| Hotline: 0983.970.780

'Tết chốn vàng son' có niềm riêng đế vương khanh tướng

Thứ Sáu 17/01/2025 , 15:50 (GMT+7)

‘Tết chốn vàng son’ của tác giả Lê Tiên Long có thể xem như một cuốn sử nho nhỏ giúp công chúng khám phá các bậc vua quan ngày xưa đã vui xuân ra sao.

Tác giả Lê Tiên Long.

Tác giả Lê Tiên Long.

“Tết chốn vàng son” dày 236 trang, với 35 câu chuyện cung đình, từ hoạt động chuẩn bị đón tết đến mâm cao cỗ đầy ngày tết. Đằng sau những nghi lễ, quy chế, thể lệ có phần khác lạ nơi chốn cung đình ấy là những câu chuyện thuộc về văn hóa của ông cha ta xưa.

Tác giả Lê Tiên Long từng có cuốn sách “Vua chúa Việt và những điều chưa biết” rất được độc giả yêu thích. Bây giờ, khi tết Ất Tỵ gần kề, tác giả Lê Tiên Long lại tung ra cuốn “Tết chốn vàng son” do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, hé lộ về “Phong ấn ăn tết”, “Cây nêu trong cung đình ngày tết”, “Lệ treo cờ ngày tết”, “Vua ban thưởng cho quần thần ăn tết” hoặc “Nước thiêng để thờ trong cung đình ngày tết”.

Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất của các nước Á Đông từ thời xa xưa. Ngày tết là ngày nghỉ ngơi, mọi nhà, mọi người hướng về gia đình, tổ tiên. Trong cung đình xưa cũng vậy, triều đình Việt Nam thời phong kiến nghỉ tết từ khá sớm, trở lại làm việc muộn, với rất nhiều nghi lễ phức tạp. Nhờ khoảng nghỉ dài, các quan và người hầu cận vua cũng có thể chăm lo cho cái tết của gia đình.

Các bậc đế vương khanh tướng thuở xưa ăn tết ra sao, tuy không có sách nào ghi cụ thể, nhưng rải rác trong chính sử và các sách khác cũng khá nhiều chi tiết thú vị, mà tác giả Lê Tiên Long đã bỏ công sưu tầm và cấu trúc thành “Tết chốn vàng son”.

Qua các câu chuyện “Thú chơi trong cung đình ngày Tết”, “Âm nhạc cung đình ngày Tết” hoặc “Vua Gia Long ăn Tết ở Thăng Long”, “Cảnh xuân vườn Thiệu Phương trong thơ vua Thiệu Trị”, độc giả có thể hình dung một không gian sinh động của những đấng mũ cáo áo rộng.

Vào ngày Tết, vua thực hiện những nghi lễ quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên, đầu xuân thì tế trời (tế Giao), tế Xã Tắc (thần Đất và thần Nông). Cuối năm thì triều đình làm lễ Thượng nêu, ban lịch cho bề tôi, niêm phong cất ấn. Đầu năm thì ngược lại, làm lễ hạ nêu, khai ấn... Ngoài ra, vào mùa xuân, các vị quân chủ các nước thuộc nền văn minh nông nghiệp còn thực hiện nghi lễ cày ruộng Tịch điền để khuyến khích nhân dân chăm lo sản xuất. Và để bảo vệ đất nước, các vua Việt cũng thường tổ chức duyệt binh, tập trận... mỗi dịp xuân về.

Thử xem vị vua nổi tiếng Minh Mạng ăn tết như thế nào? Cuốn sách “Tết chốn vàng son” hé lộ: “Trong thời gian trị vì, nhiều lần trong chiếu đầu xuân, vua Minh Mạng giảm thuế cho nhân dân, như năm đầu lên ngôi, năm thứ 5, thứ 6, thứ 10… Mức thuế được giảm từ 1 phần 10 đến 4 phần 10, tùy vào tình hình mùa màng của từng địa phương.

Không chỉ ban thưởng cho các quan trong kinh, vào ngày tết, vua Minh Mạng cũng nhớ đến các quan ở xa. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua bảo thị thần rằng: “Sự mừng xuân ban khắp cả bầy tôi mà thành thần Gia Định vì giữ ngoài không được dự yến ở triều đình, trẫm rất lấy làm áy náy”. Vua bèn sai thị vệ đem phẩm vật ban cho Tổng trấn Lê Văn Duyệt, các văn võ thuộc thành như Trương Tiến Bửu, Nguyễn Văn Thuỵ, Nguyễn Xuân Thục, Trần Nhật Vĩnh đều được thưởng cả.

Không chỉ thưởng cho các quan, vua Minh Mạng cũng ban cho các giám sinh Quốc tử giám mỗi người 10 quan tiền. Quan bộ Hộ là Nguyễn Hữu Thận nói thưởng thế là quá hậu. Vua Minh Mạng trả lời rằng: “Cho con hát đàn bà hầu hạ thì không nên hậu, chứ học trò của báu của nhà nước, ngày nay nuôi để ngày khác dùng, há chẳng nên hậu hay sao?”.

Ngày đầu năm, nhà vua cũng ban thưởng cho những người dân sống thọ, như ân chiếu ban hành năm Minh Mạng thứ 11 (1830), quy định các kỳ lão trên 100 tuổi ban thưởng 3 lạng bạc, trên 90 tuổi thưởng 2 lạng bạc, trên 80 tuổi thưởng 1 lạng bạc”.

Một cuốn sử thú vị về tết Việt trong quá khứ.

Một cuốn sử thú vị về tết Việt trong quá khứ.

Theo nhà văn Yên Ba, có thể mạnh dạn gọi “Tết chốn vàng son” là một cuốn sử, cũng bởi vì tác giả Lê Tiên Long chủ yếu dựa vào những cuốn sách chính sử đồ sộ của cha ông, làm cái công việc tỉ mẩn là lọc lựa, biên chép, kết nối các dữ kiện, nhân vật, chuyện kể, hình thành những câu chuyện nhỏ, để người của hôm nay biết chuyện của hôm xưa, nơi chốn cung đình đã đón xuân, ăn Tết như thế nào.

Chỉ có điều “Tết chốn vàng son” không phải một cuốn sử theo nghĩa thông thường, mà mang cái phong vị dân dã, khiêm cung, dẫu viết chủ yếu về những nghi lễ rắc rối phức tạp ở nơi chốn uy nghiêm, sang trọng bậc nhất trong thời kỳ phong kiến là cung đình!

Trong những tài liệu chính sử được tác giả Lê Tiên Long dùng làm tài liệu tham khảo để viết “Tết chốn vàng son”, có cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” và cuốn “Đại Nam thực lục”, đó là những cuốn sử mà Trương Quốc Dụng đã tham gia biên soạn!

Tuy nhiên, cũng theo nhà văn Yên Ba, có đôi chút tiếc nuối khi cầm trên tay “Tết chốn vàng son”. Giá như tác giả Lê Tiên Long trau chuốt câu chữ hơn chút nữa, lọc lựa kỹ càng hơn chút nữa thì “Tết chốn vàng son” xứng đáng là một cuốn sách kể sử mà thấm đẫm hơi văn, giúp cho người đọc tận hưởng cái phong vị sang cả của chốn cung đình khi Tết đến xuân về.

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.