| Hotline: 0983.970.780

Chương trình Mục tiêu Quốc gia có tiền nhưng không dễ tiêu: [Bài 5] Nhiều 'điểm nghẽn' cần khơi thông

Thứ Sáu 05/07/2024 , 07:00 (GMT+7)

Có quá nhiều 'điểm nghẽn' khiến tốc độ giải ngân các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chậm và có dấu hiệu chững lại.

Áp lực lớn cho năm 2024

Giai đoạn 2021 - 2024, Quảng Trị được phân bổ trên 2 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG). Tuy nhiên, đến ngày 20/5/2024, địa phương này mới giải ngân được trên 1,1 nghìn tỷ đồng (55% dự toán). Giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đạt thấp với 32%. Trong đó, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững 31%; Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới 58%; Chương trình MTQG Phát triển Kinh tế xã hội  vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 28%.

Tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại Quảng Trị rất chậm. Ảnh: ĐT.

Tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại Quảng Trị rất chậm. Ảnh: ĐT.

Để đảm bảo việc giải ngân, UBND tỉnh Quảng Trị đã chuyển một phần nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024. Tuy nhiên, đến 20/5/2024, địa phương này cũng mới chỉ giải ngân được 13% dự toán. Trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt 27%; vốn sự nghiệp chỉ đạt 4%.

Bài liên quan

Theo thông tin từ Sở Tài chính Quảng Trị, tiến độ giải ngân vốn các Chương trình MTQG năm 2023 chuyển biến tích cực và được cải thiện so với năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn 5 tháng đầu năm 2024 mới đạt 13% kế hoạch (gồm kế hoạch vốn năm 2023 chuyển sang khoảng 335 tỷ đồng). Điều này gây nên áp lực rất lớn trong việc giải ngân vào năm 2024.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp được cho là xuất phát từ việc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 tích hợp rất nhiều chương trình, chính sách từ giai đoạn trước, liên quan nhiều lĩnh vực, hệ thống văn bản quy định hoàn toàn mới và thiếu đồng bộ. Việc tiếp cận áp dụng văn bản tại địa phương còn lúng túng và nhiều văn bản giao thẩm quyền địa phương ban hành dưới dạng quy phạm pháp luật nên mất nhiều thời gian để vừa tiếp cận, nghiên cứu, tham mưu và sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn. Giai đoạn 2021 - 2023 là những năm đầu của giai đoạn triển khai, các chương trình, nguồn vốn bố trí muộn trong khi một số dự án sau khi phân bổ còn phải thẩm định, phê duyệt, đấu thầu...

Trong khi người dân đang ngày đêm mong ngóng. Ảnh: Võ Dũng.

Trong khi người dân đang ngày đêm mong ngóng. Ảnh: Võ Dũng.

Số lượng văn bản liên quan đến quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chương trình liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Một số nội dung còn chồng chéo, hướng dẫn chưa rõ nên triển khai gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình còn hạn chế, số lượng biên chế các phòng, ban ở cấp huyện, cấp xã ít đã ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu, triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên, chậm trễ ban hành văn bản, lập dự toán và giải ngân. Việc tổ chức thực hiện chương trình ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt ngay từ đầu năm; công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chưa thật sự được quan tâm...

Vốn sự nghiệp từng chương trình được giao chi tiết đến dự án, lĩnh vực chi. Trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần không còn đối tượng hỗ trợ hoặc không đủ điều kiện để giải ngân nhưng không thể điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân nhanh hơn nhưng thiếu vốn...

Cần khơi thông “điểm nghẽn”

Theo báo cáo của Sở Tài chính Quảng Trị, giải ngân nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình MTQG tại Quảng Trị như hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị... đang gặp khó. Sở Tài chính Quảng Trị cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, cần phải khơi thông những “điểm nghẽn” để chính sách đi vào cuộc sống.

Tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả đang bị đặt nhiều dấu hỏi khiến cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi quẩn quanh với cái nghèo. Ảnh: Võ Dũng.

Tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả đang bị đặt nhiều dấu hỏi khiến cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi quẩn quanh với cái nghèo. Ảnh: Võ Dũng.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV diễn ra vào ngày 25/5, trong phiên thảo luận tổ, đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho rằng, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, đây là chương trình mới, nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Quá trình thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện chương trình. Một số văn bản về quản lý chương trình đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn gặp một số vướng mắc. Điển hình là một số dự án, tiểu dự án liên quan đến việc giải quyết những vấn đề bức thiết như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất...

Quỹ đất hiện nay tại Quảng Trị không còn nhiều trong khi định mức kinh phí hỗ trợ cho địa bàn khó thì rất thấp. Những vùng đất còn lại muốn khai hoang, tạo mặt bằng cho dân thì cần chi phí lớn. Hạn mức hỗ trợ hộ nghèo không có đất, chưa giao đất là 2ha đất rừng, 1ha đất sản xuất. Địa phương nào không đủ điều kiện về đất đai thì bố trí kinh phí hỗ trợ cho dân tự ở ổn định theo hình thức xen ghép với định mức hỗ trợ chỉ 22,5 triệu đồng. Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn trong việc đối ứng xây dựng nhà ở. Đối ứng 10% của chính quyền địa phương cũng không đủ để làm nhà đúng tiêu chuẩn 3 cứng ... Vấn đề nước sạch, chính sách hỗ trợ quá nhỏ lẻ, manh mún, không phát huy hiệu quả.

Bà Hồ Thị Minh cho rằng, Chính phủ cần khơi thông nhiều 'điểm nghẽn' để chính sách sớm đến với người dân, phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.

Bà Hồ Thị Minh cho rằng, Chính phủ cần khơi thông nhiều "điểm nghẽn" để chính sách sớm đến với người dân, phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.

Các doanh nghiệp được hỗ trợ nằm trong 3 Chương trình MTQG buộc phải có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số. Quy định này gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động ở khu vực ngoài địa bàn xã đặc biệt khó khăn...

Những “điểm nghẽn” trên khiến mục tiêu của chương trình hoàn thành vào năm 2025 thiếu khả thi trong khi thời gian thực hiện còn rất ngắn. Vì vậy, đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng, điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 là hết sức cần thiết.

Tỉ lệ hộ nghèo tại Quảng Trị đã giảm dần và đạt kế hoạch đề ra: Giai đoạn 2001 - 2005 giảm trên 3%/năm; 2006 - 2010 giảm gần 3%/năm; 2010-2015 giảm trên 2,5%/năm; 2016 - 2021 giảm 1,6%/năm; 2022 - 2023 giảm trên 1,4%/năm. Tuy nhiên, giảm nghèo thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; phân hóa giàu - nghèo tăng; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai...

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.