Không chỉ vậy, thành công của Cty còn tạo ra nguồn lực để cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc ở một huyện biên giới tại địa phương.
Ông Võ Toàn Thắng, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Chư Prông cho biết: Mấy năm nay, diễn biến thời tiết hết sức khắc nghiệt đã làm ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây và hoạt động sản xuất kinh doanhcủa Cty. Khi vườn cây cao su thay lá, Cty đã làm tốt việc phòng bệnh phấn trắng, toàn vườn cây có bộ lá rất tốt, nhưng do thời tiết nắng hạn hầu hết diện tích phải ngừng cạo.
Khi vào mùa mưa, mưa lớn liên tục nhiều ngày liền đã làm cho vườn cây bị bệnh rụng lá, ảnh hưởng đến năng suất vườn cây. Do đó, cây cao su khai thác bị tác động nhiều về khí hậu, thời tiết, cuối niên vụ cạo 2017 vườn cây thay lá gặp thời tiết không thuận lợi trên 97% diện tích khai thác bị bệnh phấn trắng ở cấp độ 4-5 và trên 350 ha bị bệnh Botryodiplodia, Cty đã chủ động chữa trị cho vườn cây. Việc phòng bệnh đầu vụ đã có hiệu quả, vườn cây có bộ lá tốt và được cạo mở sớm nhưng gặp phải thời tiết tiếp tục nắng hạn nên phải ngừng cạo, mãi đến trung tuần tháng năm mới có mưa vườn cây mới được mở cạo lại.
Ông Võ Toàn Thắng - TGĐ Cty phát biểu tại lễ khởi công |
Năm 2018, với trận mưa lịch sử, mưa từ tháng 6,7,8 mưa lớn nhiều ngày liền( mưa dầm liên tục trên 70 ngày) vườn cây bị ảnh hưởng nặng bệnh rụng lá mùa mưa với trên 70% diện tích, trong đó 1.082,7 ha giống Rrim 600 và VM 515 bị rụng lá 100%, mưa lớn lũ cuốn trôi trên 4.500 chén hứng mủ trên cây, gần 1.000 cây cao su kinh doanh bị gãy đổ lật gốc đã làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và tiến độ thực hiện của những năm tiếp theo. Ông Thắng cho biết thêm, cuối tháng 4/2019, ngành cao su cả nước nói chung và Cty TNHH MTV cao su Chư Prông nói riêng vẫn đang chật vật khi giá mủ cao su đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, kết hợp với thời tiết bất lợi do nắng liên tục, đã gây ra nhiều khó khăn cho việc ổn định sản xuất của Cty, đến cuối tháng 4 Cty mới đạt được 3% kế hoạch trên năm.
Để vượt qua khó khăn, thách thức, ban lãnh đạo Cty đã chung sức, chung tay, đồng lòng, nỗ lực vượt khó vươn lên. Với sự thay đổi kịp thời trong tư duy quản lý, đổi mới trong sản xuất, đầu tư vào chiều sâu, cùng với các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đã thay đổi cách nghĩ, thói quen lao động cũ, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới là một trong những yếu tố quan trọng cải thiện sản lượng, chất lượng cao su, đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu thị trường mang lại lợi nhuận; đồng thời tạo những bước đột phá đạt hiệu quả thiết thực cho người lao động và sự phát triển của Cty.
Hiện nay, Cty có 12.000 nghìn ha cao su, trong đó có 5.015,6 ha đưa vào khai thác. Năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam- CTCP giao cho Cty sản lượng 6.400 tấn mủ quy khô, Cty phấn đấu 7.100 tấn, với doanh thu 207,76 tỷ đồng. Do quá trình sản xuất, chế biến mủ cao su nên việc xử lý nguồn nước thải trong khâu sản xuất trở nên cấp thiết. Ngày 27/3/2019, Cty đã khởi công dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nhà máy chế biến cao su, với nguồn vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng để cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nhà máy chế biến cao su từ cột B lên cột A- Quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp công suất 1.200m3/ngày đêm sẽ thi công trong thời gian 290 ngày. Được biết, Cty là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Gia Lai cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nhà máy chế biến mủ cao su.
Lễ khởi công cải tạo nâng cấp nhà máy xử lý nước thải |
Trải qua 43 năm xây dựng , đổi mới và phát triển. Cty TNHH MTV cao su Chư Prông đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ như mở rộng diện tích vườn cây, thâm canh tăng năng suất, nâng cao đời sống về mọi mặt cho người lao động , đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số, gắn phát triển kinh tế- xã hội và giữ vững ổn định quốc phòng- an ninh trên địa bàn mà Cty đứng chân. Cty đã trực tiếp giúp cho nhân dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sớm đổi mới phương thức sản xuất, cách nghĩ, cách làm, ý thức tự giác trong lao động. Cho đến nay, Cty có 2.623 người, trong đó có 1.267 công nhân là người đồng bào dân tộc chiếm 49% ở 72 làng thuộc 16 xã, của huyện biên giới Chư Prông. Cùng với việc phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo ở một huyên vùng biên giới sẽ được ấm no, hạnh phúc.