Những năm qua, nhiều nỗ lực và giải pháp nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã được triển khai. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là đối với rau quả gây nguy cơ mất ATTP vẫn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Một giả thiết đang đặt ra: Liệu có thể cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc BVTV độc hại (mà trước hết là trên rau) hay không?
NNVN đã mở diễn đàn nêu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lí... về vấn đề này.
Ông Trương Quốc Tùng – Phó chủ tịch Hội KHKT Bảo vệ thực vật VN: Mọi nhức nhối nằm ở danh mục thuốc
Cần giảm ngay ít nhất 30% tên thuốc
Trước hết, phải khẳng định danh mục thuốc BVTV hiện quá nhiều. Trước mắt, tôi nghĩ hoàn toàn có thể cắt giảm ít nhất 30% số lượng tên thuốc trong danh mục.
Điều tra gần đây do Hội BVTV tiến hành tại 5 tỉnh (trong đó có Lâm Đồng, Hà Nội và Vĩnh Phúc...) cho thấy, chỉ có dưới 100 tên thuốc BVTV được nông dân thường xuyên sử dụng trên rau và lúa, tập trung ở khoảng 10-15 hoạt chất chính. Ngay như Lâm Đồng là tỉnh có nhiều loại cây trồng đa dạng nhất cũng chỉ có khoảng dưới 200 tên thuốc BVTV thường xuyên lưu hành.
Thế nhưng hiện nay, chúng ta lại đang có tới hơn 4.000 tên thuốc BVTV đã được đăng ký và hơn 1.000 hoạt chất (chưa nói, cùng 1 tên thuốc khi ra thương mại lại đăng ký rất nhiều nồng độ khác nhau, ví dụ Aremec 18EC (nồng độ 18% hoạt chất), Aremec 36EC, Aremec 45EC.
Tương tự New sodan 2.0, 4.0, 5.0, 5.3, 4.4; Silsau 1.8EC, 3.6EC, 4EC, 4.3EC, 4.5EC, 4.7EC, 5EC, 5.3EC, 5.5EC, 6EC, 6.5EC, 8EC, 10WP, thành ra trên thực tế có hàng chục nghìn sản phẩm thuốc BVTV thương mại, thị trường thuốc như ma trận - PV).
Theo tôi, ngành BVTV hiện nay chỉ cần chọn ra 200 tên thuốc nông dược tốt để nông dân lựa chọn sử dụng đã là quá đủ, chứ không nhất thiết phải có tới chừng ấy tên thuốc và hoạt chất đăng ký.
Nông dân đang ngơ ngác trước mê hồn trận thuốc BVTV
Mọi vấn đề nhức nhối nhất về thuốc BVTV hiện nay đều đang nằm ở danh mục thuốc BVTV. Có quá nhiều tên thuốc được cho phép NK, trong đó có quá nhiều sự trùng lặp. Có những hoạt chất có tới 100-150 tên thương mại, trong khi thế giới hiện nay trung bình họ chỉ có khoảng 5-7 tên thương mại/hoạt chất...
Nguy hiểm là rất nhiều loại thuốc có độ độc, thời gian cách li rất dài hiện vẫn được phép NK. Trước mắt, cần phải cố gắng giảm ít nhất 30% tên thuốc cũng như lượng thuốc BVTV thuộc nhóm độc hại này.
Đồng thời, phải điều chỉnh ngay về chính sách NK. Loại thuốc nào chúng ta không khuyến khích NK, phải đánh thuế thật nặng, hoặc mỗi hoạt chất, chỉ cho phép một số Cty được phép NK và đăng ký 5-7 tên thương mại thôi, chứ không thể tới mấy trăm tên thương mại như hiện nay.
Về kinh doanh thuốc BVTV, có thể nói mạng lưới kinh doanh thuốc BVTV chúng ta đã bung ra tới mức không thể kiểm soát nổi. Thống kê sơ bộ, cả nước hiện có tới hơn 200 DN kinh doanh, NK, sang chai đóng gói... thuốc BVTV cùng với khoảng 30 nghìn đại lý kinh doanh nông dược.
Điều tra của Hội BVTV cho thấy, trong số chi phí 500-700 triệu USD/năm cho thuốc BVTV ở nước ta, thì tới 70% chỉ tập trung ở khoảng 20 Cty thuốc BVTV lớn. Còn lại, khoảng trên 180 Cty chỉ đóng góp khoảng 30% doanh số còn lại. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh của các Cty thuốc BVTV siêu nhỏ, “siêu mini” ngày càng mọc lên như nấm.
Tôi nghĩ, nước ta hiện chỉ cần khoảng 20-30 DN kinh doanh và NK thuốc BVTV đã là quá đủ, chứ không cần tới hơn 200 Cty kinh doanh thuốc BVTV như hiện nay.
Đi đôi với việc cắt giảm số lượng DN, phải chấn chỉnh ngay hệ thống mạng lưới đại lí kinh doanh thuốc BVTV. Bởi hệ thống này đang phát tán bung bét, chẳng có ai quản lí nổi, giỏi lắm chỉ được dăm ba bữa tập huấn là cùng, còn đại loại là ai thích buôn thuốc BVTV cũng được.
Thực tế trên 70% chủ đại lí kinh doanh thuốc BVTV không có bằng cấp chuyên môn gì liên quan đến thuốc BVTV, trong khi đó điều tra ở các tỉnh phía Nam cho thấy có tới trên 65% nông dân đi mua thuốc BVTV chỉ đều dựa vào khuyến cáo của chủ đại lí. Đây là điều vô cùng tai hại. Trong khi đó, thanh tra ngành BVTV có thể nói đang đi thụt lùi.
Theo tính toán, trung bình, mỗi cán bộ thanh tra ngành BVTV hiện phải gánh nhiệm vụ giám sát tới 200-300 đại lý nông dược nên hoàn toàn quá tải, chưa kể quyền hạn trong tay gần như không có gì. Bởi thanh tra chuyên ngành BVTV hiện nay không còn nữa, mà chỉ nằm trong lực lượng thanh tra chung ở các Sở NN-PTNT, Bộ NN-PTNT nên chẳng có quyền hạn gì nhiều.
Cấm thuốc hóa học, được hay không?
Thế giới hiện chưa có nước nào hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV. Nhưng chiến lược giảm nguy cơ của thuốc BVTV thì nhiều quốc gia đã thực hiện có lộ trình. Còn Việt Nam, đến nay vẫn chưa hề có một lộ trình, đề án cắt giảm cụ thể nào, mà chỉ mang tính hô hào kêu gọi chung chung thôi.
Nhiều tính toán cho thấy, hoàn toàn có thể giảm được ít nhất 50% lượng thuốc BVTV tiêu thụ hàng năm trên thế giới (trong tổng số 30-35 tỉ USD/năm). Điển hình cho chiến lược cắt giảm đó là các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch... trong vòng 15 năm gần đây, họ đã từng bước cắt giảm và đến nay đã giảm được 50% lượng thuốc BVTV so với trước.
Trong đó, trước hết họ cắt giảm đối với các loại thuốc BVTV độc hại trên nhiều loại đối tượng cây trồng, đặc biệt là rau.
Trong các đối tượng cây trồng, thì việc cắt giảm sử dụng thuốc BVTV trên rau vẫn là phức tạp và khó khăn nhất, bởi rau nhiều chủng loại, ngắn ngày, việc cách li hạn chế..., trong khi có rất nhiều loại sâu bệnh gây hại, khó sử dụng các loại thuốc sinh học đòi hỏi phải sử dụng trong dài ngày.
Vậy, nếu cấm hoàn toàn các thuốc BVTV độc hại trên rau (trước mắt là các thuốc hóa học) thì có thực hiện được hay không? Điều gì có thể xẩy ra đối với an toàn dịch bệnh trong SX rau? Tôi cho rằng, với các chủng loại thuốc sinh học không độc hại khá đa dạng như hiện nay, nếu loại bỏ hoàn toàn thuốc hóa học (trước hết là đối rau) thì trước mắt, hoạt động SX rau có thể sẽ không có nhiều ảnh hưởng.
Gần đây, ở Vĩnh Phúc đã có mô hình SX hàng chục ha rau, chỉ hoàn toàn dùng thuốc sinh học không độc hại nhưng cho thấy vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh và đạt tiêu chuẩn SX VietGAP. Nhiều mô hình SX rau ở Lâm Đồng không hề sử dụng thuốc BVTV hóa học, vẫn cho năng suất, chất lượng, kiểm soát được sâu bệnh rất tốt.
Điều này cho thấy trong ngắn hạn và trong phạm vi nào đó, mô hình hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV hóa học độc hại, vẫn có thể SX rau đảm bảo năng suất. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng trên phạm vi cả nước trong dài hạn, sẽ khó có thể khẳng định việc “cấm tiệt” sử dụng thuốc BVTV hóa học độc hại liệu có thể đảm bảo được an toàn dịch bệnh cho hoạt động SX rau hay không.
Bởi có thể vào mùa đông sâu bệnh ít hoàn toàn có thể sử dụng thuốc sinh học, nhưng về mùa hè, nếu không sử dụng thuốc BVTV hóa học, sâu bệnh bùng lên thì liệu sử dụng thuốc sinh học dài hạn có đảm bảo được an toàn dịch bệnh hay không? Điều này khó mà khẳng định được.
Giải pháp trước mắt, tôi cho rằng Chính phủ cần có ngay một đề án, chiến lược hay lộ trình cụ thể nào đó nhằm giảm thiểu thuốc BVTV mang tính dài hơi, có thể 20-30 năm tới. Có đề án cụ thể, chúng ta mới xác định rõ mục tiêu dài hơi đến năm 2020 hay 2030, mạng lưới SX kinh doanh thuốc BVTV sẽ ra sao, danh mục thuốc sẽ thế nào, SX gia công thuốc BVTV ở VN ra sao?
Mục tiêu giảm bao nhiêu % thuốc BVTV, tập huấn sử dụng thuốc BVTV cho nông dân hay mở rộng hệ thống SX áp dụng IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp), VietGAP ra sao..., theo đó mới có thể có chính sách cụ thể kèm theo, chứ không thể cứ ban hành chính sách cho từng năm như hiện nay.
“Về danh mục thuốc BVTV, nhất thiết cần phải loại bỏ ít nhất 30% số lượng tên thuốc cũng như lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm, đồng thời phân loại chặt chẽ hơn nữa. Chúng ta hiện cũng đã phân ra các loại thuốc được phép sử dụng, loại hạn chế sử dụng và loại cấm sử dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc phân loại cần phải chi tiết, cụ thể hơn nữa. Ví dụ: Ngay trong nhóm thuốc được phép sử dụng, cần phân loại tiếp thành loại nào khuyến khích sử dụng và NK, loại nào không khuyến khích sử dụng và NK...”. (Ông Trương Quốc Tùng)