Ngày 2/8, tại Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngân sách Trung ương năm 2024 hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG vùng Tây Nguyên là hơn 5.542 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 3.423 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 2.118 tỷ đồng.
Đến nay, các địa phương vùng Tây Nguyên đã giao hơn 3.227 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt tỷ lệ 90% kế hoạch, phân bổ chi tiết dự toán vốn sự nghiệp đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, các địa phương cũng đã bố trí đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện 3 chương trình MTQG với tổng số khoảng 1.574 tỷ đồng.
Đến ngày 30/6, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã giải ngân vốn đầu tư công ước đạt khoảng 1.532 tỷ đồng, đạt 36,45% kế hoạch, bằng với kết quả giải ngân các chương trình MTQG của cả nước (36%). Kết quả giải ngân của từng chương trình MTQG vùng Tây Nguyên tương đối cân bằng. Đối với vốn sự nghiệp, đến ngày 31/5, vùng Tây Nguyên giải ngân ước đạt 95 tỷ đồng, đạt 4,4% dự toán, thấp hơn so với giải ngân vốn sự nghiệp của cả nước (5%).
Đến nay, khu vực Tây Nguyên có 373 xã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16 tiêu chí/xã. Toàn vùng có 10 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2024 ước giảm 3 - 4%.
Riêng Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành 4/7 nhóm mục tiêu gồm: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS; mục tiêu về công tác giáo dục; mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi; nhóm mục tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Đối với Nghị quyết 111/2024/QH15, sau khi Nghị quyết được ban hành, các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện. Nhờ triển khai Nghị quyết 111, kết quả giải ngân vốn đầu tư thuộc các chương trình MTQG năm 2024 đạt tỷ lệ cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay các địa phương khó khăn trong việc điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước hằng năm; ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2024 - 2025…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phản hồi bước đầu về những đề xuất, kiến nghị của các địa phương vùng Tây Nguyên; cập nhật tiến độ xây dựng một số văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, tổng vốn sự nghiệp năm 2024 là khoảng 53 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân bình quân chung cả nước mới đạt 29%, thấp hơn so với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với khu vực Tây Nguyên, tỉ lệ giải ngân vốn sự nghiệp còn rất thấp, chưa đầy 5%, thấp hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Do đó, các địa phương vùng Tây Nguyên phải nỗ lực, quyết tâm hơn rất nhiều vì nguồn vốn sự nghiệp cho vùng không lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là nguồn hỗ trợ đối với hộ nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc phải cố gắng giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, không xin thêm, các địa phương phải làm ngay những việc có thể làm.
Các bộ, ngành cần có hướng dẫn, cùng với các địa phương giải quyết những vướng mắc đang gặp. Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ hàng tuần kiểm soát và báo cáo Phó Thủ tướng về việc trả lời ý kiến của các địa phương.
Đối với một số văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành sớm hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay trong tháng 8/2024.
Về định hướng phân bổ vốn thực hiện các chương trình MTQG cho các địa phương trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện phân bổ vốn dựa trên kết quả giải ngân của giai đoạn hiện nay bởi chỉ có thể đạt được mục tiêu khi có nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có các địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đối với những khó khăn, vướng mắc của các địa phương tại Tây Nguyên liên quan đến Bộ NN-PTNT, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể. Trong đó, một số vấn đề về hướng dẫn, sửa đổi một số tiêu chí nông thôn mới Bộ đã có văn bản trả lời cho từng địa phương.