Triển khai nhiều giải pháp sáng tạo
Thống kê cho thấy, tổng số hộ đang ở trong nhà tạm, nhà dột nát (hộ có khó khăn về nhà ở) trên địa bàn huyện Đại Từ là 159 hộ; trong đó, hộ nghèo 117 hộ, cận nghèo 42 hộ; hộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở là 94 hộ, nhu cầu sửa chữa là 65 hộ.
Để đạt mục tiêu xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/3/2025, sớm hơn chỉ tiêu tỉnh Thái Nguyên giao chậm nhất 31/6/2025, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong huyện Đại Từ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo nhiều giải pháp.
Huyện Đại Từ dự kiến thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên 6 tỷ đồng từ các nguồn kinh phí có như: Quỹ Vì người nghèo các cấp (tỉnh, huyện, xã); kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.
Ủy ban MTTQ huyện Đại Từ đã tham mưu cho Thường trực Huyện ủy thành lập ban chỉ đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp huyện và chỉ đạo 27/27 xã, thị trấn tiến hành thành lập ban chỉ đạo tại cơ sở.
Ngoài nguồn lực của Nhà nước, huyện Đại Từ đã huy động tối đa xã hội hóa trên cơ sở đa dạng hóa hình thức hỗ trợ để đảm bảo các hộ dân ổn định về nhà ở. Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Mỗi cơ quan, đơn vị đều có phương pháp kêu gọi, vận động ủng hộ sáng tạo, cụ thể như: một số xã vận động nhân dân ủng hộ tiền mặt, hỗ trợ ngày công, nguyên vật liệu… Liên đoàn Lao động huyện Đại Từ đã hỗ trợ kinh phí 220 triệu đồng cho 4 nhà hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đại Từ đã tích cực hưởng ứng thông qua vận động ủng hộ chương trình “Mái ấm tình thương”, tuyên truyền hội viên hỗ trợ ít nhất 3.000 đồng/năm để hỗ trợ xây dựng nhà cho hội viên nghèo.
Ban chỉ đạo xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ tới từng lãnh đạo cơ sở chỉ đạo quyết liệt thực hiện tới từng hộ gia đình. Đặc biệt, sự vào cuộc của lãnh đạo huyện trong việc tìm kiếm, vận động nguồn lực đảm bảo điều kiện thực hiện khởi công 100% nhà tạm, nhà dột nát xây mới và sửa chữa trước 31/12/2024.
Đến nay, huyện Đại Từ đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa được 138 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Các cấp chính quyền, đoàn thể cơ sở đang khẩn trương động viên hộ dân có đủ điều kiện xóa nhà tạm, nhà dột nát thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở đảm bảo tiến độ; hướng dẫn các gia đình hoàn thiện thiện hồ sơ để được nhận hỗ trợ kịp thời…
Một số khó khăn trong quá trình triển khai như: Số gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát phân tán; một số trường hợp có nhu cầu hỗ trợ nhưng giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất ở chưa đảm bảo, chưa đầy đủ, chưa có sự đồng thuận trong gia đình… đã và đang được cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp tập trung tháo gỡ.
Với quyết tâm cao và các giải pháp thực hiện khẩn trương, đồng bộ, huyện Đại Từ đặt mục tiêu sớm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Ba bài học, kinh nghiệm trong quá trình triển khai
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm qua, Huyện Đại Từ đã rút ra một số bài học, kinh nghiệm:
Thứ nhất, cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm,… để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ còn khó khăn, đặc biệt vận động hộ trợ xây dựng nhà cho hộ già cả, đơn thân hết tuổi lao động, khuyết tật…
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức vận động, hỗ trợ như: trợ giúp về thủ tục cấp quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, vay vốn ngân hàng; huy động nguồn nhân lực, vật lực giúp đỡ nhau trong quá trình xây dựng… Tập trung vào những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” với mục tiêu hoàn thành chậm nhất đến ngày 31/12/2025, nhằm cải thiện điều kiện sống cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.