Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL |
Theo đó, quy hoạch vùng ĐBSCL mới sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), xâm nhập mặn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Đáng chú ý là theo quy hoạch vùng ĐBSCL mới, sẽ phát triển nông nghiệp theo 2 mục tiêu: Thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, sử dụng đất và nước một cách bền vững trong tương lai; trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL, hỗ trợ các ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên kinh doanh nông nghiệp để tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó là phát triển vận tải và logistics phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng: Nâng cấp mạng lưới vận tải thủy giữa vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển các trung tâm logistics (có thể kết hợp với các trung tâm vệ tinh) để tập trung, thu gom hàng hóa, hỗ trợ vận tải đa phương thức và cung cấp các dịch vụ gia tăng; nâng cấp đoàn phương tiện vận tải thủy nội địa - tăng công suất về độ sâu để tăng tính cạnh tranh với vận tải đường bộ.
Ngoài ra quy hoạch còn xác định các tiểu vùng để tạo động lực phát triển cho vùng ĐBSCL và các tiểu vùng; ứng phó với biến đổi khí hậu và tài nguyên nước.