| Hotline: 0983.970.780

Cần phân biệt 'tích tụ' và 'tập trung ruộng đất nông nghiệp'

Thứ Ba 14/03/2023 , 16:10 (GMT+7)

Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ về tích tụ, hạn mức ruộng đất để vừa 'cởi trói' cho sản xuất, vừa bảo đảm quyền, lợi ích của người sở hữu đất.

Một trong những nội dung quan trọng được nhiều người quan tâm tại Luật Đất đai sửa đổi đang xây dựng dự thảo, đó là quy định về tích tụ ruộng đất, tập trung ruộng đất, hạn mức ruộng đất (hạn điền). Vấn đề này cần được quy định để làm sao hài hoà ở góc độ, vừa “cởi trói” cho sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đàm quyền, lợi ích của người có quyền sở hữu đất nông nghiệp.

TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc phân biệt “tích tụ” và “tập trung ruộng đất nông nghiệp” không chỉ là minh bạch hóa về hình thức mà là quá trình sử dụng đất sau tích tụ, tập trung đã xuất hiện nhiều vấn đề cả kinh tế và cả xã hội. Ông đề nghị, trước hết cần cân nhắc thuật ngữ “tích tụ ruộng đất”.

Empty

Dự thảo Luật Đất đai cũng cần xem xét quy định rõ ràng, minh bạch về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của các cá nhân. Ảnh: Kiên Trung.

Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, tại điểm 47, Điều 3 - Giải thích từ ngữ, dự thảo viết: “Tích tụ đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất để tổ chức sản xuất thông qua phương thức nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà có thực hiện chuyển quyền sử dụng đất”.

Giải thích này có lẽ vừa chưa đủ các hình thức chuyển quyền sử dụng đất, vừa chưa phân biệt được bản chất và hệ quả của các hình thức chuyển quyền sử dụng đất. Bởi việc chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp gồm tích tụ và tập trung ruộng đất.

Ông phân tích: tích tụ ruộng đất là quá trình nhận chuyển nhượng (mua) quyền sử dụng đất để làm tăng diện tích đất sử dụng, từ nhiều chủ sử dụng thành một chủ sử dụng duy nhất. Người tích tụ có quyền sử dụng đất lâu dài nên yên tâm hơn khi đầu tư phát triển nông nghiệp trên đất đã tích tụ (mua được).

Còn tập trung ruộng đất là sự liên kết nhiều mảnh đất của nhiều chủ sử dụng khác nhau thành khu đất lớn. Nhưng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân vẫn không thay đổi (người cho thuê đất, cho mượn đất hay góp vốn bằng đất vẫn còn quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn thuê, mượn hoặc làm ăn kém hiệu quả, người cho thuê, mượn hoặc góp vốn có quyền lấy lại đất của mình).

Như vậy, tích tụ và tập trung ruộng đất có điểm chung là cùng làm tăng diện tích đất nhằm tăng quy mô sản xuất hướng đến hiệu quả cao, nhưng khác nhau ở chỗ, người chuyển nhượng (người bán quyền sử dụng đất cho người tích tụ) thì mất quyền sử dụng đất; còn tập trung (dồn điền đổi thửa, cho thuê, cho mượn, góp vốn bằng đất) dù không còn đất canh tác riêng song vẫn còn quyền sử dụng đất.

Đối với người tích tụ đất thì yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài, còn người tập trung đất thì không yên tâm lắm vì một số hình thức tập trung như thuê, mượn... là có thời hạn...

Việc phân biệt tích tụ và tập trung ruộng đất nông nghiệp không chỉ là minh bạch hóa về hình thức mà là quá trình sử dụng đất sau tích tụ, tập trung đã xuất hiện nhiều vấn đề cả kinh tế và cả xã hội.

Trong đó có những vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm, ví như, trong quá trình tích tụ có một bộ phận nông dân làm ăn khó khăn, sinh ra túng thiếu, bán hết quyền sử dụng đất (nói tắt là bán hết đất), rơi vào tình trạng như là bị "bần cùng hóa"! Thực tiễn, chúng ta đã xử lý rất quyết liệt câu chuyện này...

Từ những lý giải trên, TS. Bùi Ngọc Thanh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thuật ngữ “tích tụ ruộng đất” của dự thảo cần chuẩn xác hơn, vì từ ngữ này được sử dụng ở nhiều điều, khoản của dự thảo Luật.

Cân nhắc việc đặt ra hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp

Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng cần nghiên cứu, cân nhắc việc đặt ra hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của các cá nhân.

Tại khoản 1 Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 quy định được nhận không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại khoản 1 Điều 171, quy định này đã được điều chỉnh thành, được nhận không quá 15 lần (tức là gấp rưỡi so với Luật hiện hành).

“Do vậy, cần xem xét lại quy định này vì có điểm chưa sát hợp với thực tế. Ví dụ: đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất không quá 3ha đối với mỗi loại đất thuộc khu vực Nam Bộ thì mức nhận chuyển quyền hiện tại là không quá 30 ha. Nay đưa lên gấp rưỡi, tức là không quá 45 ha.

trang-trai-bo-th-0614

Tích tụ ruộng đất, tập trung ruộng đất, hạn mức ruộng đất (hạn điền) đang là nội dung được nhiều người dân quan tâm tại Luật Đất đai sửa đổi đang được xây dựng dự thảo.

Các vùng còn lại tương tự như vậy, từ không quá 20 ha lên không quá 30 ha. Các con số 30 hay 45 ha thấp thua xa với thực tế, vì từ năm 2020 ở đồng bằng sông Hồng đã có chủ đơn vị sản xuất sử dụng trên 100 ha. Ở đồng bằng sông Cửu Long có đơn vị sản xuất còn có số ruộng đất lớn hơn thế nhiều”.

“Trong bối cảnh định hướng của chúng ta là tiến lên sản xuất lớn, tập trung, phân công lại lao động, giảm nhanh lao động nông nghiệp và lấy hiệu quả sản xuất làm đầu thì không nhất thiết phải đặt ra hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Vấn đề là phải quy định chặt chẽ điều kiện được nhận chuyển quyền và chế tài rõ ràng, cụ thể, hợp lý để không xảy ra tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp”, ông phân tích.

Cùng chung băn khoăn, KS. Thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn (Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP. HCM) nêu ý kiến: “Dự thảo Luật Đất đai lần này giải quyết tốt vấn đề tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn khi tách nó thành 2 khía niệm: "Tập trung đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua phương thức hợp tác, chuyển đổi hoặc thuê quyền sử dụng đất của người khác mà không làm mất đi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất" và "Tích tụ đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất để tổ chức sản xuất thông qua phương thức nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà có thực hiện chuyển quyền sử dụng đất"

Luật phân biệt như vậy và chính sách là hạn chế tích tụ đất (bằng hạn điền) và khuyến khích hình thức tập trung đất. Vì tích tụ đất thì nông dân mất ruộng, còn tập trung đất thì nông dân vẫn sở hữu quyền sử dụng đất của mình. Nếu không hạn chế tích tụ đất thì rất nguy hiểm.

"Thu hồi đất: việc quan trọng hàng đầu là người dân phải có việc làm, thu nhập ổn định"

Chương VI của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về nội dung "Thu hồi đất, trưng dụng đất" mới thể hiện được một phần tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, mới đáp ứng được nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư; còn quy định ở các nội dung khác còn khá mờ nhạt.

Về mặt tâm lý chung, lo lắng đầu tiên của người dân bị thu hồi đất sản xuất là làm sao để có việc làm ổn định lâu dài, bảo đảm được cuộc sống trong tương lai. Mặt khác, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương bảo đảm cuộc sống của người dân bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ sau khi bị thu hồi đất. Muốn vậy, việc quan trọng hàng đầu là người dân phải có việc làm, có thu nhập ổn định, thường xuyên.

Quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào khoản 2 Điều 74 cho phép "nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền...", một số địa phương đã xảy ra tình trạng cứ giao được gói tiền cho người bị thu hồi đất là coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Không ít người dân nhận tiền bồi thường nhưng không có việc làm mới; không việc làm nhưng vẫn phải ăn, phải tiêu, "miệng ăn, núi lở", bỗng chốc hết tiền, rơi vào hoàn cảnh là đối tượng trợ giúp xã hội!

Rút kinh nghiệm việc này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào các điều về thu hồi đất của Chương VI những vấn đề mới về tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm mới để làm căn cứ cho các quy định cụ thể ở Chương VII, Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.