Theo đó, khi đến làm thủ tục tại phường, chị phải chờ đợi, đi lại nhiều lần và chứng kiến "thái độ vô cảm" của cán bộ.
Cán bộ phường Văn Miếu bị tố "vô cảm" |
Cụ thể, cán bộ phường Nguyễn Lê Hiếu “vẫn nhìn vào máy tính rồi vẩy tay chỉ sang bàn bên cạnh”. Khi to tiếng thắc mắc, chị gái chị Hoa bị Phó chủ tịch phường Nguyễn Thị Thúy Hà cho là "vô văn hóa" và bị mời ra khỏi phòng. Việc chậm trễ giấy chứng tử khiến đám tang của bố chị Hoa phải lùi lại một ngày.
Phản hồi ý kiến, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Vũ Mai Khanh cho hay cán bộ phường làm đúng quy trình, tuy nhiên bà nhận trách nhiệm trong việc cán bộ thực thi nhiệm vụ chưa làm hài lòng dân và lãnh đạo phường xin rút kinh nghiệm trong việc tiếp dân, tiếp nhận xử lý các thủ tục nhạy cảm.
Câu chuyện cãi vã và xử thế kém cỏi này khá phổ biến với các công chức nhà nước ở Hà Nội, đặc biệt là với các cán bộ cơ sở.
Qua khảo sát các thủ tục, trong đó bao gồm đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, thì theo PAPI 2016 - Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, việc thiếu công khai, minh bạch về phí, lệ phí làm thủ tục và năng lực thực hiện công việc (năng lực, thái độ của công chức thừa hành và trả kết quả làm thủ tục đúng lịch hẹn) của công chức cấp xã/phường còn hạn chế, là 2 yếu tố chính dẫn tới mức độ hài lòng chưa cao ở nhiều địa phương.
Những người tham gia khảo sát trả lời đã sử dụng dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền năm 2016, trong số 4 tiêu chí được sử dụng để đo lường, 3 vấn đề vẫn cần được cải thiện là công khai phí, lệ phí, mức độ thạo việc và thái độ của cán bộ, công chức thừa hành nhiệm vụ.
Theo nhận xét của các chuyên gia trong lĩnh vực hành chính công, rất cần đưa vào quá trình hoạt động công vụ những giải pháp, những biện pháp kỹ thuật khách quan bắt buộc mọi công chức, dù muốn hay không muốn, vẫn phải tuân thủ chấp hành. Trong công nghệ hành chính, người ta đã áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo bộ tiêu chuẩn ISO-9000 áp dụng cho cơ quan hành chính nhà nước. Nếu tuân thủ đúng quy trình thì công chức không có lý do gì chần chừ không giải quyết đúng hẹn công việc của dân. Với kỹ thuật này hoàn toàn có thể kiểm tra từng vị trí công việc trong hệ thống, từ người thừa hành một phần việc trong công đoạn đến lãnh đạo các cấp, nếu bộ phận nào, cá nhân nào không tuân thủ những quy định, không làm đúng quy chế cam kết sẽ bị loại ra lập tức.
Về hiệu quả cung ứng dịch vụ công, thì chỉ có mỗi Hà Nội - là thành phố trực thuộc trung ương chưa bao giờ có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất. Dù không phải địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội hay địa lý khó khăn, năm 2016, Hà Nội rơi vào trong nhóm đạt điểm thấp nhất.
Hà Nội cần sớm áp dụng “công nghệ hành chính” ISO-9000 đi thôi. Nếu không, theo cách thức hiện nay, công chức Hà Nội khi ngồi ở vị trí làm việc sẽ luôn có bộ mặt vô cảm của "người cho", và xử thế theo cách “làm khó sẽ ló ra tiền”.
Và những vụ việc như ở phường Văn Miếu sẽ còn diễn ra nhan nhản.