| Hotline: 0983.970.780

Bất cập ở các dự án chương trình mục tiêu quốc gia

Chủ Nhật 28/07/2024 , 17:19 (GMT+7)

KONTUM Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia ở huyện Đăk Tô đã xảy ra nhiều bất cập như việc hỗ trợ cây mắc ca, máy móc cho người dân bị chết, kém hiệu quả.

Mắc ca chết hàng loạt

Nằm phía Bắc tỉnh Kon Tum, những năm qua, huyện Đăk Tô đã giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế thông qua các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Khu vực trồng mắc ca của người dân thôn Kon Tu Peng bị chết. Ảnh: Tuấn Anh.

Khu vực trồng mắc ca của người dân thôn Kon Tu Peng bị chết. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo đó, các loại cây trồng, máy móc, giếng khoan… đã được địa phương cung cấp, xây dựng cho người dân. Tuy nhiên, một số bất cập đã xảy ra khi cây trồng bị chết, giếng khoan hư hỏng.

Từ phản ánh của người dân, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có mặt tại thôn Kon Tu Peng (xã Pô Kô) để ghi nhận cây mắc ca cấp cho người dân bị chết. Giữa cơn mưa nặng hạt, ông A Bảy, Trưởng thôn Kon Tu Peng dẫn phóng viên ra khu sản xuất tập trung của thôn và chứng kiến hàng loạt cây mắc ca trồng xen trong rẫy cà phê, khoai mì bị chết hàng loạt. Cây mắc ca bị chết có đường kính to bằng đầu đũa, cao khoảng 60cm.

Theo ông A Bảy, năm 2023, thôn Kon Tu Peng có khoảng 37 hộ được hỗ trợ cây mắc ca để trồng. Đến tháng 1/2024, hầu hết các hộ dân được hỗ trợ đã phát hiện mắc ca bị chết và trình báo đến chính quyền địa phương.

Thuộc diện hộ nghèo, năm 2023 gia đình ông A Téo (thôn Kon Tu Peng) được cấp miễn phí 60 cây mắc ca và đã trồng xen trong rẫy cà phê. Ông A Téo cho biết, gia đình rất kỳ vọng vào cây mắc ca để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện chỉ 2 cây mắc ca còn sống, số còn lại bị chết.

Mắc ca của hộ ông A Téo trồng xen trong cà phê bị chết. Ảnh: Tuấn Anh.

Mắc ca của hộ ông A Téo trồng xen trong cà phê bị chết. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông A Thăm, Chủ tịch UBND xã Pô Kô cho biết, 3 năm qua, Phòng NN-PTNT huyện Đăk Tô làm chủ đầu tư dự án cung cấp cây giống mắc ca hỗ trợ cho người dân tại 5 thôn trên địa bàn xã. Ông A Thăm thừa nhận, có tình trạng mắc ca trồng bị chết. Trong đó, mắc ca trồng năm 2021 và năm 2022, tỷ lệ chết khoảng 20%; năm 2023, tỷ lệ chết khoảng 60%. Nguyên nhân chết do thời tiết nắng hạn kéo dài và khâu chăm sóc của dân còn hạn chế. Đối với diện tích mắc ca bị chết, có hộ đã trồng dặm lại, có hộ chuyển qua trồng thông.

Nhiều dự án hỗ trợ chưa hiệu quả

Ngoài cây mắc ca, theo tìm hiểu tại xã Pô Kô, việc hỗ trợ xây dựng giếng khoan, cấp máy nông nghiệp cũng bị hư hỏng hoặc dân không sử dụng.

Dự án hỗ trợ cho người dân chưa mang lại hiệu quả. Ảnh: Tuấn Anh.

Dự án hỗ trợ cho người dân chưa mang lại hiệu quả. Ảnh: Tuấn Anh.

Cụ thể, trên địa bàn thôn Đăk Mơ Ham có khoảng 50 hộ dân, trước đây dùng giếng đào, nguồn nước không đảm bảo. Năm 2023, Phòng Dân tộc huyện Đăk Tô làm chủ đầu tư xây dựng giếng khoan với nguồn vốn khoảng 1 tỷ đồng, hoàn thành và bàn giao cho địa phương vào 10/2023. Tuy nhiên, công trình bị hư hỏng, không mang lại hiệu quả. Trong đó, máy bơm công suất yếu nên bơm lâu đầy bồn, quá tải, cháy aptomat điện. Trước vụ việc trên, UBND xã đã báo cáo chủ đầu tư nhưng lâu khắc phục, làm người dân bức xúc.

“Xã đã 2 lần làm văn bản yêu cầu và chủ đầu tư đã sửa chữa nhưng xã vẫn đang theo dõi công trình cấp nước, nếu tiếp tục phát hiện hư hỏng sẽ báo chủ đầu tư”, ông A Thăm, Chủ tịch UBND xã Pô Kô cho biết.

Riêng dự án cấp máy móc nông nghiệp như máy cắt cỏ, bình phun thuốc, máy xới đất cho các hộ dân nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề do UBND xã Pô Kô làm chủ đầu tư. Theo đó có khoảng 17 hộ dân được cấp máy và tự chọn, xã thực hiện nghiệm thu, thanh toán với tiêu chuẩn hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Ông Thăm thừa nhận, khi cấp máy về, có hộ không muốn dùng. Có hộ còn chưa tháo máy móc ra, để nguyên đai, nguyên kiện. Nguyên nhân người dân không sử dụng máy là do… lười.

Ngoài ra, công trình nước sinh hoạt tập trung tại thôn Đăk Mơ Ham (xã Pô Kô) mới hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng đã hư hỏng.

Trước tình hình trên, Đoàn Giám sát Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Đăk Tô đề nghị Phòng Dân tộc đôn đốc đơn vị thi công khẩn trương khắc phục ngay tình trạng hư hỏng tại công trình nước sinh hoạt tập trung tại thôn Đăk Mơ Ham (xã Pô Kô) để cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Đăk Tô đã tổ chức giám sát việc thực hiện các dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia. Kết quả tại các xã Pô Kô, Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga, số lượng cây mắc ca thuộc dự án liên kết chuỗi sản phẩm bị chết khá nhiều. Tại xã Pô Kô, máy móc nông nghiệp được cấp nhưng các hộ dân vẫn chưa sử dụng…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.