Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cho rằng, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 120, kết quả nổi bật rõ nhất là sự chuyển biến nhận thức một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Từ chuyển biến trong nhận thức đó đã có những kết quả bước đầu không chỉ về kinh tế mà ứng phó với BĐKH.
Nhờ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông nghiệp ĐBSCL đã phát triển vượt bậc, toàn diện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa ĐBSCL thành vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, góp phần phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2018, ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây (sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước; sản lượng tôm 0,623 triệu tấn, chiếm 70%; sản lượng cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%). Kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực ĐBSCL (gạo, cá tra, tôm, trái cây) đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước.
Nông nghiệp ĐBSCL đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản; cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng hơn với BĐKH, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp ĐBSCL chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây; giảm lúa. Các hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, cơ cấu giống và ứng dụng kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với BĐKH tiếp tục được đẩy mạnh.
Giai đoạn 2015 - 2018, diện tích gieo trồng lúa giảm mạnh khoảng 195 nghìn ha (từ 4.302 nghìn ha xuống 4.107 nghìn ha) chủ yếu do giảm vụ, tương ứng tỷ trọng giá trị sản xuất lúa gạo trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm từ 27,7% xuống 26,4%; diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 742,7 nghìn ha lên 807,3 nghìn ha, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng từ 35,4% lên 42%; diện tích trái cây tăng từ 308,6 nghìn ha lên 347,6 nghìn ha, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trái cây tăng từ 9,1% lên 10,2%.
Xây dựng, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, hình thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất với khối lượng lớn và chất lượng đảm bảo. Riêng diện tích sản xuất lúa cánh đồng lớn vùng ĐBSCL có 427,8 nghìn ha (chiếm tới 73,9% diện tích cánh đồng lớn của cả nước).
Để phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL theo hướng thuận thiên, Bộ NN-PTNT cho rằng cần thể chế hóa và thực thi cơ chế, chính sách đặc thù: Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả; tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, theo mô hình liên kết “cánh đồng lớn” đặc trưng của ĐBSCL; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp “đầu tàu”; thực hiện miễn, giảm thuế, thúc đẩy tín dụng ưu đãi và triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực của vùng, nhất là tôm, cá tra.
Bên cạnh đó là các giải pháp quan trọng như điều chỉnh các quy hoạch vùng và tỉnh ĐBSCL theo hướng tích hợp đa ngành, gắn kết chặt chẽ phát triển nông nghiệp và phát triển chung về kinh tế, xã hội; huy động nguồn lực tổng hợp đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH; đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị; tăng cường ứng dụng, chuyển giao KHCN; tăng cường liên kết vùng; tăng cường hợp tác quốc tế...