| Hotline: 0983.970.780

Cẩm Phả hết than thì làm gì?

Thứ Hai 19/08/2024 , 10:36 (GMT+7)

QUẢNG NINH Lãnh đạo UBND TP Cẩm Phả đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về đường hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cẩm Phả cho biết, bắt đầu từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 23 nhiệm kỳ 2020 - 2025, ban lãnh đạo thành phố luôn trăn trở và đặt ra câu hỏi, nếu Cẩm Phả hết than thì làm gì?

Khai thác than tại mỏ than Cao Sơn, Cẩm Phả. Ảnh: Vũ Cường

Khai thác than tại mỏ than Cao Sơn, Cẩm Phả. Ảnh: Vũ Cường

Từ những trăn trở này, mọi người cùng suy nghĩ, thảo luận và Nghị quyết tại Đại hội Đảng bộ lần thứ 23 đã đề ra 4 trụ cột phát triển của Cẩm Phả trong tương lai.

Nghị quyết thì dài nhưng ông Chiến xin nói ngắn gọn.

Trụ cột thứ nhất vẫn là công nghiệp, trong đó 3 ngành chính là khai thác than, nhiệt điện và xi măng. Theo ông Chiến, Cẩm Phả là "thủ phủ" than của Quảng Ninh và cả nước. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo an sinh xã hội thì vẫn phải khai thác than nhưng tỷ trọng sẽ giảm dần.

Trụ cột thứ 2, Cẩm Phả sẽ tập trung đầu tư, phát triển kinh tế biển. Đầu tiên là cảng biển. Ông Đinh Ngọc Chiến cho biết, Cẩm Phả có cảng nước sâu Hòn Nét - Con Ong, hiện tỉnh đã chấp thuận cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu đầu tư một dự án cảng rất lớn tại Hòn Nét - Con Ong. Tập đoàn Tân Cảng cũng đang nghiên cứu đầu tư vào đây. Nếu phát triển được cảng nước sâu Hòn Nét - Con Ong, TP Cẩm Phả kỳ vọng sẽ thu hút được lượng lớn tàu hàng từ bên Hải Phòng.

"Cảng Hòn Nét - Con Ong chưa nạo vét thì tàu trọng tải 50.000 DWT đã vào được rồi. Nếu nạo vét nữa tàu trăm nghìn DWT sẽ vào được. Khi hình thành cảng nước sâu ở đây và hệ thống kết nối liên vùng, Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ là đầu mối logistics của vùng Đông Bắc, phục vụ vận tải và tiếp nhận hàng hóa cho vùng, tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, hiệu quả", ông Chiến phấn khởi nói.

Khu vực cảng Con Ong - Hòn Nét được Bộ Giao thông vận tải xác định là cảng nhóm I. Ảnh: Đỗ Phương.

Khu vực cảng Con Ong - Hòn Nét được Bộ Giao thông vận tải xác định là cảng nhóm I. Ảnh: Đỗ Phương.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế biển nữa của TP Cẩm Phả là đẩy mạnh phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản trên biển gắn với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ môi trường biển.

Để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, TP Cẩm Phả đã quy hoạch và thiết lập Phương án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 gồm 21 khu vực nuôi biển thuộc 7 phường với tổng diện tích 2.476,1ha.

Trong đó, thành phố dành trên 1.433ha cho thu hút đầu tư ở các phường Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Trung. Tổng diện tích nuôi phân tán là hơn 1.042ha nằm ở các phường Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Đông, Cẩm Sơn.

Phương án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của thành phố với mục tiêu chung là phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển TP Cẩm Phả trở thành một ngành sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường tại địa phương, trong nước và xuất khẩu; phát triển hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển gắn kết với sự phát triển của các ngành kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, khách sạn nhà hàng, khai thác hải sản…

Nhất là việc giải quyết một số các vấn đề xã hội như tạo việc làm cho người dân, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng trên biển.

Vịnh Bái Tử Long Cẩm Phả. Ảnh: Vũ Cường.

Vịnh Bái Tử Long Cẩm Phả. Ảnh: Vũ Cường.

Trụ cột thứ 3 TP Cẩm Phả hướng đến là phát triển dịch vụ du lịch. Ông Đinh Ngọc Chiến tự hào khi Cẩm Phả có đền Cửa Ông linh thiêng, là di tích quốc gia đặc biệt, mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái.

Ngoài đền Cửa Ông, Cẩm Phả sở hữu nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, có độ mặn và nhiệt độ cao, là một trong 3 địa điểm nước khoáng Brom nổi tiếng nhất thế giới. Tạo tiền đề phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp, đưa Cẩm Phả trở thành điểm du lịch sức khỏe nổi tiếng của toàn khu vực miền Bắc.

Đặc biệt, thành phố có vịnh Bái Tử Long kỳ vĩ, khu đảo Vũng Đục độc đáo, đường bờ biển dài trên 70km với hệ thống trên 50 đảo, nhiều bãi tắm sạch đẹp. Thăm đền Cửa Ông, tắm khoáng nóng kết hợp tham quan trải nghiệm các đảo đất trong vùng vịnh Bái Tử Long, ngủ đêm trên vịnh Bái Tử Long sẽ là những hoạt động thu hút đông du khách đến với Cẩm Phả.

Trụ cột thứ 4 được ông Đinh Ngọc Chiến nhấn mạnh là sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân. Vị Phó Chủ tịch Cẩm Phả cho rằng nếu doanh nghiệp và người dân không đồng thuận thì 3 trụ cột trên không thể hoàn thành.

Cẩm Phả là trung tâm khai thác than lớn nhất cả nước, tập trung nhiều mỏ than như: Quang Hanh, Dương Huy, Thống Nhất, Mông Dương, Khe Chàm, Cao Sơn, Đèo Nai - Cọc Sáu, than Hạ Long, Công ty 790, Công ty 35, Công ty Khe Sim, Công ty Khai thác Khoáng sản,...

Các mỏ than đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.

Xem thêm
Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, cơ hội cho Việt Nam

Hiện ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Công ty Tiến Nông hỗ trợ đồng bào lũ lụt gần 1,5 tỷ đồng

Ngoài việc ủng hộ đồng bào, sắp tới doanh nghiệp sẽ đồng hành, hỗ trợ bà con tổ chức sản, tái thiết sản xuất nông nghiệp.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.

Bình luận mới nhất