Sau chức vô địch V-League và đăng quang giải U21 Quốc gia của Viettel mùa trước, CLB áo lính nghiễm nhiên được xếp chung mâm với Hà Nội trên mọi mặt trận. Đây được xem như hai thế lực lớn nhất của bóng đá nội hiện tại, bởi không chỉ có đội một, các tuyến trẻ của họ được đầu tư bài bản.
Lấy ví dụ giải U21 Quốc gia, trước khi Viettel lên ngôi năm 2020, Hà Nội đã là số một 4 trong 5 lần tổ chức gần nhất. Ngay cả cấp độ thấp hơn, là giải U19 Quốc gia, Hà Nội cũng chiếm ưu thế khi vô địch 3 trong 5 mùa gần nhất. Chính bởi có nhiều cầu thủ trẻ tài năng, sau đó cho đi mượn tích luỹ kinh nghiệm ở các CLB V-League, đội bóng bầu Hiển dư thừa lực lượng. Quang Hải, Hùng Dũng, Đình Trọng... đều được tôi luyện từ môi trường như này.
Viettel tất nhiên là không kém cạnh. Trước khi nhờ tới cái duyên của HLV Trương Việt Hoàng để trở lại đỉnh cao V-League, họ cũng gặt hái không ít thành tích cấp độ trẻ. Họ vào bán kết U21 năm 2018, và giành ngôi á quân năm 2017. Ở cấp U19, Viettel cũng vào bán kết năm 2018 và chung kết năm 2016. Tựu trung lại, chức vô địch năm 2020 của họ là sự hội tụ từ nhiều yếu tố: tài chính, cách làm đúng đắn và dàn cầu thủ tài năng.
Không thể có chuyện tự dưng cúp bạc rơi xuống đầu Viettel, bởi nếu không nhiều CLB khác từng lắm tiền nhiều của trong quá khứ như Ninh Bình, Thanh Hoá, Sài Gòn Xuân Thành cũng đã ghi danh sử sách.
Nhìn từ Hà Nội, Viettel, cộng thêm những địa phương có công tác đào tạo trẻ tốt như HAGL, SLNA, hay Khánh Hoà, người ta càng thấy lợi ích của việc phát triển bền vững. HAGL, SLNA từng đối mặt với nguy cơ xuống hạng, nhưng nhờ dàn nội binh thi đấu vì màu cờ sắc áo, họ vẫn bám lại được V-League. Khánh Hoà tuy ở hạng Nhất, nhưng lúc nào cũng chực chờ ngày lên hạng. Cả 3 đội, cùng với Hà Nội, còn một điểm chung nữa, là luôn tôn thờ bóng đá tấn công.
Viettel cũng từng chơi tấn công như vậy. Họ chỉ biến sang đá phòng ngự từ giai đoạn hai mùa trước, khi nhận thấy cửa vô địch. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận một thực tế của họ, là cùng với 4 đội phía trên, là luôn tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ. Những cầu thủ thuộc lứa U21, thậm chí U19, sau khi có thành tích, đều được cất nhắc lên đội chính. Hệ quả thế nào ai cũng thấy, những người này khi lên đội U19 hoặc U23 Việt Nam đều chơi vô cùng chững chạc, thậm chí là trụ cột.
HLV Park Hang-seo từng than trời về việc thiếu tiền đạo giỏi, nhưng nếu ngồi trên khán đài theo dõi trận tranh Siêu Cup Quốc gia hôm 9/1 tới, có lẽ ông thầy người Hàn sẽ chẳng mấy lo lắng. Lý do là bởi với những đội có truyền thống đào tạo trẻ, họ sẽ lựa cách sử dụng sao cho phù hợp sản phẩm cây nhà lá vườn. Chính Hà Nội và Viettel, họ có những tiền đạo ngoại hàng đầu như Rimario, Bruno, nhưng chẳng ai nói các vệ tinh xung quanh họ đá kém, hay không biết tấn công cả.
Sau mùa 2020, VFF từng liệt kê danh sách 4 CLB không đạt chuẩn thi đấu, trong đó có những đội thiếu tuyến trẻ. Và khi người ta vẫn còn đang băn khoăn về chuyện tốn chi phí nuôi cầu thủ trẻ, ĐTQG sẽ là nơi chịu thiệt hơn cả.