| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác cơn bão đầu tiên trên Thái Bình Dương

Thứ Năm 14/05/2020 , 17:23 (GMT+7)

Cơn bão có tên quốc tế VongFong đang hoạt động ở khu vực vùng biển phía đông miền Trung Philippinnes.

Vị trí và dự báo hướng di chuyển của bão VongFong. Đồ họa: Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.

Vị trí và dự báo hướng di chuyển của bão VongFong. Đồ họa: Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hôm nay (14/5), bão VongFong hoạt động ở khu vực vùng biển phía Đông miền Trung Philippinnes, với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển về phía đất liền Philippinnes, sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc trên khu vực đất liền Philippinnes, sau đó dự báo tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc.

Đây là cơn bão đầu mùa, còn diễn biến phức tạp, vì vậy, Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công văn gửi Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, đề phòng bão đổi hướng đi vào Biển Đông.

Đồng thời, thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; tổ chức trực ban theo quy định, thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo về Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Theo Hãng tin Reuters, chính quyền Philippinnes ngày 14/5 đã có lệnh bắt đầu sơ tán khoảng 200.000 dân tại các khu vực ven biển và miền núi khi bão Vongfong với sức gió 155km/h đổ bộ vào nước này. Bão VongFong (tại Philippin có tên là Ambo) là cơn bão đầu tiên đổ vào Philippin năm nay, cũng là cơn bão đầu tiên được đặt tên ở tây Thái Bình Dương.

Theo cơ quan khí tượng quốc gia, bão VongFong sẽ đổ bộ trước tiên ở vùng miền đông Philippinnes với sức gió 155km/h, giật tới 190km/h.

Các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 sẽ khiến công tác sơ tán dân đến những điểm tránh bão và việc phòng dịch bệnh càng khó khăn hơn.

Mùa mưa bão năm nay, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương nhận định trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN.

Cụ thể, sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông và khoảng 5-6 cơn trong số đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020.

* Ngày 14/5, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở Tây Nguyên và Nam Bộ với nền nhiệt độ phổ biến 35-36 độ; nắng nóng đã xảy ra ở một số nơi thuộc phía Tây Bắc Bộ và vùng núi Trung Trung Bộ.

Dự báo trong ngày 15/5 và 16/5, Bắc Bộ tiếp tục có nắng nóng cục bộ với nền nhiệt độ cao nhất từ 33-36 độ; khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ.

Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Từ ngày 16/5, nắng nóng diện rộng kết thúc ở các khu vực này.

Trong khi đó, cảnh báo nắng nóng ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 20-21/5.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.