TKV bị thiệt vì phải bán than thấp hơn giá thành
Chia sẻ tại Triển lãm quốc tế về Công nghiệp khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và xây dựng - Mining Vietnam 2022, mới diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết vì an sinh xã hội và nhiệm vụ Chính phủ giao, ngành than đang phải chịu thiệt thòi khi giá bán than cho các hộ tiêu thụ chưa được theo giá thành sản xuất, nhất là than cho sản xuất điện.
Ông Nguyễn Ngọc Cơ lý giải: Các chi phí liên quan đến khai thác của tập đoàn ngày càng tăng do khai thác sâu và chi phí đầu vào tăng cao. Bởi vậy, giá thành khai thác trên mỗi tấn than tăng lên nhiều so với trước kia, trong khi lượng tiêu thụ, cung ứng than cho các hộ như sản xuất điện, thép, xi măng cơ bản vẫn giữ nguyên. Đặc biệt về giá thành, vẫn được giữ nguyên so với 5 năm, chưa tăng đồng nào.
"Chính vì thế, phần rủi ro, thiệt thòi là tập đoàn đang phải chịu. Mà sản lượng than cho sản xuất điện thường chiếm 80% tổng sản lượng khai thác. Còn than xuất khẩu vẫn đang theo thị trường thế giới, chỉ chiếm khoảng trên 10%", ông Nguyễn Ngọc Cơ nói.
Ông Cơ cho biết thêm, mỗi năm tập đoàn khai thác được hơn 40 triệu tấn. Theo chỉ đạo của Chính phủ, TKV luôn có kế hoạch hàng năm để sản xuất, đảm bảo cân đối nguồn cung cho các hộ tiêu thụ như điện, đạm, xi măng… Tuy nhiên, giá thế giới đang ở mức cao, đây là thách thức và là thiệt thòi mà tập đoàn đang phải chịu.
Giá than khó tăng để giữ ổn định giá điện
Trước đó, cử tri đã phản ánh đến Bộ Tài chính, liên quan đến giá than của TKV bán cho ngành điện. Cử tri cho rằng hiện nay giá than bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện theo giá kê khai với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, lúc TKV kê khai thường vướng mắc khi hiệp thương với EVN, vì vậy giá than bán cho điện chưa thực hiện theo giá thị trường.
Bởi vậy, cử tri đề nghị Bộ Tài chính cho tăng giá bán than cho điện theo giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than của Tập đoàn TKV có lợi nhuận hợp lý và hạn chế gian lận thương mại do chênh lệch giá bán than cho ngành điện và các ngành khác.
Trên thực tế, hiện nay giá than sản xuất trong nước bán cho sản xuất điện đang được giữ nguyên từ nhiều năm qua, TKV chỉ điều chỉnh giá than đối với than có pha trộn nhập khẩu. Đề xuất tăng giá bán than cho ngành điện cũng từng được TKV đề xuất trước đó, do giá nhập khẩu than và chi phí vận chuyển tăng.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật Giá và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Giá thì mặt hàng than, bao gồm cả than bán cho sản xuất điện thuộc danh mục hàng hóa kê khai giá (không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá hoặc bình ổn giá).
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than căn cứ tình hình thực tế (khai thác, vận chuyển, nhập khẩu, chế biến, pha trộn…), tự quyết định giá, trao đổi, thỏa thuận, thống nhất với bên mua về mức giá; trên cơ sở đó kê khai giá bán với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Thời gian qua, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, gây biến động giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào làm tác động tăng giá thành sản xuất trong nước.
Để chủ động ứng phó với những áp lực lạm phát tăng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, kiểm soát lạm phát để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mặt hàng điện tiếp tục được giữ ổn định giá.
Để chia sẻ khó khăn với Tập đoàn EVN, Tập đoàn TKV đã thống nhất với EVN chỉ điều chỉnh (tăng, giảm) giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước theo diễn biến giá than nhập khẩu; giá than sản xuất trong nước bán cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tiếp tục giữ ổn định.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trước diễn biến giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn ở mức cao; nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu đã giảm trong các kỳ điều hành vừa qua; đồng thời triển khai thực hiện Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 7955/BTC-QLG ngày 10/8/2022 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp về việc tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá.
Trong đó, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá, đã đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát phương án giá đã kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng, đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.