| Hotline: 0983.970.780

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: 'Cởi trói' đất nông nghiệp

Thứ Tư 22/02/2023 , 19:54 (GMT+7)

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính - Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng đánh giá, dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 có ý nghĩa “cởi trói” đối với đất nông nghiệp.

Theo TS Nguyễn Đình Bồng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Đặc biệt, Dự thảo đã có nhiều quy định mới có tính đột phá có ý nghĩa thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn và sẽ có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mở rộng hạn điền

Về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của Hộ gia đình, cá nhân, Điều 170 dự thảo Luật Đất đai quy định: hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất.

Tại Luật Đất đai 2013, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của Hộ gia đình cá nhân không quá 10 lần.

Với quy định này, diện tích đất cây hàng năm của Hộ gia đình, cá nhân sử dụng tối đa lên tới 45 ha; diện tích đất trồng cây lâu năm vùng đồng bằng 150 ha, vùng Trung du miền núi là 450 ha; diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất 450 ha.

Luật Đất đai 2013 sửa đổi có nhiều điểm mới liên quan tới chính sách đất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất. 

Luật Đất đai 2013 sửa đổi có nhiều điểm mới liên quan tới chính sách đất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất. 

“Điều này đủ lớn để đáp ứng cho Hộ gia đình cá nhân có khả năng, có nhu cầu mở rộng quy mô sử dụng đất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả” – ông Bồng phân tích.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định mới về thời hạn sử dụng đất và hạn mục sử dụng đất nông nghiệp (Chương XII - chế độ sử dụng các loại đất của dự thảo Luật).

Cụ thể, về thời hạn sử dụng đất: bổ sung quy định thời hạn sử dụng ổn định lâu dài đối với: đất rừng sản xuất giao cho cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang, ban quản lý rừng (khoản 3 Điều 140); bổ sung quy định về thời hạn sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức sử dụng của hộ gia đình, cá nhân thông qua việc giải quyết hợp đồng thế chấp để xử lý nợ, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án (khoản 1 Điều 143).

Đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cũng được mở rộng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Điều 213).

Bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp; chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp…

Thúc đẩy tích tụ ruộng đất

Theo TS Nguyễn Đình Bồng, giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đã hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng và toàn diện với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Thời điểm này, Luật đất đai 2013 được ban hành có nhiều nội dung đổi mới về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp: mở rộng thời hạn, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp... góp phần đưa nước ta trở thành nhà cung cấp nông sản lớn trên thị trường thế giới.

TS Nguyễn Đình Bồng. Ảnh: Kiên Trung.

TS Nguyễn Đình Bồng. Ảnh: Kiên Trung.

Kết quả kiểm kê đất đai 2019, diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.986.390 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 11.746.456 ha, Nhà nước giao hộ gia đình cá nhân sử dụng 10.570.270 ha, chiếm 90%, các đối tượng khác được giao sử dụng 1.176.186 ha, chiếm 10%. Trên 90 % diện tích đất nông nghiệp Nhà nước giao cho các đối tượng sử dụng đã được cấp Giấy chứng nhận.

“Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp hiện nay, 90% đất sản xuất nông nghiệp do hộ gia đình cá nhân quản lý sử dụng với phương thức sản xuất phân tán quy mô nhỏ, hiệu quả thấp còn phổ biến. Các tổ chức kinh tế chỉ quản lý sử dụng 10% đất sản xuất nông nghiệp, quy mô sản xuất còn nhỏ.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ; lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao. Chuyển dịch lao động nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp dịch vụ chưa bền vững, hộ nông dân vẫn có tâm lý phòng xa những lúc khó khăn phải quay về quê hương, lấy sản xuất nông nghiệp làm chỗ dựa... nên vẫn giữ ruộng dù có để ruộng hoang.

Những hạn chế trên là rào cản đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay” – TS. Nguyễn Đình Bồng phân tích.

“Với những quy định mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.

Ngoài ra, sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài  tiếp cận với đất đai thuận lợi; khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà nước ta có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả” – ông nhận định.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.