thêm
Tiết lộ ít người biết về công việc và đời sống của bác sĩ

'Tiếng lòng bác sĩ' là lời thật lòng của một bác sĩ về công việc, đồng thời là tâm tư về các vấn đề mà bác sĩ khó có thể chia sẻ với bệnh nhân.

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Tính chuyện đột phá, vật Việt Nam tìm đến chuyên gia Mỹ

Nhằm tạo đột phá về thành tích và phương pháp huấn luyện, đội tuyển vật Việt Nam đang hướng đến chuyên gia người Mỹ.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.