| Hotline: 0983.970.780

Luật Đất đai sửa đổi phải bảo vệ được đất rừng, đất lúa

Thứ Năm 09/03/2023 , 21:18 (GMT+7)

Luật sửa đổi cần bảo vệ đất rừng, đất lúa; phân định rõ ràng đất đa mục đích, đất dành cho nghiên cứu khoa học; đất cho sản xuất, chế biến nông lâm thuỷ sản...

Chiều 9/3, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Luật Đất đai là luật gốc, luật chính. Ngoài các ý kiến góp ý tập trung vào 5 lĩnh vực chính của ngành, Bộ NN-PTNT đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các nội dung, lĩnh vực khác ngoài ngành.

2nn

Chiều 9/3, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Mạnh Hùng.

Báo cáo trước Hội nghị, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Mai Hiên cho biết, góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ NN-PTNT tham gia các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, góp ý kiến bằng văn bản (04 lần) đối với nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi được Bộ TN-MT gửi lấy ý kiến. Ngoài ra, Bộ đã tổ chức lấy ý kiến 136 tổ chức, đơn vị và các chuyên gia, nhà khoa học; gửi lấy ý kiến 63 Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện, Vụ Pháp chế đã tổng hợp 70 ý kiến góp ý để gửi Ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi; có 43/63 Sở NN-PTNT được lấy ý kiến góp ý có văn bản phản hồi.

Theo đó, các ý kiến góp ý khẳng định việc sửa đổi, bổ sung các quy định về nhóm đất nông nghiệp là cần thiết.

Các nội dung góp ý dự thảo Luật của các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học là những vấn đề trọng tâm liên quan tới các nội dung về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp như: (1) Phân loại đất và chính sách đối với từng loại đất; (2) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp; (3) căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (4) về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp; (5) về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; (6) về mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; (7) chế độ sử dụng đất đa mục đích; (8) chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; di dân, tái định cư; (9) quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; (10) trách nhiệm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

3nn

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Mạnh Hùng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp định hướng các ý kiến góp ý tại Hội nghị cần tập trung vào 5 lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp, trong đó có các vấn đề: thứ nhất, Luật đất đai sửa đổi nếu được thông qua sẽ tác động như thế nào tới 7 Luật chuyên ngành; thứ hai, vấn đề sử dụng, quản lý đất nông nghiệp, đất lúa; thứ ba, vấn đề khai thác sử dụng quỹ đất cho khoa học công nghệ, viện nghiên cứu; thứ 4, vấn đề về đa mục đích sử dụng đất và cuối cùng là vai trò của Bộ trong công tác quản lý, tham gia quy hoạch sử dụng đất… sau khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, có hiệu lực.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng khuyến nghị, các ý kiến góp ý không được sa đà theo hướng suy luận việc Luật Đất đai sửa đổi sẽ ảnh hưởng như thế nào tới 7 Luật chuyên ngành của Bộ NN-PTNT (gồm Luật Lâm nghiệp; Trồng trọt; Đê điều; Phòng, chống thiên tai; Chăn nuôi; Thủy sản; Thủy lợi) mà phải khẳng định, Luật Đất đai là đạo luật chính, luật cơ bản; các đạo luật chuyên ngành cần có sự điều chỉnh để phù hợp, thống nhất, tránh vướng mắc, chồng chéo với luật.

Phải bảo vệ đất rừng, đất lúa

Phát biểu góp ý, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed thẳng thắn: Luật Đất đai 2013 được triển khai trong 10 năm nhưng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp, trong đó, cần thể chế hoá các quy định về đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp.

nn3

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed. Ảnh: Mạnh Hùng.

“Không một đất nước, tổ chức, doanh nghiệp nào hoạt động mà không có yếu tố đất. Vai trò của đất đai có vị trí hết sức quan trọng. Tôi kiến nghị, Luật Đất đai sửa đổi phải giữ được đất, trồng cây gây rừng. Có rất nhiều ý kiến góp ý của các bạn quốc tế khi tôi sang làm việc, tiếp cận với họ, họ đều khuyên phải giữ lấy đất, giữ lấy rừng”, ông Báo nói.

Ông dẫn chứng: “Năm 1964, tỉnh Thái Bình quai đê lấn biển, đến năm 1968 mới được 200ha đất mới. Năm 2001, tôi đem lúa ra đó cấy, nhưng sau đó địa phương lại chủ trương đưa nước mặn vào để nuôi trồng thuỷ sản. Phải mất rất nhiều công sức, mồ hôi mới có thể cải tạo được ngần ấy đất, nên không giữ được đất là điều rất đáng tiếc. Quốc hội phải “chốt” 3,2 hay 3,5 triệu ha đất lúa và cam đoan không được vi phạm đến đất này.

Các quốc gia khi mở đường, lớp đất mặt người ta dồn sang hai bên, để trồng cây chắn bụi, chắn tiếng ồn từ đường, đảm bảo không ảnh hưởng đến khu vực canh tác nông nghiệp. Ở ta không thế, chúng ta lấy đất mặt mang đi bán, thậm chí đổ đá, làm đường nhựa tràn trên lớp đất mặt quý giá của ruộng đồng.

1nn

Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Mai Hiên. Ảnh: Mạnh Hùng.

Thứ hai, vấn đề hạn điền, ông Báo cho rằng đây là vấn đề bức xúc nhất cần được tháo gỡ tại Luật Đất đai 2013. Phải tăng lên về hạn mức giao đất, cho thuê đất mới có thể triển khai đầu tư quy mô lớn trong nông nghiệp, nếu giao nhỏ lẻ, manh mún 5, 10 hay vài ba chục ha không thể “cởi trói” được cho doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn.

Thứ ba, đất cho khoa học công nghệ, Viện nghiên cứu cũng cần sửa đổi. Từ trước tới nay, chỉ cơ quan nhà nước mới được giao đất để nghiên cứu khoa học mà chưa có cơ chế cho viện nghiên cứu tư nhân. Tôi cũng có viện nghiên cứu để sản xuất các giống cây trồng, các sản phẩm chủ lực với quy mô diện tích lên tới 152ha. Đề nghị Luật Đất đai điều chỉnh nội dung này để hướng tới sự phát triển của ngành nông nghiệp đất nước…

Ông cũng kiến nghị cần nới rộng thời hạn thuê đất nông nghiệp, không nên ấn định thời hạn thuê đất để đạt tới sự hài hoà.

“Luật cũng cần thể chế hoá nội dung đất sử dụng cho các dự án, công trình nông nghiệp. Nếu chúng ta làm công nghiệp có thể thuê đất trong khu công nghiệp, nhưng chế biến nông sản, chúng ta không thể đặt nhà máy chế biến trong khu công nghiệp được, vì trong đó có bụi mịn, hoá chất… ảnh hưởng tới sản phẩm nông nghiệp chế biến, không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…, lúc đó chúng ta bán cho ai. Do đó, các đơn vị chế biến nông sản phải được đặt ở giữa khu vực nông nghiệp, tránh xa khu dân cư… Nên có quy định đối với đất dành cho khu chế biến nông sản riêng, không thể đặt nó trong các khu chế biến, sản xuất công nghiệp”, ông Trần Mạnh Báo kiến nghị.

Cùng quan điểm, đại diện Tập đoàn Xuân Thiện nêu ý kiến: với các dự án thu hồi đất để phục vụ các dự án kinh tế xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng…, nhiều địa phương lúng túng đang không biết xếp các dự án chế biến nông lâm, thuỷ sản, chăn nuôi, trồng cây ăn quả… có thuộc nhóm dự án nông nghiệp hay không. Điều đó gây trở ngại cho quá trình đầu tư và chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

“Cởi trói” đất đai cho các Viện nghiên cứu mới tự chủ một phần

Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đề xuất giải quyết vướng mắc trong các quy định của pháp luật về sử dụng đất để các tổ chức khoa chọc công nghệ công lập ngành nông nghiệp thực hiện liên doanh liên kết, hợp tác công tư trong nghiên cứu, phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Luật sửa đổi phải bảo vệ đất rừng, đất lúa

Luật Đất đai sửa đổi phải bảo vệ đất rừng, đất lúa

Ông chia sẻ, đất đai do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đang quản lý là rất lớn, nếu chia trung bình theo đầu người thì mỗi một cán bộ đang quản lý 1ha/người.

Tuy nhiên, Luật Đất đai chỉ cho phép các đơn vị đã tự chủ hoàn toàn được giao đất, cho thuê đất, liên doanh liên kết, hợp tác… bằng đất; còn các đơn vị mới tự chủ một phần không được quyền này. Điều này gây hạn chế, lãng phí tài nguyên đất. Thành thử, nếu Viện không có kế hoạch giữ đất, bảo vệ đất… sẽ bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.

Ông kiến nghị, Điều 30 Khoản 1 (Luật Đất đai sửa đổi) bổ sung nội dung này để “cởi trói” cho các Viện, đơn vị nghiên cứu khoa học được “cởi trói” trong sử dụng đất đai…

Hiện tại, Bộ NN-PTNT đang quản lý 500 cơ sở nhà, đất tại 20 cơ quan hành chính, 74 đơn vị sự nghiệp trực thuộc trên địa bàn 52 tỉnh/thành phố. Tổng quỹ nhà, đất các đơn vị thuộc bộ quản lý, sử dụng khoảng 253.807,2 ha đất, trong đó 11 viện nghiên cứu trực thuộc Bộ NN-PTNT đang quản lý sử dụng khoảng 14.705 ha đất.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành các tổ chức khoa học công nghệ công lập ngành nông nghiệp đều không được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh, liên kết, thực hiện dự án đầu tư do có vướng mắc trong các quy định pháp luật.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.