| Hotline: 0983.970.780

Sinh sản nhân tạo giống kỳ tôm

Thứ Sáu 09/03/2012 , 10:01 (GMT+7)

Mới đây trang trại thủy sản Sơn Ca ở số 64/6D, ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP HCM đã cho sinh sản thành công giống kỳ tôm...

Mới đây trang trại thủy sản Sơn Ca ở số 64/6D, ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP HCM đã cho sinh sản thành công giống kỳ tôm (hay rồng đất) chủ động cung cấp giống cho thị trường.

KS Đoàn Kim  Sơn, giảng viên trường ĐH Nông lâm TP HCM, chủ trang trại cho biết anh đến với con kỳ tôm rất tình cờ. Năm 2009 trong một lần về quê ở Tiền Giang, anh đã mua thanh lý của kiểm lâm một số kỳ tôm đang bị bệnh, không còn khả năng nuôi dưỡng để thả về rừng. Nhận 12 con về nuôi thử mà lòng cứ lo canh cánh, chẳng biết có sống nổi không? Tuy nhiên với kiến thức và bề dày kinh nghiệm, anh áp dụng KHKT vào chăn nuôi, kỳ tôm nhanh chóng được bình phục và phát triển tốt, dần dà phát triển được tới 300 con.

Theo anh Sơn, muốn sinh sản được giống kỳ tôm trước hết phải biết phân biệt con đực con cái. Kỳ tôm cái đầu thon hơn, bụng to, đuôi dài; con đực màu sắc sặc sỡ hơn, phần đầu to hơn, có 2 mang xòe ra, dọc trên đầu xuống sống lưng có vây (như vây rồng), khi kiểm tra bộ phận sinh dục, ấn nhẹ gai giao cấu lồi ra.

Chọn giống bố mẹ: Kỳ tôm nuôi được 1 năm, tiến hành chọn những con bố mẹ to khỏe, không bị dị tật, không bị bệnh, nhốt chung chuồng bình thường, tỷ lệ 1 đực 2 cái. Do đặc tính khi kỳ tôm đẻ trứng, chúng thường ăn trứng, dẫn đến tỷ lệ trứng bị hao hụt rất nhiều, thậm chí chúng ăn hết luôn. Chính vì vậy khi kỳ tôm đẻ xong ta phải thu trứng ngay.

Kiểm tra con cái, sờ vào bụng khi nào thấy trứng to bằng đầu ngón tay út, ta bắt con cái riêng sang chuồng đẻ. Sau 15 ngày kỳ tôm bắt đầu đẻ, mỗi con đẻ từ 8- 12 trứng/lứa, một năm đẻ 2 lứa. Lưu ý: Khi kỳ tôm đẻ xong, sau 2 giờ mới mang vào phòng ấp. Trước khi thu trứng phải đánh dấu đầu trên của trứng, khi xếp trứng đầu trên phải quay lên trên.

Chuẩn bị phòng ấp: Trong phòng ấp cũng đổ cát dày 30 cm, dùng hũ đất nung cao 30 cm, đường kính miệng hũ khoảng 22 cm. Xung quanh thành hũ khoan nhiều lỗ nhỏ để thông hơi, khoảng 1 ly để cát khỏi lọt vào. Dưới đáy hũ đổ cát 10 cm, sau đó xếp trứng kỳ tôm vào rồi phủ cát kín (khoảng 2 cm), không xếp trứng sát thành quá.

Trong miệng hũ có treo đồng hồ nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ. Trên miệng hũ dùng nắp hũ đậy ngược lại, chôn cả hũ xuống nền cát, sau đó tiến hành tưới nước xung quanh hũ, để giữ độ ẩm. Nhiệt độ thích hợp cho trứng nở là 28- 30 độ C, độ ẩm từ 80- 90%. Thời gian ấp 65 ngày là trứng nở, trong thời gian ấp cần kiểm tra thường xuyên nhiệt độ trong hũ, để tưới nước hoặc quạt gió để duy trì đúng nhiệt độ nở.

Năm 2011 anh Đoàn Kim Sơn được Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng các giải thưởng cao quý, gồm giải thưởng Lương Định Của và bằng khen thanh niên SX kinh doanh giỏi cụm miền Đông Nam bộ.

Nếu các hộ nuôi ở phía Bắc, về mùa đông cần thắp đèn điện để tăng nhiệt độ. Sau khi kỳ tôm nở được 2 ngày, tách nuôi chuồng riêng và bắt đầu cho ăn. Kỳ tôm mới nở cho ăn sâu gạo, sau 1 tháng tập cho ăn cá biển, lươn, ếch, nhái băm nhỏ. Từ khi nở nuôi thêm 6 tháng là xuất bán giống được. Kỳ tôm giống loại 1 kg đạt (16- 17 con) giá bán 480.000 đồng, kỳ tôm thương phẩm (kỳ tôm trưởng thành) đạt 1,3- 1,4 kg bán 420.000 đồng. Hiện nay anh Sơn đã phát triển 2 trang trại ở Tiền Giang và TP HCM chuyên sinh sản ếch, lươn, rắn ri voi, rắn ráo trâu, chồn hương, kỳ đà, kỳ tôm…

Hàng năm 2 trang trại này đã cung cấp hàng vạn con giống, mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Song song với việc SX giống cung cấp thị trường nội địa, anh còn đẩy mạnh XK hàng thương phẩm sang Trung Quốc, đem lại lợi nhuận cho gia đình hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra còn tạo điều kiện công ăn việc làm thường xuyên cho 22 lao động; trong đó có một số sinh viên mới ra trường với mức lương từ 2,5- 9 triệu đồng/người/tháng.

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...